Hội đồng nhân dân TP.HCM thảo luận về quy hoạch, thu hút đầu tư

24/03/2021 - 06:10

PNO - Bình quân một đồng ngân sách bỏ ra thu hút được khoảng 5,5 đồng từ các nguồn lực xã hội, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sáng 23/3, HĐND TP.HCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề), xem xét các báo cáo, biểu quyết thông qua một số tờ trình của UBND TP.HCM. Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định, các nội dung được nêu tại kỳ họp mang tính cấp bách, tác động rất tích cực đến sự phát triển của TP.HCM.

Quy hoạch cần mang tính khả thi

Tại kỳ họp, UBND TPHCM đã báo cáo về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và nhiệm vụ quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. 
Theo đó, đến năm 2040, TPHCM hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng với các địa phương lân cận, phát triển không gian đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng cho người dân, phát triển quỹ đất trồng cây xanh, đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch ổn định...

TP.HCM đã có nhiều chính sách thu hút, phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: Đỗ Minh
TP.HCM đã có nhiều chính sách thu hút, phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: Đỗ Minh

Đến năm 2060, TPHCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam. TP.Thủ Đức được quy hoạch theo định hướng trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, là hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của TPHCM trên nền tảng phát triển gắn với kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển.

Nhiều đại biểu nhất trí với các báo cáo nói trên nhưng cho rằng, cần làm rõ một số tiêu chí trong công tác quy hoạch. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị quan tâm tính khả thi và tính nhân dân trong quy hoạch. Theo bà Tâm, lâu nay, TPHCM có tình trạng quy hoạch dựa trên mong muốn nhưng không có nguồn lực để triển khai thực hiện. “Nhiều khu vực, dự án được lập quy hoạch nhưng đến nửa đời người vẫn chưa làm được, như bán đảo Thanh Đa của Q.Bình Thạnh” - bà Tâm nói. 

Tính nhân dân của quy hoạch, theo bà Tâm, là bảo đảm lợi ích, tiếng nói và sự ổn định cuộc sống của người dân. Bà nêu ví dụ, trong quy hoạch có đề cập việc cung cấp nước sạch cho người dân, nhưng trên thực tế, rất nhiều nơi, người dân không có nước sạch để dùng. “Các nơi đó đã được quy hoạch làm công viên cây xanh hoặc giao thông khiến dự án nước sạch không thể về được với người dân. Quy hoạch treo nên treo luôn nước sạch” - bà Tâm chỉ rõ nguyên nhân.

Theo các đại biểu, yếu tố di sản, bản sắc văn hóa của TPHCM cũng nên được xem là trọng tâm trong công tác quy hoạch. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - đề nghị TP.Thủ Đức được định hướng phát triển là một đô thị mang tầm quốc tế và những cư dân nơi này có trình độ tri thức cao, do đó, phải có giải pháp, cách làm cụ thể để nơi này giữ gìn được bản sắc văn hóa đặc trưng, đặt trong văn hóa của TPHCM và Nam Bộ. 

Chuyển dịch công - nông nghiệp để thu hút đầu tư

Trong vấn đề quy hoạch phát triển TPHCM, kỳ họp cũng chú trọng thảo luận nội dung thiết lập cơ chế chính sách nhằm quản lý, thu hút đầu tư. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TPHCM nhất trí thông qua hai dự thảo nghị quyết của HĐND TPHCM đối với các tờ trình của UBND TPHCM về thu hút và kích cầu đầu tư. Theo đó, HĐND TPHCM cho phép UBND TPHCM tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 16/2018 của HĐND TPHCM về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018-2020 và kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 10/2017 của HĐND TPHCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2017-2020.

Theo UBND TPHCM, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 16/2018 (hết hiệu lực ngày 31/12/2020), đã có nhiều dự án thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu và hai ngành công nghiệp truyền thống được đầu tư đổi mới công nghệ, trang bị máy móc hiện đại và áp dụng khoa học công nghệ, mang lại hiệu quả, giá trị gia tăng cao.

UBND TPHCM đã phê duyệt 13 dự án thuộc chương trình với tổng mức đầu tư 1.130 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân sách hỗ trợ lãi vay là 588 tỷ đồng, bình quân một đồng ngân sách bỏ ra thu hút được khoảng 5,5 đồng từ các nguồn lực xã hội, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm, thêm thu nhập cho người dân. Việc tiếp tục thực hiện nghị quyết này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tương tự, quá trình áp dụng Nghị quyết 10/2017 (hết hiệu lực ngày 31/12/2020) cho thấy, bình quân một đồng ngân sách bỏ ra thu hút được khoảng 20 đồng từ các nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp, hộ dân đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Việc kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết sẽ khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. 

Nhiều chính sách có lợi cho giáo viên, học sinh

Tại kỳ họp, các đại biểu đã nhất trí thông qua ba dự thảo nghị quyết của HĐND TPHCM đối với các tờ trình của UBND TP.HCM liên quan đến lĩnh vực giáo dục TPHCM. 

Một là, dự thảo nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện điểm c, khoản 4.2, điều 2 Nghị quyết số 01/2014 của HĐND TP.HCM về hỗ trợ giáo dục mầm non. Cụ thể, HĐND TPHCM cho phép UBND TPHCM tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chế độ hỗ trợ đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới kể từ năm học 2021-2022 đến hết năm học 2024-2025. Mức hỗ trợ là: 100% lương cơ sở/người/tháng trong năm đầu được tuyển dụng; 70% lương cơ sở/người/tháng trong năm thứ hai sau khi được tuyển dụng; 50% lương cơ sở/người/tháng trong năm thứ ba sau khi được tuyển dụng. Tổng kinh phí cho công tác hỗ trợ này ước tính gần 20 tỷ đồng/năm.

Hai là, dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2, điều 1 Nghị quyết số 04/2017 của HĐND TPHCM về chính sách thu hút giáo viên mầm non. Theo đó, đối với giáo viên (hợp đồng dưới 12 tháng), mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu vùng I do Chính phủ công bố trong 9 tháng/năm; đối với nhân viên nuôi dưỡng hợp đồng, mức hỗ trợ bằng 50% mức lương tối thiểu vùng I do Chính phủ công bố (chi từ ngân sách TP.HCM, còn lại chi từ nguồn xã hội hóa, tùy theo điều kiện cụ thể từng đơn vị) trong 9 tháng/năm. Tổng kinh phí thực hiện chính sách thu hút này khoảng trên 11 tỷ đồng/năm, lấy từ ngân sách TPHCM.

Ba là, dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích giáo viên, học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế và giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng các học sinh, học viên đoạt các giải trên tại TPHCM. Mức chi dự kiến 19,4 tỷ đồng từ ngân sách TPHCM.

Năm 2021, TP.Thủ Đức được giao thu ngân sách hơn 8.327 tỷ đồng

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM đã thông qua dự thảo nghị quyết về hủy dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 của quận 2, 9 và Thủ Đức; giao chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho TP.Thủ Đức. Theo đó, TP.Thủ Đức được giao chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021 là hơn 8.327 tỷ đồng và chi ngân sách địa phương hơn 3.155 tỷ đồng (bằng tổng thu và tổng chi ngân sách của ba quận 2, 9, Thủ Đức được UBND TPHCM giao trước đó). 

HĐND TPHCM cũng thông qua dự thảo nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho TP.Thủ Đức và tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn TP.Thủ Đức năm 2021. Theo đó, TP.Thủ Đức được hưởng 100% các khoản thu thuế tài nguyên (trừ thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí), thuế sử dụng đất nông nghiệp (trừ thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình), lệ phí môn bài, trước bạ nhà, đất.

TP.Thủ Đức cũng được hưởng 100% khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho TP.Thủ Đức, các khoản thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc TP.Thủ Đức xử lý sau khi trừ đi các chi phí theo quy định…

Tỷ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương, ngân sách TP.HCM và ngân sách TP.Thủ Đức là 82%, 0% và 18%, gồm thuế giá trị gia tăng thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh do cơ quan thuế TP.Thủ Đức thu, thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh do cơ quan thuế TP.Thủ Đức thu…


Tuyết Dân - Tam Bình

 
TIN MỚI