Ba tôi là công tử miệt vườn Cai Lậy, ông bà nội cho ba lên Sài Gòn học hết bằng thành chung rồi về quê coi điền đất của gia đình. Công tử vườn đi học Sài thành nên ham vui, bay bướm cũng có hạng. Má tôi là tiểu thư đất Rạch Gầm, mồ côi sớm, học hết tiểu học ông bà cố bắt ở nhà học nữ công gia chánh. Má mê tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đến cuối đời.
Ông bà nội ép ba cưới vợ nối dõi tông đường. Ba đẹp trai, tính tình hào hiệp rộng rãi, bạn bè đàn đúm, đâu chịu cưới vợ sớm. Dụ dỗ, năn nỉ, dọa dẫm đủ kiểu thì ông bà nội mới ép được ba đi qua Rạch Gầm “coi mắt”.
Chàng trai hào hoa có tiếng tò mò đi theo bà mai, không muốn mà càng không ngờ - nói theo ngôn ngữ thời nay là “tiếng sét ái tình”, gặp mặt má là gật đầu ưng liền, trở về một hai đòi ông bà nội đi cưới gấp. Để rồi đêm đêm má len lén bưng ngọn đèn dầu chong leo lét trên bàn thờ vào mùng đọc mảnh giấy nhỏ ba viết vội gửi nhanh qua cô hầu gái.
|
Một đám cưới Việt truyền thống - Ảnh minh họa |
Ông Hồ Biểu Chánh viết truyện coi mê mẩn vậy chớ thấm gì, đâu có lần nào nhân vật nữ lén đọc sách của ông ban đêm mà má lại lính quýnh làm đổ đèn dầu cháy mùng như khi má đọc miếng giấy nhỏ xíu của ba. Mà có phải ba viết bằng văn chương hoa mỹ gì cho cam, chỉ nhát gừng: “Cô Ba khỏe không?”, “… hồi chiều thấy cô Ba ngồi xe đi chợ”…
Ông bà cố cũng đâu dễ mà ưng gả liền. Để cưới được má, mỗi tháng ba khăn gói qua hai tuần làm rể. Công tử vườn, chớ mê má rồi thì ba làm cái gì cũng giỏi. Làm lúa, trồng cây, rẫy cỏ, chiết cành, bắt kiến lửa làm tổ trên cây cam cho ngọt, cắt lá dừa khô lợp lại chái bếp… Cô em gái út da trắng tươi lẽo đẽo chạy theo má: “Chị Hai! Chị Hai đẹp quá. Chị Hai dạy em bới đầu như chị Hai đi”...
Hết hạn ông bà cố bắt “làm rể”, nhà trai xin rước dâu. Ba rước dâu bằng hai chiếc ghe hầu. Má được bà cố cho dẫn một cô gái theo kề cận để về nhà chồng. Má khép nép hồi hộp, lần đầu tiên trong đời ngồi kế bên một người con trai chẳng phải anh cũng chẳng phải chú hay cậu mình.
Nhà ông bà nội sát bờ sông gió thốc rao rao rười rượi. Má run khi ba bảo má níu tay bước lên bờ. Bước mấy bước từ bến sông qua hàng rào xương rồng, má chớp mắt mấy lần. Trước nhà nguyên một vườn hồng (loài hoa tên má) nở hoa. Hoa đang nụ, hoa chúm chím và nở bung rực rỡ. Mười mấy loại hồng, hai mươi mấy sắc màu trồng trên đất miền Tây, khó khăn biết mấy. Ba trồng, ba vun phân tưới nước tỉa cành. Ba hỏi quà cưới đó có khiến má vui không? Cô gái mười sáu tuổi lần đầu xa nhà gửi thân xứ lạ nuốt vội giọt nước mắt âm thầm rơi sâu vào khóe, cảm động đến lặng người…
Đêm động phòng, ba lẳng lặng ôm xấp thư giấy pelure đủ màu xanh nhạt, hồng phớt, tím lam thoảng hương thơm ra đốt trước mặt má, coi như lời hứa tu thân của một công tử hào hoa.
Từ đó, má theo ba cùng trời cuối đất. Ba chăm vườn, coi lúa ruộng, cũng nhảy xuống phụ chung với tá điền khi mùa, má cơm nước hầu hạ cho ông bà nội, giữ đúng bổn phận dâu con, dù ông bà nội cũng rất khó, bắt ne bắt nét từng chút. Giỗ quảy trong nhà một tay má lo quán xuyến quanh năm.
|
Hôn nhân xưa thường theo khuôn mẫu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" nhưng vẫn hạnh phúc ( Ảnh minh họa) |
Giặc Pháp càn, ba theo Việt Minh, theo lời kêu gọi mà sẵn sàng tiêu thổ kháng chiến, đốt hết vườn tược nhà cửa, đốt trụi vườn hồng. Cất căn nhà lá nhỏ cho ông bà nội, ba bó tiền bạc vào chân dắt má và mấy anh chị vào khu kháng chiến.
Má bán nữ trang, vàng nhẫn, vẫn giữ dạng tiểu thơ con nhà giàu mà ngược trở vào thành mua thuốc kháng sinh chuyển ra tiếp tế cho ba và các bác, các chú.
Năm 1954, trong chiến khu má mất một lúc hai anh chị kế, người viêm phổi, người sốt cao không rõ nguyên nhân và không đủ thuốc. Đói rét, cực khổ quá sức chịu đựng của một cô tiểu thư đài các, má bị lao phổi và suy tim.
Ba quyết định không theo các bác các chú lên tàu tập kết ra Bắc để ở lại lo cho má. Ba tay trắng, ruộng vườn bỏ lại, âm thầm chống xuồng đưa má và anh chị ngược sông lên Sài Gòn tìm đất sống. Các bác bạn ba hồi học trường Pétrus Ký giang tay đùm bọc, cho ba má mượn tiền mua trả góp căn nhà nhỏ chung cư Liêm Giá Cuộc, tìm việc làm cho ba, đưa má đi bác sĩ khám rồi mua thuốc cho má, tìm trường cho anh chị lớn.
Bữa cơm hồi đó của nhà tôi hay có cá lòng tong kho tiêu, dưới đáy tô váng lớp nước đỏ nâu loang loáng mỡ sệt sệt kẹo kẹo, lấm tấm chút hành lá xanh xanh, chút tiêu đen thơm cay cay. Ba lấy muỗng quệt một chút màu đỏ nâu vào cơm, xới đều trộn và một hơi nửa chén. Ba nói lần sau có kho khô thì nhớ thêm cho ba chút nước để ba chan. Má đang bẻ đầu cá cho vào chén gật gật đầu, mắt rưng rưng.
Các bác bạn ba có xe hơi riêng, tuần nào cũng thích đi chơi xa. Mời mấy má cũng không đi. Một bữa các bác xin phép má cho ba đi chơi một mình. Ba đi rồi, ở nhà má làm sang dắt hết bốn anh em đi coi cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, khuya coi hát về chưng hửng ngó thấy ba ngồi lục đục sửa cái đèn, nói mấy má con đi đâu làm ba đợi muốn chết. Ba đi không vui gì hết nên cáo lỗi mấy bác cho ba về trước. Lần sau có đi đâu thì phải đi cả nhà...
Một thời gian sau, nhờ bạn bè cũ gởi gắm, ba trở thành ông giáo dạy trong trường dạy trẻ mù, quây quần bên vợ con mà trải qua thời cuộc. Các con lớn lên, phương trưởng giữ đúng nếp nhà gia giáo thư hương. Ba má cũng cứ đầm ấm bên nhau mà làm cây cao bóng cả chở che cho con cháu. Ba mãn nguyện bồng đứa cháu đầu tiên kêu ba bằng ông cố, khoe với má nụ cười móm mém thương yêu.
Mười năm trước, ba đi xa, bỏ má một mình với các con cháu. Tôi chắc rằng ba hẹn má để ba về Cai Lậy trước, dọn lại vườn hồng còn đón má cho má vui. Rồi má cũng về theo ba trong mùa trăng tháng Tám, trút hơi thở cuối cùng trong nhà đứa cháu ngoại mà má cưng yêu nhất, nhẹ nhàng như chiếc lá vàng về cội, về bên ba.
Kỳ Nam