Hội An kỷ niệm 25 năm được công nhận Di sản văn hóa thế giới

04/12/2024 - 12:53

PNO - Sáng 4/12, UBND TP Hội An tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Dịp kỷ niệm được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi như lễ diễu hành với hàng trăm người tham gia qua các tuyến phố; buổi gặp mặt về chủ đề “Những dấu ấn trên chặng đường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An” nhằm nhìn lại quá trình quản lý, bảo vệ Đô thị cổ Hội An từ những ngày đầu gian khó đến khi được công nhận Di sản văn hóa thế giới và những thành tựu to lớn đạt được sau 25 năm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị sản.

Thế hệ thứ tư của nhạc sỹ La Hối, nhạc sỹ âm nhạc gắn bó với Hội An cùng lãnh đạo, trí thức tại buổi kỷ niệm 25 năm Hội An được công nhận Di sản văn hoá thế giới. La Hối, một nhạc sĩ Việt Nam, chiến sĩ chống phát xít Nhật và tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Xuân và tuổi trẻ. Ông là người gốc Quảng Đông đã định cư nhiều đời tại Hội An, Quảng Nam.
Thế hệ con cháu của nhạc sĩ La Hối cùng lãnh đạo, trí thức tại buổi kỷ niệm 25 năm Hội An được công nhận Di sản văn hoá thế giới. La Hối là một nhạc sĩ Việt Nam, chiến sĩ chống phát xít Nhật và tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Xuân và tuổi trẻ; ông là người gốc Quảng Đông đã định cư nhiều đời tại Hội An, Quảng Nam

Đồng thời, tổ chức hoạt động trưng bày ảnh giới thiệu về giá trị di sản văn hóa Hội An và thành tựu trong suốt 25 năm bảo tồn và phát huy.

Đặc biệt, trong dịp này, thành phố Hội An xuất bản tập “Thông tin nghiên cứu chuyên đề 25 năm bảo tồn di sản”. Ấn phẩm tập hợp những bài viết nghiên cứu làm nổi bật quá trình và thành tựu 25 năm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó chủ tịch UBND TP Hội An - phát biểu tại buổi lễ
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó chủ tịch UBND TP Hội An - phát biểu tại buổi lễ

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết: 25 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới - một chặng đường có thể vẫn còn quá ngắn trong chiều dài hàng trăm năm hình thành, phát triển của Đô thị cổ Hội An. Nhưng cuộc hành trình 25 năm qua mang đậm dấu ấn một thời kỳ mới của Hội An - thời kỳ các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy tỏa sáng, thăng hoa.

Nhìn lại chặng đường 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An đã nỗ lực không ngừng, kiên trì quyết tâm xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch phát triển năng động và giàu bản sắc. Quần thể kiến trúc Đô thị cổ nói riêng, di sản văn hóa Hội An nói chung được quản lý, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn, được UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, trao tặng nhiều giải thưởng.

Khách du lịch quốc tế đến Hội An ngày càng đông
Khách du lịch quốc tế đến Hội An ngày càng đông

Theo thống kê, TP Hội An hiện nay có tổng số 1.440 di tích, phân bố ở 13/13 xã, phường, trong đó tập trung dày đặc trong khu phố cổ với 1.175 di tích, ngoài khu phố cổ 265 di tích. Di tích ở Hội An bao gồm đủ 4 loại hình theo luật định, gồm di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh thắng. Về cấp xếp hạng bảo vệ, có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Khu phố cổ Hội An, 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh…

Di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn thành phố Hội An cũng rất phong phú, đầy đủ cả 7 loại hình theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua khảo sát, kiểm kê đã nhận diện và lập hồ sơ cho hơn 40 di sản.

Từ khi được công nhận Di sản văn hoá thế giới đến nay, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã chi nhiều nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Chỉ riêng giai đoạn 2018-2022 đã có 42 công trình do nhà nước làm chủ đầu tư được tu bổ với tổng kinh phí hơn 334 tỉ đồng; 76 công trình của tư nhân, tập thể được tu bổ với số tiền hơn 13 tỉ đồng. Tháng 8/2024, Hội An cũng đã khánh thành dự án trùng tu Chùa Cầu - biểu tượng của di sản - với tổng vốn đầu tư hơn 20,2 tỉ đồng.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI