Tưởng chừng không thể làm mẹ
Lập gia đình trễ, chị N.T.T.L. (TP.HCM) đã có kế hoạch sinh con ngay sau khi cưới. Lần đầu có em bé, chị L. không may bị sẩy thai, phải phẫu thuật xử lý. Trông đợi mãi, chị cũng có tin vui. Tuy nhiên, một lần nữa chị đành gạt nước mắt chấm dứt thai kỳ bởi thai nhi mắc hội chứng chậm phát tiển trí tuệ (Down).
Một thời gian sau, chị L. quyết định đi tầm soát sức khỏe, chuẩn bị kỹ, quyết tâm không để mất con trong lần mang thai thứ ba. Những tưởng chị may mắn khi mang song thai, lần khám thai định kỳ nào chị cũng được bác sĩ (BS) cho hay, hai thai nhi đều khỏe. Cho đến khi thai được 20 tuần, BS nói thai có vấn đề.
|
Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ mổ bắt con cho sản phụ - ảnh: bệnh viện cung cấp |
Chị L. liền đến Bệnh viện (BV) Từ Dũ khám lại, BS chẩn đoán song thai chị đang mang là một nhau hai ối, có hội chứng truyền máu song thai và chậm tăng trưởng chọn lọc. Đây là biến chứng thường gặp ở song thai có chung một nhau. Nguyên nhân do bánh nhau xuất hiện những bất thường trong các mạch máu làm cho một thai nhi nhận được rất ít máu nuôi, thai còn lại thì máu chuyển về quá nhiều khiến cả hai thai nhi đều có nguy cơ tử vong cao.
Nghe xong, chị L. như thấy đất dưới chân sụp đổ. Mặc dù các BS nói phải can thiệp sớm, nhưng chị từng nghe thai phụ mắc hội chứng này phải đi nước ngoài điều trị mới có hy vọng giữ được con. Chị xin về nhà, lên kế hoạch ra nước ngoài. Tuy nhiên, tính riêng chi phí đi lại cho chị và một người thân theo chăm sóc, chưa kể những ngày nhập viện điều trị, đã khá cao. Chị L. quyết định quay lại BV Từ Dũ, lúc này thai đã 21 tuần tuổi.
Nhận thấy không thể chậm trễ, ê-kíp BS đã hội chẩn, quyết định thực hiện kỹ thuật nội soi can thiệp ngay trong bào thai. Cụ thể, các BS đưa dụng cụ y khoa trực tiếp qua tử cung của thai phụ vào trong buồng ối, sau đó dùng laser đốt, làm tắc nhánh thông nối mạch máu trong bánh nhau, đảm bảo thai nhi không thể truyền máu qua lại. Ca phẫu thuật thành công, thai nhi ổn định và tiếp tục phát triển. Chị L. được theo dõi nghiêm ngặt, đến 35-36 tuần chị chuyển dạ, sinh mổ thành công. Hai bé gái chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của gia đình.
Không may mắn như chị L., khi chị T.T.H.P. (tỉnh Bình Dương) được các BS theo dõi thai kỳ phát hiện bị hội chứng truyền máu song thai, chị lập tức ra nước ngoài điều trị với hy vọng cứu được thai nhi. Mặc dù đã tìm hiểu rất kỹ về các phương pháp, BV mà mình chọn lựa, chị P. vẫn không thể giữ được con bởi thời gian làm thủ tục, chờ đợi quá sức chịu đựng của thai. Một thai được truyền máu quá nhiều khiến thai to hơn dự kiến, trong khi thai còn lại bị thiếu máu, mất nước và mất tim thai. Chưa hết, bào thai còn sống lại “bơm” máu ngược về thai tử vong, rồi cũng còi cọc, suy yếu không thể cứu. Khi chị P. tìm đến BV thì đã quá trễ, buộc phải mổ lấy thai.
Ra nước ngoài tốn kém, nguy cơ bỏ thai càng cao
BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, cho biết: “BV từng chứng kiến các trường hợp thai phụ bị hội chứng truyền máu song thai đi nước ngoài tìm cơ hội sống cho hai con. Khi BV nước ngoài không thể điều trị, thai phụ buộc phải quay về Việt Nam chỉ để vào BV, chờ sinh những đứa con đã chết trong bụng, rất đáng thương”. BS Nhi cho hay, song thai chiếm khoảng 1-2%. Trong đó, song thai hai nhau hai ối, hai trứng thụ tinh khác nhau hầu hết sẽ phát triển bình thường. Tuy nhiên, song thai cùng trứng, có chung bánh nhau nguy cơ gặp biến chứng khoảng 30%. Trong đó, song thai một nhau một ối, không có màng ngăn ở giữa làm cho hai bào thai tự do di chuyển, vô tình các dây rốn quấn quanh thai nhi thắt nút gây tử vong.
“Trước đây, việc điều trị hội chứng truyền máu song thai rất khó khăn và không đủ dụng cụ. Nhưng hiện tại, BV Từ Dũ đã có thể can thiệp. Tuy nhiên, thai phụ phải khám thai định kỳ nghiêm ngặt, bởi hội chứng này phải phát hiện sớm mới có thể cứu kịp”, BS Nhi cho biết, ở tuổi thai thứ 14-16 tuần, BS sẽ phát hiện được thai phụ có mắc hội chứng truyền máu song thai hay không qua siêu âm thai kỳ, chẩn đoán hình ảnh cho thấy một thai to bất thường so với thai còn lại; để qua 18-20 tuần tuổi sẽ rất khó để phân biệt. Và không còn cơ hội can thiệp nếu thai qua 26 tuần tuổi.
Theo BS Nhi, đây là kỹ thuật khó vì phải can thiệp trên bào thai thông qua ổ bụng người mẹ. Do phải đưa dụng cụ sắc bén xuyên qua lòng tử cung vào buồng ối nên có thể gây biến chứng viêm màng ối do rò nước ối hoặc xuất huyết tử cung sau khi can thiệp. Vì vậy, ở Việt Nam rất ít BV có thể thực hiện. Tại BV Từ Dũ, kỹ thuật này cũng chỉ mới triển khai hơn một năm.
Một ca đốt laser thông nối mạch máu mất khoảng 30 triệu đồng. Mặc dù chưa được bảo hiểm y tế chi trả nhưng so với chi phí thai phụ ra nước ngoài điều trị thì vẫn không quá cao. Chưa kể nguy cơ thai nhi tử vong cao do thời gian đi lại và thủ tục hành chính ở nước ngoài.
Thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai có thể có các triệu chứng sau: cảm giác tăng trưởng nhanh chóng của tử cung; tử cung lớn hơn so với kỳ hạn; bị đau bụng, co thắt hoặc đau thắt; trọng lượng cơ thể tăng đột ngột; bàn tay và bàn chân bị sưng ở ngay thời kỳ đầu thai kỳ; nôn mửa, phù nặng, tăng huyết áp… Đây là biến chứng nguy hiểm và cần được chẩn đoán sớm, theo dõi chặt chẽ. Nếu không được điều trị, 90-100% song thai sẽ chết.
Phạm An