Hội chứng giới tính ảo

15/04/2013 - 16:44

PNO - PN - Tại các bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TP.HCM, trẻ vị thành niên được cha mẹ đưa đến khám vì đang sống trong giới tính ảo ngày một nhiều. Tuy nhiên, hiếm có gia đình nào theo đuổi quy trình chữa bệnh cho trẻ một cách...

Lệch lạc

Nguyễn Trọng Ng. (16 tuổi, Q.10, TP.HCM) được đưa đến Khoa Tâm lý, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM khám bệnh vì có giọng nói ẻo lả. Ng. trò chuyện: “Con không cần ba, con chỉ cần mẹ, con chỉ muốn mẹ thôi…”. Mẹ của Ng. cho biết, do ba của Ng. thường đi công tác vắng nhà nên em luôn được mẹ nâng niu, chiều chuộng. Sau khóa học tại Nhà Văn hóa Phụ Nữ về cách nuôi dạy con, chị quyết định tách con ra khỏi sự bao bọc để con mạnh mẽ bước vào cuộc sống. Sự bao bọc quá cẩn trọng kéo dài suốt 16 năm qua được chấm dứt một cách quá đột ngột khiến Ng. bị sốc, em chán nản bỏ học.

Một trường hợp khác, tại Khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 2, bé Nguyễn Thị Thu L. (13 tuổi) ăn mặc, cắt tóc, nói năng như bé trai, hiện em đang “cặp” với một bạn gái, sống như… vợ chồng. Tâm sự với chúng tôi, L. cho biết: gia đình em không hạnh phúc, cha bị mất việc làm nên suốt ngày say xỉn; đánh đập, chửi mắng vợ con. L. trở nên coi thường ba và nói rằng “ba không xứng đáng làm cha của con”. Việc học tập ngày càng sa sút, gần đây L. ăn mặc, cắt tóc như con trai và cặp với một bạn gái khác làm... chồng.

Bác sĩ (BS) Kiều Thanh Hà, Khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 2 cho biết, những trường hợp như L. và Ng. ngày một nhiều. Nếu như những năm trước đây, mỗi tháng Khoa Tâm lý mới có một, hai ca tuổi vị thành niên bị đồng tính ảo, thì gần đây, mỗi tuần có hai - ba ca đến khám. Riêng BS Hà, chỉ trong hai tháng đầu năm vừa qua, bà đã tư vấn tâm lý cho gần 20 ca giới tính ảo.

Tương tự, tại BV Nhi Đồng 1, BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý, cho biết, số trẻ đồng tính ảo đến khám ngày một nhiều hơn. Nếu như những năm trước, vài tháng các BS mới tư vấn một, hai ca, thì hai năm gần đây, mỗi tháng trung bình BV Nhi Đồng 1 có bốn, năm ca đến khám. Đặc điểm phổ biến của các bệnh nhi là bé trai ăn nói ẻo lả, mặc quần áo như bé gái và ngược lại, bé gái cắt tóc, ăn mặc như bé trai. Hầu hết các em đều từ chối, chống đối lại hình ảnh của bản thân. Con gái chỉ thích chơi với con gái, yêu những bạn gái cùng lớp; còn bé trai lại nghĩ mình là gái nên chỉ yêu thích và chơi với bạn nam.

Theo BS Hà, về phương diện y học, “đồng tính ảo” là do lệch lạc tâm lý, có thể do một hay nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể trẻ bị lạm dụng sex, trẻ cô đơn, trẻ sinh ra ngoài mong muốn của cha mẹ, trẻ có bất ổn từ đời sống gia đình như bạo lực, ly hôn, chịu sự áp đặt hoặc theo “mốt” trên phim ảnh, internet... Trong khi đó, cha mẹ ít thời gian quan tâm giáo dục, chăm sóc con phát triển lành mạnh về giới tính ở lứa tuổi vị thành niên.

Hoi chung gioi tinh ao

Trẻ đồng tính ảo ngày càng tăng

Kéo trẻ về giới tính thực

Bé Nguyễn Hữu T. (chín tuổi) thích búp bê và múa hát, thích chơi với con trai, ghét ai gọi mình là bé trai. Mới đây, T. được các BS Khoa Tâm lý hẹn tái khám nhưng gia đình đã không đưa bé đến BV mà xin được tư vấn qua… điện thoại. Thực tế, có nhiều trường hợp tương tự. Các BS lo lắng: để chữa trị một ca bệnh tâm lý phải mất từ vài tháng đến cả năm, bệnh nhân mới có cơ hội khỏi bệnh, nhưng do mất nhiều thời gian đi lại đến BV, bệnh lâu khỏi, nhiều gia đình không có đủ tiền, đủ kiên trì để chữa bệnh cho con. Hơn nữa, thời gian khám ở BV chỉ giới hạn trong 45 phút, quá ngắn để trẻ bộc lộ hết tâm tư giúp BS chẩn đoán bệnh, nên nhiều trẻ vừa kể xong rồi khóc, BS chưa giúp được gì thì bệnh nhân phải về, dành thời gian cho ca khác.

Từ chuyện đồng tính “giả”, nếu để lâu ngày và không có sự điều chỉnh hành vi thì có thể dễ dàng trở thành “thật” (sự biến dạng về tâm lý). Sự phát triển lệch lạc không lành mạnh về giới tính, nếu không được điều trị đến cùng sẽ ảnh hưởng không tốt đến công việc, sự nghiệp của bản thân và các mối quan hệ xã hội.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu lệch lạc giới tính, gia đình nên đưa trẻ đi khám và gặp chuyên viên tâm lý để được khai thác bệnh sử, tìm hiểu về cuộc đời của trẻ, về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và tình trạng sức khỏe của cha mẹ; để giúp trẻ có khái niệm rõ ràng về giới tính của mình.

Tất cả sự thay đổi cần phải trải qua một tiến trình nên việc điều chỉnh giới tính cho trẻ sẽ rất khó khăn. Theo các BS, để kéo trẻ về giới tính thực, đòi hỏi cha mẹ phải thật kiên nhẫn, lắng nghe tâm tư tình cảm và góp ý sửa đổi hành vi chuẩn xác cho trẻ. Nếu gia đình nóng vội, yêu cầu trẻ phải cắt đứt các mối quan hệ, cách sống hiện tại đột ngột, trẻ sẽ phản ứng theo chiều hướng xấu.

Các chuyên gia tâm lý lưu ý, với những trẻ vị thành niên có biểu hiện của giới tính ảo, nếu không điều trị sớm, điều trị dứt điểm, trẻ sẽ khó có cơ hội quay lại sống với giới tính thật. Nếu đang trong giai đoạn điều trị, vì một lý do nào đó trẻ và gia đình không còn hợp tác chữa trị, về lâu dài trẻ sẽ sống thật với giới tính ảo.

 HOÀNG BÁCH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI