Hồi đó, họ yêu nhau thế nào?: Chưa cầm tay đã xem là “của nhau” rồi

13/11/2021 - 05:50

PNO - “Nếu chúng nó ưng nhau thì tôi đồng ý gả cho thôi", nghe bà mẹ nói, anh Nhân nghĩ “thế là mình đã có người yêu”, dẫu chưa từng cầm tay hay nói chuyện.

Năm 1950, cô Nguyễn Thị Cảnh, tròn 18 tuổi. Ở xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, ai cũng quý cô gái chăm chỉ gặt hái, mò cua bắt ốc, nắng mưa chẳng nề hà. 

Chị Nguyễn Thị Oanh “chấm” cô Cảnh cho em trai mình là anh Nguyễn Văn Nhân. Khi ấy, anh Nhân đang tham gia chống Pháp, đi về bí mật. Nhà anh nghèo lắm, mẹ mất sớm, hồi nhỏ anh phải đi ở cho người trong làng.

Mẹ của Cảnh biết gia cảnh nhà Nhân nên rất thương, bà nói với chị Oanh: “Nếu chúng nó ưng nhau thì tôi đồng ý gả cho thôi. Khi nào Nhân về, cứ bảo nó sang nhà”. 

Biết chuyện, anh Nhân (lúc ấy đang tuổi 19) vui lắm, nghĩ “thế là mình đã có người yêu”, dẫu chưa từng nói chuyện, chưa từng cầm tay nhau. 

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhân và bà Nguyễn Thị Cảnh
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhân và bà Nguyễn Thị Cảnh

 

Một hôm, sáng sớm tinh mơ, cô Cảnh đang giã gạo để lát nữa còn đi kiếm con cá, con tôm. Bỗng dưng, nhịp chầy đưa lên nhẹ bẫng, cô giật mình quay lại, bắt gặp ánh mắt và nụ cười của anh chàng mà cô gặp ở làng đôi lần. Nụ cười của anh thân thiện quá, cô còn đang ngượng nghịu trong e ấp thì anh cất tiếng: “Cảnh để tôi giã đỡ cho một tay nhé”. 

Từ đó, nhớ thương chính thức bắt đầu. Mỗi khi ra đồng làm ruộng, cô không còn cảm giác đơn độc nữa. Nhân đi xa, hậu phương và chiến trường gửi nhớ thương vào gió, gửi nồng nàn vào mây, gửi sắc son vào hạ. 

Năm tháng chiến tranh, sống chết mong manh, tình yêu càng mãnh liệt. Anh ở nơi xa về, quà cho chị là cành cỏ dại khô. Chị ở nhà ngóng trông, nguyện cầu mong sớm được nhìn thấy nhau. 

Chị gái anh thay mẹ sang nhà, xin phép ba mẹ Cảnh “lần sau Nhân về, xin ông bà tổ tiên cho nhà cháu được rước cô Cảnh về”. 

Thời đó, như vậy là thông gia xem nhau như người thân, người nhà của nhau. Và trong một lần Nhân về nhà một ngày, đám cưới đã được tổ chức. Cô dâu mượn cái quần của người họ hàng, cái áo mẹ may cho.

Bên nhà trai nuôi được con lợn, đem ra mời cả xóm. Hoa thì hái bên vệ đường. Giường cưới là đồ cũ kê lại, ghép với nhau, căn phòng rộng nhưng không có đồ đạc gì, ngoài mấy chiếc chổi nan, quạt nan… 

Tình đang tha thiết, nồng nàn với người vợ mới cưới, nhưng ngay hôm sau anh Nhân tạm biệt người vợ non trẻ, để tiếp tục công việc. Hơi ấm của nhau vẫn còn đó, chị da diết nhớ chồng, anh đắm đuối nhớ vợ.

Đến một ngày, cách mạng thành công, hai người mới chính thức đoàn tụ, thỏa lòng nhớ mong. Những chuỗi ngày tiếp theo, vợ chồng cùng chung sức gầy dựng gia đình. Dù rất khó khăn, nhưng họ rất hạnh phúc. 

Khánh Phương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI