"Tôi đã nghĩ tôi là người duy nhất bị trạng thái này...", "Ước gì có ai nói cho tôi biết trước...". Đó là những gì chúng ta thường nghe nữ giới tâm sự về trải nghiệm mang thai, sinh con và chăm sóc bé.
Mẹ sinh tôi ra và… khóc suốt
26 năm trước, sau khi sinh tôi, mẹ đã khóc suốt hai tháng vì thấy tôi… xấu quá. Chuyện này mẹ nửa đùa nửa thật kể lại khi tôi đạt tuổi có thể hiểu tiếng Việt, nhưng không chắc hiểu được sự hài hước. Lo lắng câu chuyện này có thể làm tôi buồn, ba tôi trấn an: "Không phải đâu, mẹ bị baby blues".
|
Baby blues là dạng nhẹ của chứng trầm cảm hậu sản- Ảnh minh họa |
Như ba tôi giải thích, baby blues là hội chứng hậu sản khiến người mẹ khóc lóc, ủ rũ. Khi viết bài này tôi đã gọi điện hỏi mẹ, bà thừa nhận lúc đầu không biết tại sao mình khóc, và… đổ thừa do mặt mũi con mình không xinh xắn. Chính ba tôi là người nêu "giả thuyết baby blues" để vợ bớt lo âu.
Tìm hiểu trên mạng, tôi biết baby blues là dạng nhẹ của chứng trầm cảm hậu sản, ảnh hưởng trong thời gian ngắn tới 60-80% sản phụ.
Thực ra, nghe mẹ kể, tôi phát hiện điều mẹ gặp là trầm cảm sau sinh thật sự, chứ không đơn giản baby blues. May rằng, sau này trưởng thành, tôi kể lại câu chuyện mẹ khóc lúc sinh tôi một cách tự nhiên, nhẹ nhàng (vì tôi hay được khen xinh nên không bị ám ảnh về hình thức của mình. Kế đến, nhờ ba giải thích, tôi hiểu baby blues là tâm trạng có thể xảy ra, không tùy thuộc tình cảm người mẹ).
Nơi nào có thể lắng nghe và chia sẻ?
Nói đến một phụ nữ sinh con, tôi hay nghĩ đến hình ảnh họ trải qua giai đoạn mang thai và giai đoạn hậu sản... Từ góc nhìn riêng, tôi cảm thấy người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ ngày càng cô đơn, không có sự ủng hộ, hướng dẫn, chia sẻ của phụ nữ khác.
Vài năm gần đây, nhiều phụ nữ đã chia sẻ trên sách, báo, phim, mạng xã hội những trải nghiệm mang thai, đau đẻ và hậu sản. Một cảm quan mới lan truyền giữa phụ nữ, xuất hiện một “hội chị em” đúng nghĩa.
Ba mẹ tôi gặp nhau khá trễ và mẹ sinh tôi lúc bà 41 tuổi nên tôi không có cơ hội chứng kiến bà mang thai lần hai. Nhưng tôi may mắn vì luôn có các dì, các cô, những bạn đồng nghiệp nữ chỉ cho nhiều điều cơ bản: mỗi người phụ nữ có quyền quyết định sinh con hay không, sinh sớm hay trễ, rằng tất cả phụ nữ không trải qua giai đoạn mang thai - sinh nở - chăm sóc con giống nhau, có người êm thấm, có người gay go. Vậy nên mọi phụ nữ cần một không gian để thoải mái chia sẻ cảm xúc mà không ngại bị phán xét.
Tôi luôn biết ơn các dì bạn của mẹ tôi, các cô, chị họ, các bạn bè nữ của tôi, các đạo diễn, ca sĩ, nhà văn, nhà báo... Cám ơn các chị đã chia sẻ những lựa chọn sống, những câu chuyện thành thật và trải nghiệm về việc mang thai, về tình mẹ; chuyện vui lẫn chuyện khó khăn, xua tan các huyền thoại thần tiên về người mẹ hoàn hảo.
Thông qua câu chuyện của các chị, tôi được biết nhiều thứ và xuất hiện những thôi thúc tự tìm hiểu để không bất ngờ khi tình huống khó khăn xảy ra.
Morgane Koresh, một họa sĩ Pháp mới sinh con, giải thích: “Bản năng làm mẹ không phải lúc nào cũng chính xác, mà là thứ gì đó được truyền đi, và ngày nay việc truyền tải này không còn tự động nữa. Thế mới nói thể hiện, chia sẻ là để chữa trị và giúp đỡ chị em chúng ta”.
Trạng thái mẹ tôi trải qua là một trong những trạng thái phụ nữ sau sinh có thể đối mặt, và thật may mẹ tôi đã có cha tôi, nên không cô đơn trong cảm xúc bất lực.
|
Thật may mẹ tôi đã có cha tôi, nên không cô đơn trong cảm xúc bất lực- Ảnh minh họa |
Đầu năm 2020, một hashtag tên #monpostpartum (thời kỳ hậu sản của tôi) được tạo ra bởi nhà xã hội học Pháp Illana Weizman và ba bạn của bà - Ayla Saura, Morgane Koresh và Masha Sacré - mời phụ nữ chia sẻ về những gì họ trải qua trong thời kỳ hậu sản.
Masha Sacré giải thích: "Hashtag này không phải để gây sợ hãi, mà để bình thường hóa tình trạng không hoàn hảo cho những bà mẹ tương lai biết, vì khi biết, chúng ta có thể đối mặt nhẹ nhàng hơn".
Cảm hứng Ali Wong
Bài tôi viết hôm nay lấy cảm hứng từ sách Dear Girls của diễn viên hài Việt kiều Mỹ Ali Wong.
Trong cuốn Dear Girls, dưới hình thức lá thư viết cho hai con gái, Ali chia sẻ những trải nghiệm cuộc sống, những lời khuyên, những sai lầm… Ali đề cập nhiều chủ đề, từ sự nghiệp diễn viên hài đến việc du học, chuyện tình dục, tình yêu, tình mẹ. Tác phẩm đầu tay của Ali Wong, giống như vai diễn của chị, rất sống động, vui nhộn, nhưng vô cùng cảm động.
Trong Dear Girls, chương về chủ đề sẩy thai khiến tôi xúc động nhất, mặc dù tôi chưa có con. Ali Wong kể chị đã bị hư thai hai lần trước khi sinh con gái đầu lòng. Chị không hề lường trước tình huống này và chỉ sau khi gặp nạn chị mới hiểu tại sao người ta thường/ nên chờ vài tháng cho thai ổn định mới thông báo tin vui.
Ali kể chị đã buồn khôn tả và cảm thấy có lỗi. Sau lần sẩy thai thứ hai, chị không còn than thở khi nôn mửa, đơn giản vì đó là bằng chứng con chị sống khỏe mạnh trong bụng.
Dù người thân, bạn bè đều có học thức và tốt bụng, Ali không khỏi ngạc nhiên nghe phản ứng của họ khi biết chị hư thai: "Có lẽ do Ali đi diễn nhiều quá", "có phải tại Ali stress quá không?"... Những phản ứng làm chị cảm thấy chuyện xảy ra là lỗi của chị, hoặc cơ thể chị không hoàn chỉnh.
Nhưng điều ít được nói tới là có đến 20% phụ nữ sẩy thai trong tháng đầu tiên và trường hợp của Ali không bất thường.
Điều giúp Ali Wong cảm thấy ít cô đơn hơn là được biết chuyện sẩy thai của ca sĩ Beyonce và bà Michelle Obama.
Nghe hai người này chia sẻ, Ali nhận ra hư thai có thể xảy ra với bất kỳ ai và không thể tránh. Sau đoạn đó, văn chương của Ali trở lại hài hước khi chị kể niềm vui cùng với Beyonce và Michelle Obama gia nhập một câu lạc bộ: câu lạc bộ phụ nữ đã sẩy thai vài lần.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Biết ơn “hội chị em”
Thật may, mạng xã hội đã giúp các "hội chị em" ra đời nhiều hơn, cả trên mạng lẫn ngoài đời.
Nếu Beyonce và Michelle đã giúp Ali Wong yên lòng, câu lạc bộ của tôi cho tôi biết thêm về tình mẹ. Không chỉ mẹ tôi, mấy dì và Ali Wong, đạo diễn Josépha Raphard, ca sĩ Suboi, nhà văn Annie Ernaux, blogger Julia Đoàn... Cảm ơn các chị đã viết sách, bài, trên mạng xã hội, làm phim... để chia sẻ với các phụ nữ, bất kể đã sinh con, đang mang thai hoặc chưa có con. Tôi nhận thức, tôi biết nhiều hơn mẹ tôi khi bà mang thai, và tôi biết ơn vì điều đó.
Mẹ tôi từng viết bà đã lo lắng, háo hức chờ đợi tôi ra đời "như kẻ tò mò trước một công trình mà bà được vinh hạnh tham gia cùng tạo hóa".
Cho dù không thể lên kế hoạch gì, tôi sẵn sàng tinh thần đối với mọi tình huống có thể xảy ra, và tôi biết xung quanh mình luôn có "hội chị em", những người chia sẻ thân thiện với tôi như người ruột thịt.
H.A. TRẦN