Dân tự bỏ tiền làm kè chống biển dữ
Mùa mưa bão đang cận kề, người dân vùng sạt lở ven bờ biển khối Thịnh Mỹ (phường Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam) lòng như lửa đốt.
Ngồi trong sân nhà, bên bờ biển đang sạt lở, bà Trần Thị My (85 tuổi), kể: "Ngày xưa biển ở xa lắm, bà đi ra mỏi chân luôn. Nhưng giờ nó ăn vào sát nhà, sợ lắm, sợ nó trôi như cái nhà phía trước thì kinh quá. Giờ anh em nó xúm nhau làm kè, không biết được gì không".
|
Bà Trần Thị My lo lắng khi biển ngày càng ăn sâu vào nhà. Từ trẻ đến giờ chưa khi nào bà thấy biển dữ dội như vậy. |
Năm nay biển ăn mạnh, đánh sập nhà, gia đình ông Nguyễn Văn Phụng phải bỏ tiền mặt hàng trăm triệu đồng để mua rọ đá làm bờ kè bảo vệ. Tuy nhiên, chính quyền không cho phép vì cho rằng gia đình ông đã thuộc diện di dời và khu vực này sẽ có dự án kè từ ngân sách.
Chờ miết không thấy dự án kè, gia đình đã chủ động làm kè và nhiều lần được chính quyền nhắc nhở. Sau đó, gia đình này đã gửi đơn đi các cấp, vào gặp lãnh đạo tỉnh. Sau khi tuyên truyền, lãnh đạo tỉnh gọi cho chủ tịch phường Cẩm An vào chở về.
Cần sớm làm dự án kè để bảo vệ tài sản người dân
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Đinh Dũng - Chủ tịch UBND phường Cẩm An - nói chính ông vào tỉnh chở người nhà ông Phụng về.
Kể về sâu xa, ông Dũng cho hay: Khoảng năm 2011, khu vực biển này sạt lở, xã đã bố trí hộ gia đình ông Phụng vào tái định cư ở đường Lạc Long Quân.
Tuy nhiên, gia đình có 10 người con nhưng bố trí 200m2 đất ở nên họ chưa vào; trong quyết định thu hồi cũng ghi là tạm giao cho họ khu đất đang ở được trồng cây hằng năm.
Rồi đến nay, 22 năm qua đi, con cái ông Phụng đã lớn và lập gia đình thành ra có 4 hộ với 16 nhân khẩu đang sinh sống ở chỗ cũ.
|
Dãy nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phụng bị sóng đánh sập cuốn ra biển. |
|
Để bảo vệ tài sản, hộ gia đình ông Phụng đã tự bỏ tiền hàng trăm triệu đồng mua rọ đá làm kè tạm. |
|
Người dân đang mong mỏi được tự làm kè để bảo vệ tài sản trước mùa mưa bão sắp tới. Xa xa là tuyến đê ngầm hạn chế sóng biển do tỉnh Quảng Nam triển khai mà người dân ở khu vực khối Thịnh Mỹ cho là một trong những nguyên nhân gây sạt lở nặng ở khu vực của họ. |
Theo ông Dũng, đây là cả một câu chuyện kéo dài do lịch sử. Phường cũng không muốn làm căng với người dân vì việc tự kè chống để bảo vệ tài sản của họ là nhu cầu chính đáng. Thậm chí có thời điểm gia đình họ tự xây dựng sửa sang lại nhà, phường yêu cầu phải để nguyên trạng nếu không cắt điện; nhưng cắt điện thì đứa cháu nhỏ mới sinh nên cũng không đành đoạn.
“Hằng năm phường đều làm thông báo gửi đến các hộ ở vùng nguy cơ sạt lở thực hiện đủ các quy định. Mùa mưa bão sắp tới, phường tiếp tục có công văn gửi họ nhằm thực hiện công tác phòng chống lụt bão và các phương án di dời khi xảy ra thiên tai”, ông Dũng cho hay.
Theo UBND phường Cẩm An, có 14 hộ/71 nhân khẩu ở khối phố Thịnh Mỹ bị ảnh hưởng do bờ biển sạt lở mạnh. Phường đã lên kế hoạch di dời các hộ này trong phương án phòng chống thiên tai năm nay.
Theo ông Đinh Dũng, trên khu vực biển của phường trước đây đã có dự án 300 tỉ đồng của tỉnh làm đê ngầm để hạn chế sóng biển. Sắp tới đây sẽ có thêm một dự án khoảng 210 tỉ đồng kéo dài tuyến đê này thêm 500m sẽ bảo vệ được bờ biển khu vực khối Thịnh Mỹ.
“Phường đề xuất gói 210 tỉ đồng khi thực hiện đấu thầu xong thì cho chủ trương phun cát tạo bãi trước để bảo vệ bờ biển. Hiện đánh giá tác động môi trường dự án đã lập, đang chờ đấu thầu”, ông Dũng nói.
Mới đây, UBND TP Hội An đã có chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, chủ tịch UBND các xã, phường theo chức năng bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân do sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển và ngập lụt trên địa bàn thành phố. Đối với khu vực thường xuyên sạt lở và đã phát hiện có nguy cơ sạt lở ở Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Thanh Hà phải theo dõi chặt chẽ tình hình và kiên quyết di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Tiếp tục tổ chức rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, các khu vực thường xuyên ngập lụt, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, cơ sở lưu trú… Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt cao để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực ven sông, ven biển. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Rà soát, kiểm tra các tuyến đường giao thông, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập sâu để có phương án chủ động đảm bảo giao thông và an toàn giao thông, đặc biệt là các trục đường giao thông chính. |
Lê Đình Dũng