Hội chứng “trầm cảm vì biến đổi khí hậu” gia tăng

25/08/2023 - 08:38

PNO - Hàn Quốc đang ghi nhận sự xuất hiện của làn sóng “trầm cảm vì biến đổi khí hậu”, sau hàng loạt cơn mưa bão, sóng nhiệt bất thường vào mùa hè năm nay.

Dù vẫn cần thêm dữ liệu tổng quan nhưng các chuyên gia cho rằng số người chịu đựng hội chứng này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. 

Tháng 6/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị các quốc gia chú tâm hỗ trợ sức khỏe tinh thần của người dân trong “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu. “Chứng kiến những biến cố môi trường diễn ra thường xuyên có thể khiến chúng ta thấy u buồn, thiếu lạc quan về viễn cảnh tương lai” - giáo sư tâm lý Suh Kyung-hyun, Đại học Sahmyook (Seoul, Hàn Quốc) - phân tích. Ông nói thêm: “Trong nhiều trường hợp, mọi người dễ cảm thấy áp lực khi trải qua thời tiết thất thường, khắc nghiệt. Nguyên nhân là vì chúng ta nghĩ mình không thể kiểm soát vấn đề biến đổi khí hậu”.

Phụ nữ, thanh thiếu niên và người cao tuổi đặc biệt nhạy cảm  với những biến cố môi trường - Nguồn ảnh: UN Women
Phụ nữ, thanh thiếu niên và người cao tuổi đặc biệt nhạy cảm với những biến cố môi trường - Ảnh: UN Women

Biểu hiện của hội chứng trầm cảm đặc biệt này là thói quen suy nghĩ, lo lắng kéo dài về các thảm họa môi trường hoặc thế giới xung quanh. Các chuyên gia sức khỏe còn lưu ý đến một số phản ứng cơ thể như nhịp tim tăng cao và hụt hơi. Tư duy, lối sống lẫn quan hệ xã hội của một người cũng có thể bị tác động ít nhiều. 

Kim - một nữ nhân viên văn phòng 30 tuổi người Hàn Quốc - vừa từ bỏ ý định sinh con sau khi chứng kiến số người thiệt mạng tăng kỷ lục do đợt mưa bão nghiêm trọng mới đây ở quê nhà. Cô bày tỏ: “Tôi nghĩ sinh một đứa trẻ lúc này, giữa thời điểm khí hậu toàn cầu đang biến đổi phức tạp, là điều không nên”. 

Đến nay, thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bị trầm cảm vì biến đổi khí hậu. Theo một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ thực hiện năm 2019, 2/3 trong tổng số 2017 người Mỹ tuổi từ 18 trở lên thừa nhận họ từng có trải nghiệm lo âu về khủng hoảng khí hậu ở mức độ nhất định.

Trong một chiến dịch khảo sát trên 500 tình nguyện viên vào năm 2021, tổ chức phúc lợi trẻ em ChildFund Korea đưa ra số liệu: 63% thanh thiếu niên Hàn Quốc độ tuổi 14-18 cho biết cuộc sống của họ đang phần nào bị ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu.

Một dự án nghiên cứu của Đại học Điều dưỡng và Nghiên cứu sức khỏe Georgetown (Washington DC, Mỹ) cho biết: khu vực Nam Á, tiêu biểu như Bangladesh, ám ảnh xoay quanh khủng hoảng môi trường tác động mạnh đến nhóm tuổi từ trưởng thành đến cao tuổi. Phó giáo sư Syed Shabab Wahid - làm việc tại Khoa Y tế toàn cầu, người dẫn đầu dự án - nhận định: “Tuổi càng cao, triệu chứng trầm cảm, lo âu càng dễ xuất hiện. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận được tỉ lệ mắc trầm cảm cao ở phụ nữ do lo sợ về biến đổi khí hậu”.

Bác sĩ tâm lý Lise Van Susteren - nhà đồng sáng lập Hiệp hội Sức khỏe tâm lý và Khí hậu, công tác tại Washington DC, Mỹ - chia sẻ: “Trải nghiệm thời tiết khắc nghiệt, với hậu quả bi quan cho đời sống rất dễ khiến chúng ta cảm thấy mất mát. Cảm xúc mất mát, sợ hãi, nếu không được nhận diện kịp thời và đúng cách, có thể âm ỉ tiếp diễn và về sau càng khó chữa lành”. “Bão tố ngoài kia dù tệ hại, sẽ có lúc qua đi. Nhưng cơn bão trong lòng bạn là thứ đôi khi rất khó kiểm soát” - bà nói. 

Như Ý (theo Korea Times, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI