Hội chứng bệnh bận bịu

20/02/2020 - 05:12

PNO - Bệnh bận bịu phát sinh tự nhiên từ thói “tham sân si” của con người, tham tiền, tham danh vọng, tham tình, tham tích lũy mọi thứ từ đồ đạc, bạn tình, đến kiến thức… Nếu không tự điều chỉnh, thì hội chứng này lâu dần dẫn đến mất ngủ, bất an, rối loạn lo âu, tâm thần…

Hôm tết, anh bạn nhà thơ chúc tôi thư thả. Lời chúc ngắn gọn của anh khiến tôi suy nghĩ thật lâu. Quả thực, suốt năm qua, hình như tôi không có lấy một ngày, một buổi, một giờ, thậm chí một phút thư thả.

Lúc nào tôi cũng thấy mình bận bịu làm một việc gì đó. Nếu không viết, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, thì chạy đôn chạy đáo gặp người nọ người kia phỏng vấn, đốc thúc họ thực hiện dự án, công việc. Ngay cả khi ở nhà, tôi cũng không hết bận bịu, vẫn lướt mạng để không bỏ qua tin tức nóng hổi, vẫn soi xét chồng con có ăn, ngủ đúng giờ, hoặc ít ra thì lại tất tả dọn dẹp mọi thứ…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bản thân tôi và đa số mọi người, ít khi cho phép mình thư thả. Thậm chí, khi đã thư thả, thì cũng không thực sự làm được điều đó. Có một thí nghiệm ở Mỹ, người ta gom 100 người ngồi lại với nhau và cho họ lựa chọn hai phương án: một là ngồi tĩnh lặng không làm gì cả trong 15 phút; hai là bị chích điện một cái. Kết quả: 80% chọn bị chích điện hơn là ngồi tĩnh lặng không làm gì cả. Họ không thể chịu đựng nổi hai phút không làm gì, không nghĩ gì.

Tất cả là tại trí năng của chúng ta. Khi tôi hỏi thầy thuốc nhân dân Nguyễn Đình Dũng: “Làm thế nào thoát khỏi hội chứng bệnh bận bịu?”, thì vị bác sĩ này trả lời đơn giản: “Bệnh này tự mình gây ra, tự mình chữa thôi, không thuốc nào, bác sĩ nào chữa nổi”. Bệnh bận bịu phát sinh tự nhiên từ thói “tham sân si” của con người, tham tiền, tham danh vọng, tham tình, tham tích lũy mọi thứ từ đồ đạc, bạn tình, đến kiến thức… Nếu không tự điều chỉnh, thì hội chứng này lâu dần dẫn đến mất ngủ, bất an, rối loạn lo âu, tâm thần…

Để giải phóng mình khỏi bệnh này, đòi hỏi mỗi người phải tự biết răn mình hằng ngày, luyện tập mỗi phút giây, để hưởng an lạc trong hiện tại, không để trí năng hoạt động quá mức, điều khiển và lôi tuột mình vào những ám ảnh trong quá khứ, những lo lắng về tương lai. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền cho chúng ta câu tụng niệm: “Khoảnh khắc hiện tại là khoảnh khắc kỳ diệu. Khi ta hiện hữu hoàn toàn trong hiện tại, ta chính là Phật. Ta không cần khổ sở đau đớn làm những việc ta không muốn trong hiện tại, để hy vọng lúc chết sẽ được đến thiên đường. Ta cần được sống trong thiên đường, bằng cách hiện hữu tại đây, ngay lúc này, hoàn toàn an lạc”.

 

“Hầu như ai cũng đắm chìm trong một dòng chảy bất tận những suy nghĩ vớ vẩn. Chính tôi cũng thế. Cho đến khi 50 tuổi thì tôi chợt giác ngộ một điều rằng, cho dù mình bận bịu công việc đến đâu, cho dù mình có mãi kêu toáng lên là mình bận bịu, thì những người xung quanh mình cũng chẳng quan tâm. Họ chỉ quan tâm đến sự bận bịu của chính họ thôi. Kể từ đó, tôi thay đổi.

Cái gì cảm thấy không cần thiết, không có lợi cho mình và những người xung quanh, thì kiên quyết loại bỏ. Kể cả những thứ khiến mình khoái như thói uống rượu chẳng hạn, biết là có hại thì cắt bỏ lập tức. Tôi tự nhắc mình đừng dây vào bận bịu. Phải làm chủ mình, không để thói quen bận bịu sở hữu và điều khiển mình. Đó là một căn bệnh xã hội mà không phải ai cũng nhận thức ra” - bác sĩ Nguyễn Đình Dũng chia sẻ thêm.

Echart Tolle - người thầy tinh thần nước Đức từng nhận xét vui thế này: “Nếu một con chó thích gặm xương, thì trí năng con người thích nhai lại những suy nghĩ vô bổ, không mục đích khiến chúng ta không thể sống an nhiên tự tại”.

Đúng vậy, ta chỉ có thể thoát hội chứng bệnh bận bịu khi ta tỉnh táo, làm chủ mình, không để trí năng giật dây bằng dòng suy nghĩ miên man bất tận. Bạn thử ngồi im lặng không làm gì, không nghĩ gì trong vòng hai, ba, hay là năm phút xem thử có làm được không? Khi đó bạn sẽ thấy mình vô tình bị trí năng điều khiển bao nhiêu năm nay mà không biết. 

Kiều Bích Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI