Hội chứng hủy diệt

30/03/2015 - 18:09

PNO - PN - Dù kết quả điều tra ban đầu đã được xác nhận nhưng không ai dám tin, cũng không ai tưởng tượng được cơ phó Andreas Lubitz có thể bấm nút hạ độ cao đột ngột chiếc máy bay A320, số hiệu 4U 9525, kết liễu 150 sinh mạng, kể cả...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cháy sạch

Hoi chung huy diet

Andreas Lubitz dùng sinh mạng của 150 người để giải quyết bế tắc của bản thân - Ảnh: Mirror

Khi hay tin về chuyến bay 4U 9525, bạn gái cũ của Lubitz giật mình nhớ lại những gì Lubitz từng nói, trong đó có câu “mọi người sẽ phải biết đến tên tôi”. Có những đêm, Lubitz mang cả “kế hoạch hoàn hảo” vào trong giấc mộng và thường thét lớn “Chúng ta đang lao nhanh xuống đây”.

Theo hồ sơ nội bộ của hãng Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, quá trình đào tạo phi công đối với Lubitz phải tạm hoãn một năm rưỡi vì anh ta mắc hội chứng trên. Sau đó, vượt qua tất cả bài kiểm tra y khoa, Lubitz tiếp tục quay trở lại đường bay. Thế nhưng, gần đến ngày thực hiện chuyến bay định mệnh, Lubitz phải nhận hỗ trợ trị liệu. Anh ta cáo ốm nhưng sau đó lại cố tình dàn xếp, “qua mặt” cơ quan quản lý bay để có mặt trong buồng lái của chiếc 4U 9525.

“Hội chứng cháy sạch” xuất hiện từ năm 1974. Năm 2011, người Đức “nhận diện” đây là hội chứng đang hủy hoại đời sống xã hội khi xác định có đến 500.000 bệnh nhân mắc phải hội chứng này. “Hội chứng cháy sạch” không đơn giản chỉ là trầm cảm. Người bệnh thấy mệt mỏi, chán chường với mọi hoạt động, khó xốc dậy tinh thần để làm điều gì, kể cả vui chơi.

Theo giới chuyên môn, điều bất ngờ lớn nhất ở chỗ, nguyên nhân của hội chứng này không đơn thuần là cảm xúc tiêu cực, trầm cảm, mà nó là sự kết hợp đúng lúc với sự cạn kiệt nguồn năng lượng do không còn sức đề kháng về mọi mặt.

Hoi chung huy diet

Andreas Lubitz được cho là chụp ảnh "tự sướng" trong nhà tắm 

“Hội chứng cháy sạch” như tảng băng chìm, mà phần nổi - số người mắc bệnh - chỉ là thống kê tượng trưng. Thực tế, hàng triệu người cũng có thể đang trải qua hội chứng trên mà không hề hay biết vì những dấu hiệu cảnh báo quá mơ hồ như nhức đầu, chóng mặt, ù tai… Thời điểm bộc phát là lúc nạn nhân thấy trống rỗng, cảm giác mình không còn làm việc hiệu quả như trước, không đủ sức sống, chỉ chực chờ buông bỏ.

Ác nghiệt thay, họ vẫn sống, vẫn âm thầm che giấu tình trạng bệnh vì không muốn hủy hoại hình ảnh (hay vỏ bọc) lý tưởng mà mình cố công gầy dựng. Trường hợp của Lubitz, một lần nữa đối diện với chứng bệnh này đã đẩy anh ta đến bước đường cùng, và giải thoát chính mình bằng hành động khiến cả thế giới kinh hoàng, gọi đó là “điên rồ”, “tội ác”.

Một trường hợp mắc “hội chứng cháy sạch” được nhắc đến nhiều là cảnh sát Pháp Helric Fredou (45 tuổi), người tham gia điều tra vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn tạp chí trào phúng Pháp Charlie Hebdo. Vì trầm cảm và kiệt sức, người đàn ông này đã tự tử bằng súng trong phòng làm việc trước buổi báo cáo công tác. Helric Fredou đam mê nghề cảnh sát, theo nghề từ năm 1997 và năm 2012 nhận nhiệm vụ Phó giám đốc cảnh sát vùng Limousin.

Tương tự, nguyên nhân danh hài Robin Williams tìm đến cái chết cũng liên quan việc cạn kiệt năng lượng khi ông trải qua những ngày đầu tiên đối mặt với chứng bệnh Parkinson, cộng với khó khăn tài chính khiến ông suy sụp. Ông đã treo cổ tự tử tại nhà riêng để chấm dứt chuỗi ngày khốn đốn.

Hoi chung huy diet

Cảnh sát Helric Fredou - Ảnh: Metro

Nói “hội chứng cháy sạch” là căn bệnh thời đại quả không sai, khi nhịp độ sống và làm việc ngày càng áp lực cộng với môi trường độc hại, làm suy kiệt sức đề kháng của con người.

Một chứng bệnh khác nguy hiểm không kém là trầm cảm sau sang chấn (Posttraumatic Stress Disorder - PTSD). Đây là một dạng rối loạn tâm lý, biểu hiện bằng triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài dù sự kiện đã kết thúc từ lâu. Bệnh hay gặp ở những người từng trải qua các biến cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất như thiên tai, chiến tranh, bạo hành, tai nạn…

Đầu năm nay, cựu quân nhân người Mỹ Aaron Alexis xả súng vào tòa nhà hải quân tại thủ đô Washington, làm 13 người thiệt mạng. Trước đó, người này bị bắt nhiều lần vì có hành vi bạo lực ở mức độ thấp hơn. Từ năm 2001 đến 2012, gần 30% trong số 834.463 cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq được chẩn đoán mắc PTSD.

Tổn thương tâm lý đến từ nhiều nguyên nhân. Sự nguy hiểm của PTSD trong thời đại ngày nay ở chỗ, đây là hội chứng “dắt dây” từ quá khứ tới hiện tại và tầm ảnh hưởng của nó rất lớn, nhất là đối với nạn nhân là đối tượng của sự xâm phạm hàng loạt. Theo nghiên cứu do Lancet Global Health đăng tải tháng 2/2015, gần 2/3 số nạn nhân của nạn buôn người được khảo sát ở Đông Nam Á có các triệu chứng trầm cảm, 40% mắc PTSD. Họ luôn bị ám ảnh về những cảnh tượng mình bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành… Sức khỏe tâm thần kém, luôn có ý tự tử là biểu hiện phổ biến ở họ.

Trong những thập kỷ gần đây, không ngớt những trận động đất, sóng thần đổ ập xuống, để lại vết thương, nỗi ám ảnh khó nguôi ngoai. Nhiều người may mắn còn sống sót sau cơn sóng thần hồi tháng 3/2011 ở Nhật Bản đến nay vẫn chưa thoát khỏi cơn ác mộng khi trong lòng họ luôn lởn vởn hình ảnh xác chết, sự hoang tàn, đổ nát.

Yêu mình thái quá

Có một chứng bệnh ngày càng trở nên nguy hiểm do sự phát triển của internet và mạng xã hội. Đó là chứng “yêu mình thái quá” Nissistic personality disorder - NPD). Đây là một trạng thái không bình thường của nhân cách, có biểu hiện ảo tưởng và hành vi tự cao tự đại, khát vọng được người khác ngưỡng mộ, tham vọng thành công trong mọi lĩnh vực và thiếu sự đồng cảm với người khác. Bệnh còn có tên gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ.

Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia trên thế giới, chứng tự yêu bản thân một cách lệch lạc đang là “cơn bão” ảnh hưởng chủ yếu đối với những người chào đời từ thập niên 1980 trở về sau vì đây là thế hệ có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ để “đánh bóng” hình ảnh của mình. Thông qua các trang mạng xã hội, đối tượng bị mắc chứng NPD không ngừng đưa hình ảnh của mình, kèm theo việc cập nhật các hoạt động cá nhân để thu hút sự chú ý, ngưỡng mộ của đám đông, dư luận.

Hoi chung huy diet

Không ai ngờ được Lacey Spears dùng sinh mạng con trai để đánh bóng tên tuổi của mình - Ảnh: ABC News

Hoi chung huy diet

Danny Bowman không bao giờ hài lòng với hình ảnh của mình - Ảnh: Telegraph

Để đạt được mục đích, nhiều bệnh nhân bất chấp sinh mạng người khác cũng như chính mình. Tại phiên tòa diễn ra ở ngoại ô thành phố New York (Mỹ) đầu tháng này, Lacey Spears bị buộc tội giết người vì đã đầu độc con trai năm tuổi Garnett-Paul Spears (chết vào tháng 1/2014) bằng việc tăng dần lượng muối dẫn vào cơ thể của nạn nhân. Trên các trang mạng xã hội như facebook, MySpace, Twitter… Lacey từng viết hàng chục ngàn câu chia sẻ thương tâm, than thở về tình trạng sức khỏe tồi tệ của con mình từ khi bé trai này chào đời.

Cô ta thu hút sự chú ý của mọi người bằng những dòng cập nhật về con, để chứng tỏ mình là người mẹ tội nghiệp, hết mực yêu thương con. Nhiều chuyên gia phân tích tâm lý cho rằng, Lacey bị chứng ái kỷ lệch lạc.

Hay trường hợp khác gây chấn động ở Anh là Danny Bowman (19 tuổi). Danny bỏ học, nhốt mình trong phòng chỉ để… chụp ảnh tự sướng. Mỗi ngày, cậu ta dành hết 10 giờ chụp hàng trăm tấm ảnh của mình rồi ngắm nghía không biết chán. Tuy nhiên, không bao giờ Danny hài lòng với “tác phẩm”, điều đó khiến cậu vô cùng thất vọng, nhất là khi đọc được những lời bình luận chê bai của nhiều người. Trong một phút nông nổi, Danny uống thuốc tự sát, may sao mẹ cậu phát hiện kịp thời. Đây được xem là trường hợp đầu tiên tự tử vì nghiện chụp ảnh tự sướng.

Thế giới ẩn chứa bao rủi ro và cạm bẫy mà chính mỗi người đều cần tự bảo vệ mình bằng lối sống lành mạnh, cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Mặt khác, sau mỗi vụ việc “kinh thiên, động địa” như cơ phó Andreas Lubitz, những người xung quanh anh ta mới giật mình… nhớ lại biểu hiện bất ổn của người bệnh mà rõ ràng là họ từng chứng kiến, thậm chí phải chịu đựng (bạn gái cũ của Andreas chia tay anh ta chính vì sự bất thường ấy). Thế nhưng, dường như hiếm người hành động để ít nhất giúp người bệnh có cảm giác được chia sẻ, không bị kỳ thị và yên tâm điều trị. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần biết giật mình vì đã “vô tình lướt qua nhau”?

THIÊN ANH
(Theo Mirror, wikipedia, Daily Mail, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI