Hơi ấm tình yêu đẩy lùi bạo lực

02/06/2016 - 06:09

PNO - Bạo lực không bao giờ là giải pháp, nó là bánh xe cán nát cuộc sống an lành của con người, phá sập bao mái nhà hạnh phúc.

Người đàn ông ở Q.Gò Vấp, TP. HCM chém chết con rể rồi chở xác đến công an đầu thú. Cảnh tượng gây rúng động lòng người: kẻ căm phẫn, nguyền rủa; người thương xót, đồng cảm, thậm chí có ý kiến trên mạng cho đó là “người cha vĩ đại” vì đã trừ khử hung thần bao năm xuống tay tàn độc với con gái mình.

Bạo lực không bao giờ là giải pháp, nó là bánh xe cán nát cuộc sống an lành của con người, phá sập bao mái nhà hạnh phúc.

Chuyện riêng - nỗi đau chung

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Duy Tâm (BV Tâm thần TP.HCM) cho rằng, người gây bạo lực là người có tâm lý yếu đuối. Khi gặp vấn đề không xử lý được, hay khi người khác làm trái ý mình, họ mượn vũ lực để giải quyết. Họ cũng thiếu bản lĩnh để kiểm soát lời nói, hành động. Họ cho rằng mình là người có quyền quyết định mọi vấn đề nên khi “quyền” đó không đượ c thành viên trong gia đình tuân thủ, đã dùng đến nắm đấm để duy trì. Kể cả sau khi sự việc xảy ra họ ăn năn hối lỗi, nhưng gặp chuyện, vẫn “chứng nào tật nấy”.

Nhiều người đàn ông đánh vợ trong cơn giận dữ, cuồng loạn, không lường được hậu quả, như vụ án Trương Văn Phúc (H.Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Sau khi phang vợ bằng cành củi để ngăn vợ chở con đi chơi, Phúc thản nhiên vào phòng nằm nghỉ. Thậm chí, khi mẹ Phúc hô hoán, Phúc còn nói vọng ra rằng vợ chỉ giả bộ, nằm vạ. Vợ Phúc đã giã từ cuộc đời vì chấn thương sọ não. Một lúc lý trí đi lạc, Phúc đã xóa tan tương lai gia đình và cuộc đời mình với án tù chung thân. Thương nhất đứa con bỗng dưng côi cút.

Hoi am tinh yeu day lui bao luc
Khi môi trường gia đình nhiễm độc thì bất cứ ai cũng bị ảnh hưởng nặng nề

Nhận thức sai về bình đẳng giới dẫn đến sự cam chịu, thỏa hiệp với thói vũ phu. Người gây bạo lực thì không biết mình sai, không đủ lý trí và sức mạnh để tự thay đổi; nạn nhân thì thụ động, lúng túng, bế tắc trong giải quyết mâu thuẫn; hàng xóm, chính quyền địa phương lại vô cảm, thờ ơ, bỏ mặc. Họ cho rằ ng vợ chồng đánh nhau là bình thường, chuyện riêng, chuyện nhà người, thậm chí có cảnh sát khu vực còn lạnh lùng hỏi “đã đổ máu chưa?”, “ở không được thì thôi cho xong” khi người dân gõ cửa trình báo. Lối thoát nào cho họ? Bạo lực sinh sôi trong “nền văn hóa chuyện riêng nhà người” như thế. Và khi môi trường sống nhiễm độc thì bất cứ ai cũng bị ảnh hưởng.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thủy (Trưởng bộ môn Xã hội học, khoa Khoa học xã hội & nhân văn, Trường đại học Văn Hiến), bạo lực gia đình gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần cho người bị bạo hành và các thành viên khác trong gia đình. Những hậu quả này chất thêm gánh nặng cho hệ thống y tế, giáo dục, kinh tế… Khi có hành vi bạo lực xảy ra, các cơ quan pháp luật phải vào cuộc điều tra, xét xử, tốn nhiều công sức, thời gian, nhân lực.

Ngoài ra, việc giáo dục, giam giữ các đối tượng gây ra bạo hành gia đình cũng là gánh nặng cho xã hội. Bạo hành không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự con người mà còn vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, tiếp tay cho sự gia tăng tình trạng mại dâm, ma túy, người lang thang, nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ… Trẻ em bị bạo hành hoặc thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành thường bị rối loạn tâm lý, sa sút trong học tập. Một số trường hợp trẻ có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật.

“Như một cỗ xe mất thắng, khi không vấp phải tiếng nói phản bác, lên án hoặc hành động ngăn chặn, hành vi bạo lực sẽ ngày càng được củng cố, gia tăng và lan ra” - bác sĩ Trần Duy Tâm nhận định. Chỉ vì những mâu thuẫn vụn vặt như con lấy cắp tiền, vợ mặc váy ngắn, chồng gọi điện thoại số lạ... mà gây ra những hành động dã man. Đó là sự méo mó về nhân cách. Hậu quả có khi tước đi sinh mạng của vợ chồng mình và người thân. Hoặc dần dà, quá ngưỡng chịu đựng, ức chế, bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần, nạn nhân có thể trầm cảm, tự tìm đến cái chết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI