Hội chứng ruột ngắn sau phẫu thuật: Hiếm gặp nhưng nguy hiểm

26/05/2023 - 06:40

PNO - Hội chứng ruột ngắn tuy hiếm gặp nhưng nếu không phát hiện sớm, người bệnh có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải dẫn đến tử vong.

 

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Tuy thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Tuy thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Đột nhiên suy dinh dưỡng

Do bị hoại tử ruột, anh T.V.K. (38 tuổi, ở TP Thủ Đức) đã từng được phẫu thuật cắt bỏ gần như toàn bộ ruột non, đại tràng. Bác sĩ đã mở ruột non, đại tràng ngang ra da cho bệnh nhân. Gần đây, anh K. thấy đuối sức nên đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có huyết khối động mạch treo tràng trên, suy dinh dưỡng…

Các bác sĩ điều trị bằng phương pháp bù dịch, điện giải, dinh dưỡng đường tĩnh mạch, truyền dịch, thuốc kháng đông, kháng tiết kèm hỗ trợ dinh dưỡng tích cực cho anh. Sau 9 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của anh K. được cải thiện, chức năng thận, điện giải trở về giới hạn bình thường. 

Anh được xuất viện về nhà nhưng ăn phải chia nhiều cữ, đồ ăn đặc, không uống nước trước và sau ăn 1 giờ. Do đoạn ruột non còn lại của anh K. quá ngắn chỉ còn 60cm, mỗi lần ăn uống, dịch rỉ ra ở vị trí mở ruột (hội chứng ruột ngắn). Sau 5 ngày xuất viện, anh phải tái nhập viện với tình trạng suy thận cấp, rối loạn điện giải nặng vì kém hấp thu.

Với hội chứng ruột ngắn, anh K. không thể duy trì sự sống chỉ bằng cách ăn uống thông thường, mà cần nuôi dinh dưỡng đường tĩnh mạch, bù dịch, điện giải… Sau 2 tuần chăm sóc tích cực, anh K. dần hồi phục. Trải qua 3 lần phẫu thuật để phục hồi lưu thông ruột kết hợp chế độ dinh dưỡng tĩnh mạch, sức khỏe của anh đã tiến triển tốt.

Hiện tại, anh K. đã được chuyển qua ăn uống đường miệng bình thường, cân nặng hơn 50kg, có thể đi làm, sinh hoạt bình thường. Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Tuy - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, hội chứng ruột ngắn thường xảy ra ở những người bị phẫu thuật cắt bỏ quá nhiều ruột non, chiều dài đoạn ruột còn lại dưới 120cm thay vì 600cm ở người trưởng thành.

Nguyên nhân bị cắt bỏ ruột non do thiếu máu cục bộ, chấn thương, bệnh Crohn, tắc ruột, viêm ruột do phóng xạ, lồng ruột, ung thư… Với trẻ sơ sinh, hội chứng ruột ngắn có thể xuất hiện nếu bị viêm hoại tử ở trẻ sinh non, khuyết tật ruột ngắn bẩm sinh, thoát vị rốn, xoắn đoạn ruột giữa phôi. Trẻ bị tắc ruột phân su… phải phẫu thuật điều trị.

Phụ thuộc vào dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch 

Bác sĩ Hoàng Đình Tuy cho biết: “Hội chứng ruột ngắn tương đối hiếm gặp, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị thoát dịch, kém hấp thu, suy dinh dưỡng… hay các biến chứng làm bệnh diễn tiến nặng nề, thậm chí tử vong”.

Ruột non bao gồm tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Phần chính hấp thu carbohydrat và protein là ở tá tràng và hỗng tràng. Nhiều loại mỡ và các vitamin tan trong mỡ được hấp thu ở hồi tràng… Khi tá tràng hoặc hỗng tràng bị cắt bỏ, hồi tràng có thể thay đổi để thay chức năng hấp thu của ruột.

Tuy nhiên, tá tràng và hỗng tràng không thể thay đổi chức năng của hồi tràng. Do vậy, cắt bỏ tá tràng và hỗng tràng thường sự dung nạp tốt hơn trường hợp cắt bỏ hồi tràng. Hầu hết nước và điện giải được hấp thu ở hồi tràng và đại tràng. Bình thường, hệ thống tiêu hóa hấp thu từ thức ăn và đồ uống và sau đó tiết ra tổng cộng từ 7-9 lít.

Triệu chứng chính của hội chứng ruột ngắn là tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng nhiều nước. Điều này dẫn đến mất nước, kém dinh dưỡng và sụt cân. Cơ thể không có đủ chất lưu và chất điện giải để hoạt động bình thường. Không hấp thu đủ lượng vitamin, khoáng chất, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể duy trì sức khỏe, cũng như đảm bảo chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Người bệnh cũng dễ bị dị ứng, mẫn cảm với thực phẩm, gây chướng bụng, tiêu chảy… sau khi ăn hoặc uống sữa và các sản phẩm từ sữa. Hoặc cũng có thể bị một số triệu chứng như ợ nóng, đầy hơi, đau bụng, ốm yếu, mệt mỏi, thiếu máu, phát ban da, cảm giác da bất thường, khả năng nhiễm trùng, loãng xương cao… Trẻ em thiếu chất, ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển.

Theo bác sĩ Hoàng Đình Tuy, đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hội chứng này. Hầu hết bệnh nhân đều phụ thuộc vào dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, chỉ một số ít người có thể chuyển sang dinh dưỡng bằng đường miệng. Tỉ lệ sống còn và phụ thuộc dinh dưỡng tĩnh mạch sau 2 năm khoảng 86%, sau 5 năm khoảng 45 - 75%.

Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có nguy cơ bị tắc, nhiễm trùng catheter, rối loạn chức năng gan, sỏi mật gây tử vong. Do vậy, bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ ruột cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng. Nếu đột ngột bị sụt cân, mệt mỏi… phải đến ngay bệnh viện để được thăm khám kịp thời. 

Bài và ảnh: Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI