'Hội An đã nghiên cứu rất kỹ trước khi trùng tu Chùa Cầu'

28/07/2024 - 12:17

PNO - Hội An nói đã khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu rất kỹ trước khi trùng tu Chùa Cầu sau khi có ý kiến cho rằng việc trùng tu, làm mới hoàn toàn các chi tiết của Chùa Cầu là không phù hợp và làm mất đi vẻ cổ kính của di tích này.

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, Chùa Cầu là di tích có giá trị đặc biệt quan trọng nên công tác chuẩn bị dự án được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An triển khai hết sức cẩn trọng.

Ngay từ đầu trung tâm đã lập kế hoạch tiến độ tổng thể chi tiết theo từng giai đoạn, thành lập các tổ dự án, tổ nghiên cứu và truyền thông để khảo sát, sưu tầm, tổng hợp các tài liệu liên quan, lấy ý kiến từ cộng đồng dân cư; thực hiện các chuyên đề nghiên cứu về các nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật... của di tích.

TP Hội An cho rằng đã khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu rất kỹ trước khi thực hiện trùng tu di tích Chùa Cầu
TP Hội An cho rằng đã khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu rất kỹ trước khi thực hiện trùng tu Chùa Cầu

Hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng di tích bằng các hình thức: quay phim, chụp ảnh, rập giấy dó (văn bia, liễn đối, đồ án trang trí kiến trúc), vẽ ghi (hiện trạng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng...), số hóa di tích bằng công nghệ 3D... được thực hiện kỹ càng tạo cơ sở dữ liệu khoa học để đưa ra các giải pháp, hình thức tu bổ phù hợp.

Đồng thời, tuyên truyền trên website Hoianheritage.net, chuyên mục phát thanh Bảo tồn Di sản, facebook Di sản Hội An cũng như kết nối với báo đài truyền thông để giới thiệu, thông tin về dự án. Thực hiện biên soạn, xuất bản tập Thông tin nghiên cứu Bảo tồn Di sản chuyên đề di tích Chùa Cầu (song ngữ Việt - Anh), làm phim giới thiệu về giá trị di tích Chùa Cầu và định hướng dự án tu bổ... xin ý kiến và thông tin đến các cơ quan quản lý chuyên môn về di sản văn hóa trong nước và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Thành phố khẳng định đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An được đào tạo bài bản, có nhiều năm kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực bảo tồn, thường xuyên được trau dồi chuyên môn và làm việc trực tiếp với các chuyên gia trùng tu trong nước và quốc tế.

Đơn vị đã thực hiện quản lý và tu bổ nhiều dự án đạt chất lượng khoa học và được đánh giá cao, như dự án tu bổ di tích cổng chùa Bà Mụ, di tích nhà cổ Quân Thắng, di tích đình Ông Voi (đình Hội An), di tích chùa Bà (Minh Hương Phật tự)... cùng rất nhiều di tích trong khu phố cổ.

"Đây là nền tảng cơ bản để giúp cho trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích Chùa Cầu đều chú trọng thực hiện theo các quy trình tu bổ hết sức bài bản, khoa học" - ông Sơn cho hay.

Theo lãnh đạo TP Hội An, trong suốt quá trình triển khai tu bổ di tích Chùa Cầu, UBND tỉnh Quảng Nam, các sở ban ngành thuộc UBND tỉnh Quảng Nam, thường trực Thành ủy, UBND thành phố và sự phối hợp của các cơ quan đơn vị thuộc TP Hội An đã chỉ đạo sâu sát, thường xuyên.

Ngoài ra, chuyên gia Việt Nam còn tham vấn chuyên gia Nhật Bản đến từ các tổ chức JICA, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản. Dự án cũng nhận được kinh phí tài trợ từ Quỹ Sumimoto của Nhật Bản (từ nguồn ngân sách 2020 dành cho các dự án về bảo vệ, bảo tồn và trùng tu tài sản văn hóa ngoài Nhật Bản). Nguồn quỹ này phục vụ cho công tác khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di tích và một số hoạt động khác liên quan đến quá trình tu bổ, tạo dữ liệu khoa học.

“Hồ sơ về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản với tên gọi “Tu bổ di tích Chùa Cầu” và sẽ phát hành trong dịp khánh thành ngày 3/8/2024 với hy vọng đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách gần xa, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích này. Đây cũng là cơ sở dữ liệu lưu trữ quan trọng để quản lý bảo tồn, phát huy” - ông Sơn thông tin.

Một số hình ảnh Chùa Cầu trước khi trùng tu:

Đường vào Chùa Cầu phía đường Trần Phú
Cổng vào Chùa Cầu phía đường Trần Phú
Người phụ nữ bán hàng rong ngồi gần Chùa Cầu sau đợt dịch COVID-19
Người phụ nữ bán hàng rong ngồi gần Chùa Cầu sau đợt dịch COVID-19
Một đôi bạn trẻ chụp hình lưu niệm bên Chùa Cầu năm 2022
Một đôi bạn trẻ chụp hình lưu niệm bên Chùa Cầu năm 2022
Các chi tiết Chùa Cầu trước trùng tu
Các chi tiết Chùa Cầu trước trùng tu

Một số hình ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu:

Chùa Cầu sau khi trùng tu nhìn từ trên cao
Chùa Cầu sau khi trùng tu nhìn từ trên cao
Mặt trước Chùa Cầu. Hiện có nhiều luồng ý kiến cho rằng việc trùng tu làm mới hoàn toàn các chi tiết của Chùa Cầu là không phù hợp và làm mất đi vẻ cổ kính của di tích đặc biệt này.
Mặt trước Chùa Cầu
Mặt sau Chùa Cầu sau trùng tu
Mặt sau Chùa Cầu sau trùng tu
Bên trong Chùa Cầu sau trùng tu
Bên trong Chùa Cầu sau trùng tu
Cổng vào Chùa Cầu
Cổng vào Chùa Cầu

Các chi tiết trên mái ngói
Các chi tiết trên mái ngói

Hiện các đơn vị liên quan đang hoàn thiện các công việc để chuẩn bị cho lễ khánh thành dự án trùng tu Chùa Cầu vào ngày 3/8 tới đây

Hiện các đơn vị liên quan đang hoàn thiện các công việc để chuẩn bị cho lễ khánh thành dự án trùng tu Chùa Cầu vào ngày 3/8 tới đây

Chùa Cầu được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, là biểu tượng của Hội An. Sau gần 400 năm tồn tại, chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người, đến nay, di tích đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ngày 28/12/2022, TP Hội An khởi công dự án tu bổ di tích Chùa Cầu với tổng kinh phí 20 tỉ đồng, tiến độ thực hiện dự kiến 360 ngày với phương pháp hạ giải hoàn toàn.

Theo tư liệu, Chùa Cầu đã được tu bổ 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI