Hội đồng chị em và những phụ nữ "điên rồ"

06/07/2016 - 14:05

PNO - Năm 2013, nhà hoạt động nữ quyền Tabassum Adnan (39 tuổi) đã thành lập Khwendo Jirga - Hội đồng chị em, sau khi chứng kiến thất bại của hệ thống bảo vệ phụ nữ tại địa phương.

Tuần qua, một nhóm 40 nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng ở Pakistan đã kêu gọi Liên minh Hồi giáo Sunni ban hành sắc lệnh cấm giết người vì danh dự, bởi đây là hành động “trái pháp luật, vi hiến, phi dân chủ, phi đạo đức và vô lý”. Sự thức tỉnh của các thủ lĩnh tôn giáo xem ra vẫn còn đi sau nỗ lực của Hội đồng chị em, một tổ chức lâu nay bị nam giới địa phương coi là điên rồ, khinh thường ra mặt. Hội đồng chị em (Khwendo Jirga) đã làm được gì?

Năm 2013, nhà hoạt động nữ quyền Tabassum Adnan (39 tuổi) đã thành lập Khwendo Jirga - Hội đồng chị em, sau khi chứng kiến thất bại của hệ thống bảo vệ phụ nữ tại địa phương. Ở Pakistan cũng như nước láng giềng Afghanistan, Jirga (hội đồng) là một tổ chức rất phổ biến tại các vùng quê, hoạt động như một tòa án địa phương mà phán quyết mặc nhiên được thi hành. Tuy nhiên, trước nay Jirga chỉ toàn thành viên nam giới, không ai quan tâm bảo vệ quyền của phụ nữ.

Hoi dong chi em va nhung phu nu
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama tiếp những người nhận giải thưởng Những phụ nữ quốc tế quả cảm năm 2015 tại Nhà Trắng tháng 3/2015 - Ảnh: US DEPARTMENT OF STATE

Theo Ủy ban Nhân quyền Pakistan, từ năm 2004-2015, có 8.694 bé gái và phụ nữ nước này bị sát hại trong các vụ giết người vì danh dự. Khoảng 1/4 số nạn nhân còn trong độ tuổi vị thành niên. Đây là hành động giết người để trả thù, thường do các Jirga tuyên án. Các tòa án ở Pakistan đã cấm Jirga hoạt động và tuyên bố bản án của họ là bất hợp pháp từ năm 2004. Năm 2012, tòa án tối cao nước này đã tuyên bố Jirga bất hợp pháp và vi hiến, nhưng phán quyết trên không có hiệu lực ở các vùng xa xôi của đất nước, chính phủ đành bất lực trong việc loại bỏ các Jirga.

Hội đồng chị em ra đời đã bảo vệ được công lý cho phụ nữ Pakistan. Đặc biệt, Hội đồng được thành lập ở thung lũng Swat, vốn là hang ổ của bạo lực đối với phụ nữ và bé gái. Tại nhiều nơi ở Pakistan, phụ nữ bị coi là “đồ vật” để giải quyết tranh chấp giữa nhữ ng ngườ i đàn ông. Thông qua hôn nhân, phụ nữ trở thành “món hời” giải quyết nợ nần, phục hồi danh dự và đánh đổi khi phạm tội. Phụ nữ bị đàn ông (có thể là chồng cũ hay bạn trai) tạt axí t, bị người thân giết “để bảo vệ danh dự gia đình”, thậm chí bị bắn khi dám đòi quyền đến trường cho các bé gái, như trường hợp Malala Yousafzai năm 2012.

Ngoài việc hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và quảng bá giáo dục miễn phí cho trẻ em gái, Hội đồng chị em còn bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái, đào tạo cho họ kỹ năng nghề nghiệp, tài trợ các khoản vay nhỏ, giúp phụ nữ tiếp cận các cuộc đàm phán hòa bình, nâng cao hiểu biết về pháp luật và quyền bầu cử, đồng thời vận động để thông qua các luật bảo vệ phụ nữ khỏi nạn bạo hành (đặc biệt là việc giết người vì danh dự, sách nhiễu của hồi môn, tạt axít và tra tấn).

Mấy năm qua, hơn 1.000 trẻ em gái và phụ nữ đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hội đồng chị em. Năm 2014, khi xảy ra vụ hiếp dâm một bé gái, Hội đồng chị em lập tức tổ chức biểu tình phản đối tội ác. Khi các nghi phạm bị bắt, lần đầu tiên trong lịch sử địa phương, bà Tabassum Adnan, thủ lĩnh của Hội đồng 25 thành viên nữ, được đề nghị ngồi trong Jirga của đàn ông để thực thi công lý. Từ những cuộc biểu tình ban đầu, Hội đồng chị em đã vận động thành công để thông qua luật cấm tảo hôn.

Hội đồng chị em hiện là chiếc phao cứu sinh duy nhất trong tay phụ nữ Pakistan. Năm 2013, bà Tabassum Adnan nhận giải thưởng Người bảo vệ con người và năm 2015, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao giải thưởng Những phụ nữ quốc tế quả cảm cho bà vì những nỗ lực trong việc tìm kiếm công lý cho phụ nữ Pakistan. Mới đây, Hội đồng chị em lại được vinh danh khi bà Adnan được trao giải thưởng quốc tế uy tín cho những nhà hoạt động không ngại hiểm nguy, là giải thưởng sáng tạo Nelson Mandela-Graca Machel năm 2016. 

Thanh Hải (Theo Global Post, Dawn, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI