Hội chứng tự hành xác

03/03/2013 - 00:37

PNO - PNCN - Con trai tôi kết giao với nhóm bạn xã hội. Có một cậu rất thương cháu, lúc thấy cháu đau khổ không biết phải làm gì đã lấy dao lam rạch vào tay nhiều nhát chảy máu ròng ròng để cùng “chia sẻ nỗi đau” với cháu.

Cháu ôm lấy bạn khóc, bớt cô đơn đi nhiều. Từ lúc ấy trở đi, đó cũng là cách giải quyết của cháu mỗi khi bế tắc. Người cháu giờ đầy sẹo vì những lần đấm tay vào tấm kính, gí điếu thuốc đang cháy vào da thịt, đập đầu vào tường...

Thưa bác sĩ, thần kinh cháu có vấn đề gì không? Chuyện này có “lây lan” không?

Nguyễn Minh Ch. (Bình Triệu)

Hoi chung tu hanh xac

Bạn Nguyễn Minh Ch. mến,

Đây là hội chứng tự hành xác, hay còn gọi là tự gây thương tích cho mình (self-cut). Self-cut là những hành vi tự hủy hoại bản thân, nhằm chứng minh sự dũng cảm, phi thường hoặc để tự khẳng định mình của ai đó với mọi người, nhất là khi đang bị tác động của chất kích thích. Tình trạng trẻ mới lớn thích tự gây thương tích không hẳn là biểu hiện của cảm xúc dại dột nhất thời. Nhiều em còn cho đây là “mốt mới” thể hiện khí phách của mình và không ngần ngại thử làm người hùng một lần hoặc nhiều lần “cho cả thế giới biết ta là ai”. Vì vậy, hội chứng tự hành xác cứ âm thầm loang như vết dầu trong một bộ phận giới trẻ.

Ngoài những bệnh nhân tự hành xác bằng vật sắc nhọn vì những yếu tố bệnh lý như: chậm phát triển trí tuệ, hội chứng tự kỷ (autism), tâm thần phân liệt thể hoang tưởng... số còn lại là những bạn trẻ gặp rắc rối về tâm lý (những thanh thiếu niên từng sống trong môi trường thiếu thốn tình cảm gia đình hoặc có lệch lạc về nhận thức). Có nhiều lý do khiến các em chọn cách hành xử lạ lùng như vậy:

Thiếu cơ hội bày tỏ mình:

Trong một bầu không khí “ngột ngạt”, hay nói cách khác là thiếu những không gian và cơ hội lành mạnh cho thanh thiếu niên thể hiện bản thân, hiện tượng này sẽ tăng cao.

Đánh mất lý tưởng sống:

Hành vi này cũng xuất hiện ở những bạn trẻ sống không có hoài bão, ước mơ. Chúng luôn cảm thấy trống rỗng, chán chường, tức giận, bất mãn hay chán ghét xã hội và những mối quan hệ xung quanh. Chúng chỉ có thể giải quyết vấn đề của mình bằng cách cứa chân, cứa tay. Tiếc thay, các em ấy cũng là nạn nhân của chính mình.

Tác động của môi trường:

Môi trường cũng đưa đến những tác nhân góp phần thúc đẩy hành vi tự hủy hoại thân thể: có những đối tượng hình thành và củng cố quan niệm sống không lành mạnh vì đã trực tiếp chứng kiến những hình ảnh bạo lực, tước đoạt mạng sống của người xung quanh. Hoặc gián tiếp bằng cách qua phim ảnh xem hàng ngày, truy cập trên mạng và nghiện chơi game online.

Gây chú ý:

Có em cố tình hành động khác người cốt để thu hút sự chú ý của người thân, để được mọi người quan tâm hơn.

Hội chứng tự hành xác tiềm ẩn nguy cơ khó lường nếu không được quan tâm đúng mức. Trong nhiều nghiên cứu tâm lý, người ta thấy hành vi tự hoại có liên hệ rất gần đến việc bỏ học, đi hoang, nghiện ngập, gây án, tự tử của thanh thiếu niên.

Ở trường hợp con bạn, hậu quả của việc tự hành xác không chỉ là những vết sẹo đáng ngờ trên cơ thể mà còn là những rắc rối trong cuộc sống của cháu về lâu về dài. Hành vi này có thể vẫn tiếp tục tái diễn ngay cả khi con bạn đã trưởng thành, có gia đình. Ngoài việc ảnh hưởng đến bầu không khí gia đình, nơi làm việc và sinh sống, những hành vi tự hoại cũng tạo ra tác động tiêu cực với khả năng lây nhiễm xã hội rất lớn. Nguy hiểm hơn, khi đã xem thường mạng sống của chính mình, người ta có thể xem thường mạng sống người khác.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI