Hội chứng bàn chân bẹt: chữa trị sớm giúp trẻ tự tin đến trường

26/09/2023 - 06:00

PNO - Đi học được vài tuần, em B.B.A. (14 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM) đã tìm mọi lý do để xin mẹ cho nghỉ học. Khi bị mẹ la mắng, em khóc lóc kể: “Mấy đứa bạn cứ nói con đi như con vịt, mẹ cho con chuyển trường khác”.

Tự ti vì bàn chân bẹt
“Nhìn kỹ lại, tôi mới thấy khi con đi, 2 đầu gối chụm sát vào nhau, cẳng chân bè ra 2 hướng rất xấu. Con kể bị đau nhiều ở hông, đầu gối khi vận động. Tôi tìm hiểu thông tin, thì nhận ra con gái đang gặp vấn đề về khớp chân, hông nên đưa con đến Bệnh viện 1A thăm khám” - mẹ của B.B.A. chia sẻ.

Qua thăm khám, chụp X-quang, bác sĩ chẩn đoán A. mắc hội chứng bàn chân bẹt. Tuy nhiên, do không được phát hiện và điều trị sớm, A. gặp thêm biến chứng như chụm đầu gối, lệch khung xương. Điều này không chỉ làm cho hình dáng của em bị ảnh hưởng, mà các khớp chân, hông, cột sống phải chịu lực lớn nên thường xuyên đau nhức. A. kể khi ngồi học lâu, lưng của em mỏi như sắp gãy đôi.

Em H. đang thực hiện các bài tập với kỹ thuật viên tại Bệnh viện 1A
Em H. đang thực hiện các bài tập với kỹ thuật viên tại Bệnh viện 1A

Các bác sĩ đã thiết kế bài tập vật lý trị liệu, hiệu chỉnh cơ xương khớp riêng để khắc phục dáng đi, “kéo lại” khung xương cho em. Sau buổi tập thứ chín, 2 đầu gối của A. dần về đúng vị trí. Em không còn bị mất cân bằng, đau nhói mỗi khi đi nhanh; cột sống, lưng cũng đỡ căng mỏi, đau nhức hơn trước. Hiện tại, A. dần ổn định tâm lý, tự tin hơn khi đến trường.

Lúc 4 tuổi, em T.T.H. (12 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM) bị tai nạn xe ở chân, sau đó thường té ngã mỗi khi chạy nhanh. Ban đầu, gia đình cứ nghĩ con bị di chứng sau tai nạn nên chỉ chườm nóng, bóp dầu mỗi khi H. quấy khóc vì đau mỏi chân. Chị Nguyễn Thị Phượng - mẹ của H. - chia sẻ: “Từ lúc nhỏ, con chạy chơi, cứ lạch bạch rồi té ngã vì 2 đầu gối va mạnh vào nhau, bị những đứa trẻ khác trêu ghẹo, cười đùa. Dù biết mấy đứa nhỏ chưa hiểu chuyện, nhưng tôi cũng rất buồn. Tôi tìm nhiều cách khắc phục cho con như bó chân, đưa đi thầy lang nẹp lại mà vẫn không thuyên giảm nên đành chấp nhận”.

Đến khi H. bị bệnh phải vào bệnh viện, một bác sĩ chuyên khoa nhi vô tình phát hiện, khuyên chị Phượng đưa em đến khoa cơ xương khớp khám, thực hiện chẩn đoán hình ảnh mới biết em bị hội chứng bàn chân bẹt. Sau đó, chị xin chuyển con đến Bệnh viện 1A để điều trị. Sau 3 tháng nỗ lực, hiện 2 chân em H. đã có hồi phục đáng kể, thậm chí em có thể chơi các trò chơi vận động như đá banh, cầu lông… với bạn mà không phải chỉ có thể ngồi nhìn như trước.

Điều trị sớm để không bị biến chứng

Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh - Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp Bệnh viện 1A - tất cả trẻ mới được sinh ra, bàn chân đều không có vòm, không lõm hay còn gọi là bàn chân bẹt. Từ 2-5 tuổi, bàn chân của trẻ sẽ tự điều chỉnh. Vòm bàn chân dần được hình thành cùng với hệ thống dây chằng, giúp trẻ có thể chịu lực, cân bằng, đi đứng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, với các trường hợp cơ thể không thực hiện điều chỉnh, trẻ sẽ rơi vào hội chứng bàn chân bẹt.

Hội chứng này có thể do di truyền, một số trường hợp là hậu quả từ gãy xương, mắc bệnh như thấp khớp. Các bệnh liên quan đến thần kinh, béo phì, đái tháo đường, người cao tuổi, phụ nữ mang thai cũng làm tăng yếu tố nguy cơ mắc bàn chân bẹt.

Những người bị bàn chân bẹt khi đi lại phần cạnh trong của bàn chân có khuynh hướng áp sát xuống đất, về lâu dài, làm cho bàn chân bị biến dạng. Lúc này, nếu người bệnh đi nhanh hay chạy nhảy sẽ dễ té ngã. Bên cạnh đó, khi chạm chân xuống đất, cùng lúc gót sẽ vẹo ra ngoài, chân đổ vào trong khiến khớp cổ chân bị ảnh hưởng gây vận động khó khăn, một số trường hợp bị đau khi đi lại nhiều.

Để thích nghi, các xương ở cẳng chân “tự xoay” để hạn chế đau khi di chuyển, làm cho các khớp gối cũng xoay và lệch đi, chụm vào nhau vô tình làm cho tình trạng nặng nề hơn. Theo thời gian, người bệnh phải hứng chịu các cơn đau, viêm, thậm chí thoái hóa khớp gối sớm. Sự lệch trục cơ thể cũng có thể ảnh hưởng lên lưng, cổ, lệch xương chậu... Nếu không được can thiệp, có thể dẫn đến cấu trúc bất thường ở ngón chân cái, đẩy ngón chân này về phía ngón sát bên cạnh, hoặc gây gai gót chân, viêm cân gan chân...

Sở dĩ bệnh nhân thường phải chịu biến chứng nặng nề của hội chứng bàn chân bẹt bởi vì ban đầu, bệnh này không gây đau, cho đến khi cơ thể mất cân bằng, khung xương không đủ lực chịu đựng, người bệnh sẽ cảm thấy đau mắt cá chân, đau đầu gối, đau khớp háng hay thắt lưng... “Khi bị biến chứng, bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhi (nhất là trẻ trong giai đoạn dậy thì) bị 2 đầu gối chụm vào nhau sẽ cảm thấy tự ti vì bạn bè trêu chọc. Chưa kể đến những ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần để ý nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời cho trẻ” - bác sĩ Quang Anh cho biết. 

Tùy mức độ và giai đoạn của hội chứng bàn chân bẹt, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Với trẻ em từ khi mới sinh ra đến 5 tuổi, khi phát hiện bàn chân bẹt, sẽ được sử dụng giày chỉnh hình để điều chỉnh vị trí của chân cho đến 6-7 tuổi.

Nếu tình trạng bàn chân bẹt tái phát sau giai đoạn này, thì phương pháp hiệu chỉnh cơ xương khớp sẽ được áp dụng. Trường hợp bệnh nhân lớn tuổi hơn, đã qua giai đoạn điều chỉnh tự nhiên, hoặc bệnh nhân bị lệch khung chậu... cần được hiệu chỉnh cơ xương khớp sớm. Tránh dẫn đến lệch cột sống, gây ảnh hưởng đến các chức năng trong cơ thể. 

Phạm An - Minh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI