Hỏi đáp về cơn chóng mặt ở tuổi 40

13/07/2017 - 11:49

PNO - Bước vào tuổi 40, sức khỏe phụ nữ giảm sút, không còn như thuở thanh xuân.

Chị em có thể bất ngờ chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống, nhịn ăn, mất ngủ, say tàu xe, tâm lý căng thẳng hoặc tiền mãn kinh… kèm theo triệu chứng tim đập nhanh, mất thăng bằng, nhìn mờ, ù tai, đau đầu, buồn nôn…

Hoi dap ve con chong mat o tuoi 40
Chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh kết hợp bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng và thuốc hổ trợ ,có thể giúp đẩy lùi cơn chóng mặt


TS-BS Nguyễn Bá Thắng - Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM giải đáp những thắc mắc về triệu chứng và cách xử trí khi cơn chóng mặt bất ngờ ập đến. 

* Chóng mặt, nhức đầu có phải là triệu chứng của rối loạn tiền đình?

TS-BS Nguyễn Bá Thắng: Rối loạn tiền đình là tên thường gọi cho các bệnh lý gây chóng mặt, choáng váng, xây xẩm, mất thăng bằng, đôi khi kèm theo buồn nôn, nôn ói.

Riêng nhức đầu không phải là triệu chứng của tiền đình, chỉ khi người bệnh chóng mặt kéo dài, quá mệt mỏi mới có thể kèm theo nhức đầu nhẹ. Do đó nếu triệu chứng của bạn là những đợt nhức đầu thì không phải là rối loạn tiền đình.

* Chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột có phải là chóng mặt tư thế lành tính kịch phát? Căn bệnh này là gì và cách điều trị như thế nào? 

BS: Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là một bệnh thường gặp với triệu chứng chóng mặt dữ dội từng cơn, xảy ra khi thay đổi tư thế. Đây là bệnh do rối loạn hệ thống tiền đình, triệu chứng rất khó chịu nhưng thường lành tính.

Để điều trị, bác sĩ sẽ dùng thuốc và các bài tập. Nếu chóng mặt nhiều, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc chống chóng mặt đặc hiệu, các thuốc này giảm chóng mặt nhanh nhưng không được dùng kéo dài do thuốc gây buồn ngủ, bần thần.

Các trường hợp thông thường khác có thể dùng các thuốc hỗ trợ tiền đình để giảm triệu chứng chóng mặt mà ít gây buồn ngủ, một trong những thuốc như vậy là thuốc chứa hoạt chất Acetyl-DL-leucine. Ngoài dùng thuốc, bác sĩ sẽ làm các thủ thuật để giảm chóng mặt nhanh hơn.

* Chóng mặt thường xuyên có nguy hiểm không? Có thể điều trị triệu chứng chóng mặt tại nhà được không? 

BS: Hầu hết chóng mặt không phải bệnh nguy hiểm. Nhưng có một số trường hợp phải lưu ý. Nếu chóng mặt quá thường xuyên thì quan trọng nhất là phải tìm ra nguyên nhân, đôi khi có thể do bệnh của não hoặc một số rối loạn khác.

Nếu chỉ chóng mặt ngắn, nhẹ, có thể nghỉ ngơi hoặc uống một số thuốc đơn giản không cần toa. Tuy nhiên, nếu bị thường xuyên thì không thể tự chữa mà phải đến khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.

* Những việc không nên làm hoặc hạn chế làm khi thường xuyên bị chóng mặt? Những thực phẩm nào nên ăn nhiều để giảm thiểu việc chóng mặt choáng váng?

BS: Khi thường xuyên bị chóng mặt, bạn nên tránh các hoạt động phải thay đổi tư thế đầu đột ngột, những động tác cúi ngửa đầu quá mức. Do đó, các bài tập thể dục nhẹ nhàng, kiểu dưỡng sinh sẽ phù hợp giữ sức khỏe và giảm chóng mặt.

Việc ăn uống chủ yếu giữ cơ thể khỏe khoắn sẽ giúp giảm chóng mặt. Do đó, bạn nên chọn ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm bổ dưỡng, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê để có sức khỏe tốt và ít bị chóng mặt.

Minh Tú

Hoi dap ve con chong mat o tuoi 40
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI