Hóc xương cá được chẩn đoán viêm họng, bé trai suýt tử vong

11/01/2022 - 11:37

PNO - Nhiều lần mẹ của bé ôm con vào bệnh viện, bác sĩ đều chẩn đoán viêm họng và cho về nhà theo dõi, đến khi bé mệt lả.

Sáng 11/1, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết đã cứu sống bé trai bị áp xe thành sau họng, thực quản, nhiễm trùng huyết do hóc xương cá.

Theo đó, bé H.M.H. (3 tuổi, ở Đồng Tháp) được bệnh viện tỉnh chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM trong tình trạng sốt cao, sưng đau cổ, quấy khóc, không nuốt được, chảy nước bọt nhiều, thành sau cổ phù nề, sưng đỏ, không ăn uống được.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ truyền kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thực hiện các xét nghiệm cho bé H.. Kết quả siêu âm cổ, bác sĩ phát hiện vùng cổ bé H. có tụ mủ, dịch mủ lan ra thành sau họng, chẩn đoán hình ảnh nhận thấy dị vật bên trái cổ ngang đốt sống C4-C5. Dị vật đâm vào trong ống động mạch đốt sống. Ngay lập tức ê-kíp trực bật báo động đỏ toàn viện cấp cứu bé H.

Đến hiện tại, chị Linh vẫn còn sợ hãi trước tình trạng của con mình
Đến hiện tại, chị Linh vẫn còn sợ hãi trước tình trạng của con mình

Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết cách nhập viện 6 ngày, trong lúc ăn cơm với cá kho, bé H. bị sặc, than đau và chảy nước bọt, trong nước bọt có dịch máu, nên nghi ngờ bé bị hóc xương cá.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Tuấn Như – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Do ổ áp xe quá lớn, có thể vỡ bất kỳ lúc nào, nếu vỡ, dịch mủ tràn qua đường thở, phổi sẽ rất nguy hiểm. Thêm phần mảnh xương cá đâm vào ống động mạch đốt sống, bé H. đang quấy khóc dị vật có thể đâm thủng động mạch gây chảy máu khó cầm, nguy cơ tử vong rất cao”.

Theo bác sĩ Như, bé H. được gây mê để tránh các tác động và tổn thương từ dị vật. Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định sẽ mổ nội soi để giải áp dịch mủ, tìm xương cá cứu bé. Tiến hành nội soi thám sát, phát hiện tổ áp xe tụ tại thành sau cổ với vách quá mỏng, gần động mạch, nếu không xử lý khéo léo, máu sẽ chảy xối xả không kịp trở tay. 

Cuộc mổ càng căng thẳng hơn khi bắt buộc bác sĩ phải mở nội khí quản tránh trường hợp ổ mủ vỡ, chèn đường thở, vừa phải hút dịch mủ vừa tìm ra mảnh xương thật nhanh tránh xảy ra nguy cơ thứ 2 là xương đâm xuyên động mạch ở đốt sống gây tử vong cho bé.

May mắn, ê-kíp phẫu thuật đã thành công lấy ra ngoài mảnh xương cá dài 2cm, xử lý dịch mủ và vệ sinh vết thương cho bé H.

Hiện tại, bé H. đang được theo dõi chặt phòng ngừa nhiễm khuẩn, tụ mủ, cũng như nuôi ăn bằng ống trong thời gian chờ vết thương lành hẳn. Ít nguy cơ để lại di chứng sau khi lành bệnh.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (30 tuổi, mẹ bé H.) cho biết, trước đó bé H. ăn cơm với cá sát kho. Khi bé H. than đau cổ và ho sặc sụa chị đã nghĩ ngay đến tình huống bé bị mắc xương cá nên ôm con đến bệnh viện để gắp xương.

Mảnh xương cá quái ác được các bác sĩ lấy ra cho bé H., ảnh BVCC
Mảnh xương cá quái ác được các bác sĩ lấy ra cho bé H., ảnh BVCC

“Sau khi kiểm tra, bác sĩ nói mảnh xương đã xuống dạ dày, bé chỉ bị đau họng do tổn thương nên cho về nhà. 2 ngày sau H. than đau cổ, ăn kém nên tôi đưa con vào bệnh viện tiếp. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm họng cho thuốc uống. Rồi bé không ăn uống được gì, bác sĩ tiếp tục cho về theo dõi do bệnh viện có nhiều F0. Đến khi con mệt lả, khó thở, sưng họng, bệnh viện chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1, tôi mới biết con tôi bị mắc xương nặng như vậy”, chị Linh nói.

Theo chị Linh, chị chỉ ẵm con đi bệnh viện khám chứ không hề tự ý móc xương cá hay thực hiện bất kỳ biện pháp dân gian nào với con.

Bác sĩ CK1 Dương Minh Toàn – khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin, trước bé H. 1 tháng, cũng có trường hợp bệnh nhi hóc xương cá ở vị trí nguy hiểm, bệnh viện phải thực hiện phẫu thuật 3 lần mới có thể tìm được mảnh xương cho bé.

“Khi vị trí xương cá đâm vào bị nhiễm trùng, mưng mủ thì các mô ở đây sẽ lỏng lẻo. Chẩn đoán hình ảnh trước khi phẫu thuật xác định vị trí để mổ nhưng khi mở ra thì xương “chạy” đi chỗ khác, bắt buộc phải mổ đến lần 3 mới tìm thấy xương. 

Vì vậy, khi các bé bị hóc xương, gia đình không nên tự ý tìm cách móc dị vật này ra ngoài, bởi có thể vô tình đẩy sâu mảnh xương vào trong. Cũng không thực hiện các phương pháp dân gian như nuốt cơm nguội, vuốt cổ,… sẽ làm chậm trễ điều trị, gây nhiều hậu quả đáng tiếc”.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI