Cơn mưa rả rích từ chiều khiến tôi lần lữa mãi về cuộc hẹn với Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM. Cuối cùng, 19g, tôi quyết định đến trụ sở Ban điều hành khu phố. Phòng họp sáng đèn. Hơn 10 chị đang mải mê với voan, vải, dây kẽm, chỉ màu... Hôm nay, nghệ nhân Trần Thị Bảy - giáo viên Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM - hướng dẫn thực hành làm hoa cúc.
Nghệ nhân Trần Thị Bảy hướng dẫn các hội viên phụ nữ khu phố 3, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 làm hoa vải.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhàn - Chi hội trưởng phụ nữ khu phố khoe: “Sau gần một tháng miệt mài, có chị đã làm được gần chục loại hoa, từ lan dendro, hồ điệp, hoa ly cho đến hoa sen, cúc, hồng… Mấy hôm trước, thông qua cô Bảy, chi hội tổ chức đoàn đến thăm Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, tìm hiểu và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của các học viên nơi đây. Nhờ thế chi hội lại có thêm một buổi sinh hoạt ý nghĩa”.
Hỏi: “Vì sao là nghệ nhân - giáo viên có tiếng dạy nghề hoa vải, hoa giấy và hoa đất sét gần 20 năm qua, “bỗng nhiên” cô lại làm tình nguyện viên dạy nghề cho hội viên phụ nữ nghèo ở một khu phố?”, cô Bảy cười hiền: “Có gì đâu, chị Nhàn gõ cửa nhà tôi làm quen, mời ra khu phố chia sẻ về nghề. Tôi rành cái này, lại giúp cho chị em, hội viên ở khu phố nơi mình sống, vui không hết, sao không nhận lời? Tôi nghĩ, khi được Hội gõ cửa như vậy, ai cũng sẽ tự nguyện vui vẻ tham gia”.
Chuyện của cô Bảy làm tôi nhớ lời bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - từng chia sẻ ngoài lề khi chúng tôi phỏng vấn bà trước thềm Đại hội Đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ X: “Hội đã chăm lo tốt cho phụ nữ nghèo, cũng vươn tay tới nữ công nhân, người lao động nghèo. Nhưng Hội đừng nên gói gọn đối tượng của mình như vậy. Tôi sống ở Phú Nhuận lâu như vậy, từng có thâm niên gắn bó và trưởng thành cùng Hội, nhưng không thấy phụ nữ khu phố mời tôi sinh hoạt, dù chỉ là tham gia ý kiến cùng Hội? Phải chăng các chị nghĩ tôi không đến, nên ngại?”.
Có lẽ trăn trở này không chỉ của riêng vị Phó bí thư Thành ủy mà còn là câu hỏi của bất kỳ cán bộ, đảng viên, nữ trí thức, doanh nhân… nào quan tâm đến Hội. Có thể vướng bận cuộc sống riêng nhưng hẳn mỗi người đều mong mỏi chung tay góp sức với cộng đồng nơi họ sinh sống.
Tôi nhớ có lần gọi điện xin phỏng vấn thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó phòng Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - về chuyện bạo lực gia đình, chị hẹn hôm sau vì đang chuẩn bị đi báo cáo cho khu phố nơi chị sống tại Q.6. Chị hồ hởi: “Nay Hội “biết” chị rồi, hết phường tới khu phố mời, toàn đi báo cáo “chùa” mà vui lắm vì được chia sẻ với chị em”.
Hơn hai năm trước, sau hơn 40 năm sinh ra và trưởng thành tại khu phố 3 này, lần đầu tiên Hội gõ cửa nhà tôi. Các chị nói: “Biết em công tác bận bịu, nhưng em vẫn là hội viên của khu phố. Nếu thu xếp được, em tham gia cùng tụi chị nha. Những kiến thức, kỹ năng mà em có, chị em hội viên, cả tụi chị nữa, còn thiếu nhiều, chỉ mong được em chia sẻ” - câu nói chân thành, không chút tâng bốc, nghe thiệt bùi tai!
Các chị kết nối với tôi qua Facebook, Zalo, điện thoại. Từ đó, mối liên lạc giữa chi hội với tôi liền mạch, không chỉ là chuyện hội phí, chuyện xin tiền từ thiện, mà mối quan tâm còn là tình hình an ninh trật tự, vệ sinh chung của địa bàn, là việc xây dựng, bảo vệ mái ấm gia đình, là chung tay vì phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương; đôi khi chỉ là việc tư vấn học nghề cho một phụ nữ hay một đứa trẻ nghèo nào đó…
Vào Hội, tôi gặp nhiều bạn học, bạn hàng xóm cũ, mỗi người một công việc, vị trí trong xã hội, các chị không có nhiều thời gian để hội họp, chỉ có thể góp chút gì đó cho chi hội bằng tâm sức, trí tuệ và tình cảm của mình. Trong hai năm qua, chi hội khu phố 3 mở được hai lớp dạy nghề, tổ chức nhiều chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc, chống bạo lực, nói chuyện về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tác hại của túi ni-lông và môi trường, xây dựng quỹ tương trợ, tiết kiệm giúp hội viên, nữ công nhân nhà trọ. Mỗi chuyên đề, lớp nghề đều có doanh nghiệp, nữ doanh nhân, nữ trí thức… là người của khu phố hỗ trợ.
Có thể chi hội khu phố 3 chưa là chi hội mạnh nhất của phường, tỷ lệ tập hợp hội viên trên tổng phụ nữ sinh sống ở địa bàn chưa cao. Có thể địa bàn khu phố vẫn còn nhiều cảnh đời khó khăn, còn tiềm ẩn những chuyện bạo lực, tình trạng vệ sinh môi trường chưa hoàn toàn sạch đẹp, mỹ quan. Cũng có thể ban chấp hành chi hội chưa “được lòng” tất cả hội viên, phụ nữ vì lý do nào đó. Nhưng tôi tin đây là chi hội có sức sống dẻo dai với khả năng tập hợp đa dạng lực lượng phụ nữ. Điều đó có được là nhờ Ban chấp hành chi hội đã dám gõ cửa từng nhà, tìm từng người bạn đồng hành, sẻ chia với Hội.
Bà Võ Thị Dung từng chỉ đạo rằng, Hội phải kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động gắn với đa dạng hóa các hình thức tập hợp, sinh hoạt của từng loại hình, phù hợp với từng đối tượng phụ nữ. Dù không nhất thiết mọi phụ nữ đều phải sinh hoạt ở địa bàn khu phố, ấp, nhưng khi cần thiết, họ tự nguyện đóng góp công sức cho Hội. Bà nói: “Hội chỉ thành công khi một đối tượng phụ nữ nào đó tự nguyện tham gia, tự có nhu cầu đứng vào tổ chức Hội”.
Quả thật tìm người tài giỏi, người có vật lực, tiềm năng, trình độ chuyên môn nào đó… giúp cho Hội, tham gia sinh hoạt Hội là việc không đơn giản. Nhưng ở nhiều khu phố, ấp mà chúng tôi được biết, đó không phải là việc quá khó khăn.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.