Hội An khánh thành dự án trùng tu Chùa Cầu

03/08/2024 - 19:44

PNO - Chiều tối ngày 3/8, UBND TP Hội An đã tổ chức lễ khánh thành dự án trùng tu di tích Chùa Cầu sau 19 tháng thi công.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) với tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng trong đó giá trị xây lắp đơn vị trúng thầu là 13,3 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Nam và ngân sách thành phố Hội An.

Sau 19 tháng, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu được đánh giá đã thành công với một số kết quả như nghiên cứu khoa học, khảo sát thực địa, tư liệu hóa kiến trúc, tọa đàm, tham vấn chuyên gia, xác lập hệ thống quan điểm, nguyên tắc và giải pháp định hướng, xây dựng phương án thiết kế, góp ý, thỏa thuận và thẩm duyệt hồ sơ đầu tư…

Khán đài tổ chức lễ khánh thành được tổ chức ngay bên hông Chùa Cầu
Khán đài tổ chức lễ khánh thành được tổ chức ngay bên hông Chùa Cầu

Hàng ngàn du khách đến tham quan dịp khánh thành trùng tu Chùa Cầu
Hàng ngàn du khách đến tham quan dịp khánh thành trùng tu Chùa Cầu

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An – cho biết: Ngoại trừ một số điều chỉnh bổ sung cần thiết, phát sinh từ kết quả khảo sát thực địa, khảo cổ học, tham vấn chuyên gia và thẩm duyệt của cấp thẩm quyền như: Điều chỉnh giảm chiều dày lớp bê tông gia cố chân móng mố, trụ cầu do việc đào bóc tách đất đá đã đạt đến đáy đế móng, không thể đào sâu thêm; bổ sung phục hồi các đà dầm gỗ kết nối từ phần chùa ra phần cầu theo dấu vết kiến trúc được phát lộ; điều chỉnh khối lượng thay thế, gia cố, tận dụng các bộ phận, cấu kiện… phù hợp kết quả kiểm tra, đánh giá thực tế sau khi hạ giải, việc điều chỉnh này là luôn cần thiết trong công tác tu bổ di tích và đã được dự lường trong hồ sơ được duyệt.

Theo ông Sơn, kết quả trùng tu được đánh giá cơ bản tốt. Cụ thể, hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu Chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Thứ hai, Chùa Cầu sau khi tu bổ được bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc. Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê sau: có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 35% số con giống trang trí bờ mái, phục hồi các cấu kiện đá nền bị chôn dưới lớp nền hiện trạng… tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.

Thứ ba, di tích Chùa Cầu đã được khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An

Thứ tư, bên cạnh bảo tồn, giữ gìn giá trị di tích, dự án cũng đã thực hiện đồng bộ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ phát huy hiệu quả, lâu dài giá trị di tích.

Ông Sơn cũng cho rằng, mặc dù có thể chưa toàn vẹn như kỳ vọng, nhưng những kết quả đạt được là sự nỗ lực, quyết tâm, chủ động và sáng tạo của đội ngũ những người trực tiếp thực hiện dự án.

"Họ đã nghiêm túc duy trì tham vấn chuyên gia, khảo sát thực địa, trao đổi chuyên môn. Đồng thời, tập trung thực hiện bài bản, hiệu quả công tác quản lý dự án và tổ chức thi công tu bổ. Quán triệt chú trọng và thực hiện tốt các công tác nghiệp vụ đặc thù trong hoạt động tu bổ di tích; phát huy tình cảm trân quý và sự quyết tâm giữ gìn tối đa các yếu tố nguyên gốc làm nên giá trị lịch sử, kiến trúc của di tích Chùa Cầu", ông Sơn nói.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI