Hơi cay, dùi cui và thuốc tẩy để thực thi phong tỏa COVID-19?

03/04/2020 - 16:24

PNO - Báo Anh Guardian đưa tin, khi các lệnh phong tỏa chống dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) được ban hành ở nhiều nước khắp toàn cầu, hàng tỷ người nhận ra họ đang phải đối mặt với những hạn chế chưa từng có và cảnh sát một số nước được cấp quyền kiểm soát hành vi người dân theo những cách rất “cực đoan”.

Một số quốc gia dùng hơi cay và dùi cui để thực thi lệnh phong tỏa - Ảnh: Guardian
Một số quốc gia dùng hơi cay và dùi cui để thực thi lệnh phong tỏa - Ảnh: Guardian

Hôm 31/3, cảnh sát Kenya đã gửi “lời chia buồn sâu sắc” đến gia đình Yasin Hussein Moyo, một cậu bé 13 tuổi trúng đạn cảnh sát chết trên ban công nhà khi lực lượng này di chuyển đến khu phố nhà cậu để thi hành “lệnh giới nghiêm” chống lây lan bệnh COVID-19.

Ông Hussein Moyo, cha của bé Yasin xấu số, cho biết, “họ đến, la hét và đánh đập chúng tôi như những con bò, trong khi chúng tôi là những công dân tuân thủ luật pháp của đất nước”.

Lễ tang cậu bé Yasin 13 tuổi bị cảnh sát bắn chết ở Nairobi - Ảnh: AP
Lễ tang cậu bé Yasin 13 tuổi bị cảnh sát bắn chết ở Nairobi - Ảnh: AP

Một mối lo ngại ngày càng tăng về việc lực lượng cảnh sát một số nước trên thế giới sử dụng các hình phạt tàn khốc và sỉ nhục để thực thi lệnh cách ly xã hội đối với những nhóm người nghèo và yếu thế nhất, bao gồm hàng chục triệu người sống không đủ ăn đứng trước nguy cơ chết đói nếu không “vi phạm giới nghiêm” để tìm việc làm.

Tuần qua, mạng xã hội lưu hành hình ảnh những người lao động nhập cư ở Ấn Độ cúi rạp bên vệ đường khi bị xịt hóa chất khử trùng trước khi họ bước vào địa giới tỉnh nhà.

Báo Indian Express đưa tin, người lao động trở về từ Delhi trên áo quần còn trắng xóa một lớp thuốc tẩy sodium hypochlorite, hóa chất có thể gây tổn thương cho da, mắt và phổi. Những nơi khác ở Punjab, những người bị buộc tội vi phạm quy tắc kiểm dịch phải đứng tấn hô to câu “Chúng tôi là kẻ thù của xã hội, chúng tôi không thể ngồi nhà”.

Các chiến thuật sỉ nhục tương tự cũng được cảnh sát Paraguay sử dụng, và những người vi phạm “giới nghiêm” phải nhảy dang tay và bị nhân viên công lực dùng súng bắn điện đe dọa, có người bị bắt nằm sấp hô lớn nhiều lần câu “ Thưa ngài, tôi sẽ không rời khỏi nhà lần nữa!”

Mặc dù có sự đồng thuận toàn cầu ngày càng tăng rằng các nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi đối mặt với đại dịch COVID-19 đòi hỏi sự hy sinh tạm thời một số quyền tự do cá nhân, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nước đảm bảo phản ứng của chính quyền đối với đại dịch là “cân bằng, cần thiết và không phân biệt đối xử”.

Tại thủ đô Asunción của Paraguay, ông Alberto Ruíz, một thành viên của một tổ chức xã hội địa phương nói với báo giới là “chính quyền làm rất ít để hỗ trợ các gia đình không có nguồn thu nhập nào khác”. Hầu như toàn bộ công dân nước này bị “cấm cung” trong các ngôi nhà của mình. Ruíz nói: “Họ bảo bạn ở nhà để bảo vệ gia đình mình, nhưng ở khu dân cư nghèo, bạn phải ra ngoài kiếm sống để khỏi chết đói”.

Video về các hình phạt ở Paraguay đã được Bộ trưởng Nội vụ nước này, ông Euclides Acevedo khen ngợi, ông nói: “Tôi xin chúc mừng họ, tôi không đủ sáng tạo để làm ra những clip như thế này”.

Tại Philippines, cảnh sát và các quan chức địa phương đã nhốt những kẻ vi phạm giới nghiêm trong chuồng chó, trong khi những người khác phải chịu hình phạt ngồi phơi nắng giữa trưa. Đảo chính Luzon của Philippines đã được lệnh phong tỏa một tháng, 40 triệu dân được yêu cầu ở trong nhà.

Trang mạng Rappler đưa tin, trên khắp đất nước, hơn 17.000 người đã bị bắt vì vi phạm liên quan đến dịch COVID-19, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã lên tiếng rằng hành động như vậy rất có thể phản tác dụng nếu những người vi phạm khiến các cơ sở giam giữ quá tải.

Các nhà hoạt động ở Kenya thì cảnh báo rằng thực thi chính sách nặng tay không chỉ có nguy cơ gây hoảng loạn và sợ hãi, mà còn có thể làm tăng sự lây truyền của virus. Tuần trước, tại thành phố cảng Mombasa, cảnh sát đã bắn đạn hơi cay vào những người đi phà, khiến hàng trăm người chen chúc nhau ho và lau nước mắt, cảnh sát Kenya còn lạm dụng dùi cui để đánh người vi phạm.

Cũng có những lo ngại cho rằng các chính phủ sử dụng mối lo sợ về đại dịch để tăng cường quyền lực của mình. Hôm 30/3, Quốc hội Hungary đã thông qua một loạt các biện pháp mới bao gồm điều khoản bỏ tù vì truyền bá thông tin sai lệch và cho phép Thủ tướng “dân túy”, ông Viktor Orbán, cai quản đất nước bằng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp không có giới hạn thời gian rõ ràng.

Philippines và Thái Lan, những nơi đã ban bố tình trạng khẩn cấp, trao cho chính phủ quyền lực lớn hơn trong một thời gian tạm thời. Điều này bao gồm khả năng đàn áp việc phát tán thông tin sai lệch, một thuật ngữ mơ hồ mà các nhà hoạt động lo ngại có thể bị các quan chức lạm dụng.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI