Hội cần mạnh dạn đề xuất để tháo gỡ những khó khăn

05/10/2022 - 08:30

PNO - Ngày 4/10, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức tọa đàm về công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Buổi tọa đàm được chủ trì bởi ông Ngô Văn Luận - Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ và bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM. Đại diện các sở ban ngành và Hội LHPN các quận huyện cùng tham dự.

Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm của nhiều cán bộ Hội từ cơ sở và đại diện các sở, ban, ngành thành phố
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm của nhiều cán bộ Hội từ cơ sở và đại diện các sở, ban, ngành thành phố

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho thấy công tác phụ nữ đang gặp phải không ít thách thức. Báo cáo giám sát việc thực hiện công tác phụ nữ trong tình hình mới tại Q.3, Q.Tân Phú và H.Hóc Môn của Hội LHPN TP.HCM cho thấy, cấp ủy và UBND các quận huyện có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quy chế phối hợp với Hội LHPN cùng cấp, bảo đảm vai trò của Hội trong việc tham gia quản lý nhà nước theo quy định; nhận thức của lãnh đạo chính quyền các cấp về công tác cán bộ nữ và vai trò của Hội Phụ nữ được nâng lên. Các hoạt động của tổ chức Hội đều gắn với các chương trình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng và Hội LHPN cũng ngày càng chặt chẽ. Sự hỗ trợ của các ngành trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, chỉ tiêu “phấn đấu đến năm 2020 có 80% tổ trưởng phụ nữ tham gia ban điều hành tổ dân phố, tổ nhân dân” theo chỉ đạo của Thành ủy thì vẫn chưa đạt và chưa đề ra được giải pháp cụ thể. Cả ba đơn vị được giám sát đều chưa đạt chỉ tiêu “các cơ quan, đơn vị có 30% lao động nữ trở lên nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo là nữ”. Cán bộ Hội LHPN các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đôi lúc chưa thực sự chủ động, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các biện pháp chính sách, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đã nêu lên những khó khăn, thách thức và những hạn chế của việc triển khai Chỉ thị 21, Thông tri 23 và Nghị định 56; một số chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu về cán bộ nữ khó đạt vì không có đủ nguồn kế thừa và sự luân chuyển cán bộ. Việc luân chuyển cán bộ có ưu điểm là làm mới mẻ lực lượng nhưng cũng tạo ra sự ngần ngại, chưa chủ động trong đề xuất, kiến nghị các chính sách. 

Về những khó khăn về kinh phí hoạt động, chế độ chính sách, đại diện các sở ngành cho rằng, khi vướng hay gặp khó, Hội cứ mạnh dạn đề xuất để tháo gỡ. 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân khẳng định: Công tác Hội dù còn nhiều khó khăn nhưng đó là công việc của người dân, của địa phương và của chúng ta nên phải quyết tâm thực hiện. “Chỉ có chúng ta mới hiểu mình đang khó cái gì và đang mong muốn điều gì. Cho nên, trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các cấp, cán bộ Hội cần tổng hợp các vấn đề để nêu ý kiến hoặc có văn bản gửi về các bộ phận tham mưu” - bà Nguyễn Trần Phượng Trân nói. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI