Hỏi chi cái nghề ‘chồng bỏ chồng chê’

02/12/2014 - 10:23

PNO - PNO - Được hỏi về công việc ở lò hấp, những phụ nữ có mặt ở đây đều nhất loạt trả lời: “Hỏi chi cái nghề chồng bỏ, chồng chê”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoi chi cai nghe ‘chong bo chong che’

Mỗi lò hấp đều có một người đàn ông đảm nhận công việc nặng nhọc là hấp cá.

Bên những bếp lò hừng hực lửa, những mẻ cá, mực thay nhau đưa vào, vớt ra trên những nồi hấp. Những người phụ nữ thoăn thoắt với công việc, những người đàn ông đọ sức cùng hơi nóng.

2 giờ sáng, khi chợ cá Quy Nhơn (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tụ họp, cũng là lúc lò hấp đỏ lửa. Gần chục lò hấp san sát nhau, nhiều người ví von nơi đây là “tiểu khu hấp cá”. Ở trong mỗi lò hấp đó, có vài chục lao động nữ mưu sinh với nghề.

Công việc hấp cá nặng nhọc, dành cho những người đàn ông, 10 giờ liền bên những bếp lửa đỏ rực. Những công việc còn lại có phần dễ thở hơn như phân loại, cắt, xếp cá... đều do phụ nữ đảm nhiệm.

Hoi chi cai nghe ‘chong bo chong che’

Những công việc nhẹ hơn như khuân cá, kéo cá, cắt, xếp, đóng rổ... dành cho chị em.

Thâm niên trong lò hấp 40 năm, bà Nguyễn Thị Chát (62 tuổi, P. Hải Cảng, TP. Quy Nhơn), tâm sự: “Công việc mưu sinh nào cũng có cái khó, cái khổ của nghề. Cái nghề hấp cá có phần khổ hơn, bởi ai làm việc này cũng phải trải qua gia đoạn tiếp xúc mùi tanh, chịu được mùi cá đến lúc nhớ mùi thì may ra mới gắn với nghề được. Mấy người mới vào chưa quen, nôn ói là chuyện thường. Có người làm vài ba hôm không trụ được, phải kiếm nghề khác”.

Bà Chát cho biết, nghề hấp là nghề “gia truyền” mà cha mẹ bà để lại. Từ thời con gái, bà Chát đã lăn lộn khắp các lò hấp mưu sinh. Đến lúc lấy chồng, hai vợ chồng bà làm chủ lò hấp. “Có lẽ nghề chọn người, nên bao năm nay tôi quen với mùi cá, mùi mực, nghỉ tay một ngày là ray rứt, thấy nhớ mùi. Bởi thế, người ta cứ nói làm chủ không đứng thu tiền mà cứ lăn vô mấy gánh cá tanh tưởi làm gì. Biết tanh hôi nhớp nháp đó, vậy mà tôi bỏ không được. Cái nghề khổ cực vậy mà kén người lắm, có phải ai cũng được nghề chọn đâu”, bà Chát cười xòa.

Hoi chi cai nghe ‘chong bo chong che’

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lò hấp cá là nguồn sống của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh đã hơn 10 năm nay.

Ở lò hấp tập trung hầu hết những lao động nghèo, hết đường mưu sinh mới chấp nhận hấp đời mình trong những lò hấp cá. Đứng ở trong lò hấp, quan sát công việc của họ, chẳng ai còn muốn đặt câu hỏi “cái nghề này có vất vả không”. Cực nhọc, khó khăn hiện rõ tên từng gương mặt người.

“Một ngày 100.000 đồng, không nhiều nhưng cũng có chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Việc nào cũng có cái khổ của nó, ban đầu chưa quen với mùi cá, khó chịu lắm. Nhưng khổ mấy mà kiếm được đồng ra, đồng vô, tôi vẫn ráng làm. Lúc mới vô làm, tôi chẳng nuốt nổi cơm, thế mà giờ bên gánh cá, bên tô cơm, ăn ngon lành. Đôi khi về nhà không có gánh cá bên cạnh ăn cơm cũng thấy thiếu... Hơn 40 tuổi đời mà đã gần 30 tuổi nghề, không yêu nghề thì nó cũng thấm vô máu thịt tôi. Ở đây toàn người khổ gặp nhau, chị em chia ngọt sẻ bùi... vài chục con người đều nhớ mặt, đặt tên cho nhau”, chị Trần Thị Cúc (44 tuổi, P. Hải Cảng, TP. Quy Nhơn) nói.

Điều đặc biệt nhất của nghề này là gì? “Cái nghề chồng bỏ, chồng chê...” - các chị, các mẹ ở lò hấp nhất loại nói. Nghề mưu sinh, nghề kiếm cơm, sao chồng lại chê? “Đàn ông chỉ thích một phụ nữ chứ không ai thích một gánh cá di động đâu em ơi”, một chị nhân công nói lớn. Và rồi mọi người tỉ tê câu chuyện chồng bỏ, chồng chê của mình.

Hoi chi cai nghe ‘chong bo chong che’

Bước vào lò hấp từ năm 20 tuổi, chị Võ Thị Bích Ngọc (24 tuổi) là người trẻ tuối nhất ở đây. Người mới chị được giao công việc nhẹ nhàng nhất là buộc các rổ cá, mực đã chín vận chuyển đi nơi khác. Mỗi rổ được trả công 1.000đ, trung bình chị kiếm được 70.000đ/ngày.

“Nãy giờ em ở đây với bọn chị mà đã thấm mùi tanh, bọn chị ở đây đằng đẵng tháng ngày, mùi cá nó len vào người em ạ. Bước ra khỏi lò hấp là ai nấy thành con cá di động, đi tới đâu mùi vương tới đó... thử hỏi có mấy người đàn ông chịu yêu. Toàn bộ lò hấp gần như là gái già, gái đã có chồng... chứ gái trẻ có ai chịu làm ở đây. Dạo trước có mấy cô xin làm nghe đâu người yêu chê phải đổi nghề luôn đó. Mỗi lần có ai mời đình đám, cưới hỏi là phải xin nghỉ hẳn vài ngày công để ở nhà “khử mùi” đó em. Chứ mang thân hình này ra ngoài đường sao gặp họ được”, chị Nguyễn Thị Thanh lắc đầu.

Bị người yêu bỏ, chồng chê, vậy có ai muốn bỏ nghề không? “Chồng chê thì kệ chồng chê, bám lấy nghề mà nuôi con, mà sinh sống chứ. Không muốn chồng bỏ thì cứ kêu mấy ổng xuống lò hấp này luôn. Làm riết rồi thì có ngày yêu nghề, yêu vợ hơn thôi. Đâu phải nói đùa, dọc lò hấp này chẳng phải có những cặp vợ chồng nên duyên nhờ mùi tanh cá đó thôi”, chị Thanh nói thêm.

Hoi chi cai nghe ‘chong bo chong che’

Những mẻ cá, mực được hấp chín trong các rổ phủ kín nylon để vận chuyền đi Sài Gòn, lên Tây Nguyên.

Những phụ nữ quần quật bên những gánh cá, rổ mực, trên bồ hóng, dưới nước rửa lẹp nhẹp, không khẩu trang, không che chắn... cứ miệt mài công việc của mình. Ừ thì công việc cực khổ đó, nhớp nháp và tanh tưởi đó, nhưng đâu có khỏa lấp được gương mặt lạc quan của họ.

Tôi hỏi một anh tên Trực làm việc ở lò hấp: “Phụ nữ làm nghề này chồng chê, đàn ông làm vợ có chê không?”. “Nói bậy, nghề nào mà chồng bỏ chồng chê. Tôi thấy mấy chị em ở đây đáng mến lắm. Cứ làm việc siêng năng, chẳng ai chê hết. Vợ tôi á, yêu tôi nhờ cái mùi cá tanh này đó...”. Anh Trực cười sảng khoái.

THU DỊU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI