Hội đồng thẩm định phim, anh là ai!?

28/03/2018 - 07:23

PNO - Hội đồng thẩm định làm việc 'đúng quy trình'. Cái gì cũng 'đúng quy trình' đến mức người dân nghe chẳng lọt tai. Hội đồng thẩm định, anh là ai mà quy trình đúng của anh lại 'sai sai' trong mắt công chúng?

Đúng quy trình!

Sạn kiểm duyệt ở Điệp vụ Biển Đỏ mới đây và những vụ việc trước đó gợi lại câu hỏi về vai trò của Hội đồng duyệt phim quốc gia mà người dân vẫn quen gọi là Hội đồng thẩm định. Họ là ai và cái gọi là “đúng quy trình” mà hội đồng này đưa ra liệu có đúng với quy trình khi cấp phép một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt khi tác phẩm ấy không phải là tác phẩm nghệ thuật thông thường hay không, có quá nhiều vấn đề cần bàn.

Hoi dong tham dinh phim, anh la ai!?

Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 có nhiều cảnh nhân vật nữ ăn mặc hở hang nhưng được dán nhãn P

Buổi duyệt phim diễn ra vào ngày 2/3 với sự tham gia của 7/11 thành viên (4 thành viên vắng có lý do), trong đó có các thành viên là lãnh đạo cấp vụ của Ban Tuyên giáo trung ương, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các nhà chuyên môn. Rõ ràng họ là những cái tên “không phải dạng vừa đâu”, đủ tư cách để lên tiếng trong lĩnh vực của mình.

Trước sự giận dữ của người dân khi bộ phim tuyên truyền Điệp vụ Biển Đỏ của Trung Quốc được cấp “thẻ xanh” phát hành rộng rãi ở Việt Nam, phản hồi mới nhất của đại diện Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch như đổ thêm dầu vào lửa. Nhiều người gọi đó là sự “lấp liếm”, là “một phản biện không thể chấp nhận được” từ phía những người làm công việc “gác cửa”.

Kết quả cuối cùng dựa trên nguyên tắc: chỉ cần có sự tham gia của “quá bán” số thành viên là hợp lệ và phim sẽ được cấp phép khi có trên 2/3 thành viên có mặt tán thành. Điệp vụ Biển Đỏ được 7/7 thành viên hội đồng duyệt phim tán thành và đã được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến. Nghe cách làm việc, bình xét thì có vẻ “đúng quy trình”. Mọi thứ đều “thuận tự nhiên”. Thế nhưng, tại sao nghe phản hồi của cục, của bộ, dư luận lại không cảm thấy thuyết phục?

Không phải tự nhiên mà mười mấy con người, ở các bộ phận khác nhau, được chọn ngồi chung một hội đồng để thẩm định một bộ phim (và cả những sản phẩm văn hóa khác nữa). Tính đa dạng về mặt chuyên môn của hội đồng làm cho góc nhìn về tác phẩm đó trở nên đa dạng, nhiều chiều và người này bù khuyết cho người kia; để khi cấp phép và phát hành rộng rãi, ít nhất đó là một tác phẩm “sạch”. Thế nhưng, với Điệp vụ Biển Đỏ, những người ngồi ở vị trí thẩm định, có quyền sinh quyền sát một tác phẩm trước khi nó ra mắt, đã thực sự làm đúng chức trách, bổn phận của mình chưa? 

Vẫn nặng cảm tính

Thuở chưa áp dụng bốn mức phân loại phim theo độ tuổi (trước đây chỉ có hai loại: phổ biến rộng rãi hoặc cấm trẻ em dưới 16 tuổi), các nhà làm phim, nhập phim vẫn than trời vì chuyện phim bị hội đồng cắt nát. Từ 1/1/2017, bảng phân loại với bốn mức khác nhau được áp dụng cho các bộ phim được cấp phép phát hành. Âu lo về khâu kiểm duyệt chuyển từ động tác “cắt” sang động tác “dán nhãn”.

Hoi dong tham dinh phim, anh la ai!?
John Wick 2 dù bị dán nhãn C18 nhưng vẫn bị cắt khi ra rạp tại Việt Nam

Ngoài chuyện bản lĩnh chính trị, sự nhạy bén trước các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, dân tộc, năng lực chuyên môn của các thành viên hội đồng thẩm định cũng khiến người làm nghề băn khoăn, thậm chí phản ứng.

Kính mời quý độc giả đón đọc kỳ sau: 

Hội đồng thẩm định - chuyện dài chuyên môn

Theo quy định ở Việt Nam, phim ra rạp sẽ được dán nhãn P (dành cho mọi độ tuổi), C13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi), C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi) hoặc C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi). Cứ ngỡ cách phân loại này sẽ giúp các nhà làm phim an toàn hơn và khán giả cũng tự do chọn phim phù hợp, yên tâm hơn khi dẫn con đi xem cùng. Thực tế không phải vậy. Không ít phim nước ngoài, dù áp nhãn ở mức cao nhất - C18, khi ra rạp vẫn bị hội đồng duyệt phim trảm vài phút không thương tiếc. Ba bộ phim Rings, John Wick 250 shades darker là những nạn nhân đầu tiên.

Dù được phân loại C18, John Wick 2 bị cắt bảy phút, Rings mất hết 17 phút khi về đến Việt Nam. Dù sao, những cảnh bị cắt trong hai phim trên không ảnh hưởng lắm đến nhịp phim như trường hợp 50 shades darker - bộ phim chủ đề tình dục. Đoạn được mong chờ nhất phim - trò chơi thể xác trong căn phòng đỏ - chỉ chiếu cảnh nữ chính bước vào phòng, tò mò hỏi han về mục đích các món đồ chơi tình dục, khi hai người vừa ôm hôn thì phim… chuyển cảnh.

Dù phần bị cắt không ảnh hưởng đến cốt truyện, nó khiến mạch phim trở nên buồn cười, đứt gãy cảm xúc. Cùng thời điểm, phim Siêu chiến binh bị cắt 15 phút dù có nhãn C16 khiến khán giả xem xong băn khoăn tự hỏi phim dở do kịch bản vụng hay do “dao kéo” khiến phim rời rạc? Chuyện cắt gọt ba phim Rings, John Wick 250 shades darker không chỉ làm khán giả ức chế mà đơn vị phát hành phim cũng kém vui vì lịch phát hành bị chậm trễ hết nửa ngày.

Sự chênh lệch về áp độ tuổi khán giả cho cùng một phim khi chiếu tại Việt Nam và ở nước ngoài cũng là khiến công chúng khó hiểu. A monster calls, Doctor strange chỉ cấm khán giả dưới 13 tuổi ở nước ngoài, nhưng về nước ta lại nâng lên thành 16 tuổi.

Hoi dong tham dinh phim, anh la ai!?
Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh kungfu chỉ là 1 phim hài bình thường nhưng bị dán nhãn C13

Việc dán nhãn cũng không công bằng theo hướng “dễ người khó ta”. Các phim Việt chiếu tết năm ngoái như Chạy đi rồi tính, Nàng tiên có năm nhà, Rừng xanh kỳ lạ truyện hay Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh kungfu chủ yếu là hài hước, vui vẻ, không có cảnh hở hang, vẫn bị dán nhãn C13, C16; trong khi phim ngoại chiếu cùng thời điểm là Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 có nhiều cảnh nhân vật nữ ăn mặc khoe ngực, nhiều lời thoại ẩn ý dung tục, nhiều cảnh đánh đập tàn ác, lại được cấp phép phổ biến cho mọi lứa tuổi (P).

Điều này dẫn tới chuyện tréo ngoe: diễn viên nhí Trọng Khang của phim Chạy đi rồi tính òa khóc vì không được vào xem phim mình đóng do không đủ tuổi quy định; còn những khán giả lỡ dẫn con vào xem Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 thì chỉ muốn dẫn con… chạy đi rồi tính.

Được biết, từ năm 2014 đến 2016, hội đồng duyệt phim đã thẩm định 132 phim Việt Nam và 546 phim nước ngoài, trong đó có gần 70 phim bị đề nghị không cấp phép. Năm 2017 con số này lần lượt là 104 - 265 - 30, cho thấy khâu kiểm duyệt tương đối sát sao. Nhưng kẽ hở thì vẫn ở đó, nhất là khi nhiều điều luật ở Việt Nam còn khá mơ hồ. Chính sự mơ hồ đó vô hình trung tiếp tay cho những bất cập trong chuyện duyệt phim. Luật do con người định đặt, nên sai sót hay sửa chữa cũng phải do con người. 

Nhà báo Cát Vũ: Không thẳng thắn, thiếu đàng hoàng

Trong câu chuyện Điệp vụ Biển Đỏ, về lý, trả lời như đại diện của Cục Điện ảnh không phải là sai vì phim không nói cụ thể, ai hiểu sao cũng được. Nhưng, tôi tự hỏi, đứng ở lập trường chúng ta là người Việt Nam, liệu có đúng không? Hội đồng thẩm định giống như những người “gác cửa”, bằng năng lực nghề nghiệp và sự nhạy cảm, họ phải đặt bộ phim lên bàn cân xem nên hay không nên duyệt, đó cũng là quyền hạn và trách nhiệm của họ.

Phim ảnh có quyền hư cấu, lồng vào những ẩn dụ chính trị - nghệ thuật, chứ không phải kiểu rõ ràng như phim tài liệu, đòi hỏi hội đồng phải tinh tế, nhạy cảm, sáng suốt và tỉnh táo hơn những người bình thường khác. Có như thế, khi bộ phim công chiếu mới không gây ồn ào, bức xúc dữ dội như vậy. 

Có người đặt câu hỏi, hay là do số lượng phim quá nhiều, hội đồng duyệt phim, với từng đó con người, không thể một lúc mà tỉnh táo xem hết được. Tôi không nghĩ vậy. Số lượng phim nhiều và hội đồng phải làm việc nhiều là chuyện bình thường. Họ được trả tiền để ngồi đó làm nhiệm vụ mà. Đa phần trong số họ là những người dành thời gian để làm công việc đó. Cho nên, nhiều phim hay ít phim, không phải là lý do bao biện. 

Quan trọng hơn, khi xảy ra chuyện, các anh chị ấy lại đổ thừa, không thẳng thắn, thiếu đàng hoàng, thành ra câu chuyện càng ầm ĩ.

Hương Nhu - Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI