PNO - PN - Ngày 20/10, tập hai của bộ truyện tranh Học viện bóng đá (ý tưởng: Long Huỳnh, tác giả kịch bản: Bá Diệp, họa sĩ: Bách Lê, NXB Trẻ ấn hành) chính thức có mặt tại các sạp báo và nhà sách.
edf40wrjww2tblPage:Content
Suốt gần hai tuần kể từ ngày ra mắt, tập một đã liên tục nhận được phản hồi của độc giả yêu truyện tranh lẫn những ai quan tâm đến đội tuyển U19 Việt Nam. 50 bản sách có chữ ký của các tuyển thủ đã được “bán hết trong vòng ba nốt nhạc” ngay ngày khai mạc hội sách tại sân NXB Trẻ.
Kể từ sau bộ Thần đồng Đất Việt của công ty Phan Thị đình đám gần một thập kỷ, đến nay truyện tranh Việt mới lại có được tác phẩm gây sốt toàn quốc như Học viện bóng đá. Chưa chính thức ra mắt, bộ truyện về những tuyển thủ U19 này đã được quan tâm đặc biệt trên khắp các diễn đàn truyện tranh. Tập một vừa in 3.000 bản, NXB Trẻ đã phải cho in nối bản 2.000 bản theo yêu cầu của các đơn vị phát hành. Hàng trăm phản hồi của fan truyện tranh gửi tới tấp về trang fanpage Học viện bóng đá. Có khen có chê, có bình luận hào hứng, có góp ý nghiêm túc, nhưng tâm trạng chung đều mong chờ những tập tiếp theo. Thành công của Học viện bóng đá đã vượt xa kỳ vọng của nhóm thực hiện.
“Chúng tôi có ý tưởng thực hiện bộ truyện tranh này cách đây một năm, khi đội tuyển U19 vừa xuất hiện trên sân cỏ với lối đá đẹp mắt, điêu luyện khiến công chúng ngỡ ngàng. Khi đó cuộc đời của mỗi cầu thủ đằng sau trái bóng vẫn chưa được biết đến nhiều như bây giờ. Nhưng vì nhiều lý do khách quan mà đến thời điểm này bộ truyện mới được ra mắt khiến chúng tôi bị nhìn nhận là “ăn theo hưởng lợi”. Nghe cũng chạnh lòng” - trưởng nhóm Long Huỳnh, người đưa ra ý tưởng thực hiện bộ truyện tranh Học viện bóng đá bày tỏ.
Thực tế ít người biết, khi quyết định đầu tư cho bộ truyện tranh này, NXB Trẻ đã xác định là… lỗ vốn. Chi phí sản xuất một cuốn sách là 43.000đ, nhưng giá bán chỉ 18.000đ. Ròng rã gần cả năm kể từ ngày lên ý tưởng, đơn vị “mướt mồ hôi” tìm họa sĩ, tác giả sáng tác. Phải là những người thật sự yêu truyện tranh và yêu bóng đá mới có thể thổi hồn cho câu chuyện sống động nhất. Cuối cùng là sự kết hợp “ba miền” Bắc-Trung-Nam (trưởng nhóm Long Huỳnh ở TP.HCM; Bá Diệp ở Nha Trang và Bách Lê ở Hà Nội). Mong muốn của NXB Trẻ khi thực hiện bộ truyện này là có thể thúc đẩy nền truyện tranh nước nhà và đóng góp vào thị trường sách một tác phẩm có giá trị.
Lấy cảm hứng từ U19, các nhân vật của Học viện bóng đá được hư cấu với những tính cách và đường đi câu chuyện rất riêng. Fan bóng đá có thể thấy bóng dáng của “bộ tứ huyền ảo”: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều qua các nhân vật: Công Phong, Tuấn Thanh, Xuân Trung, Đông Trần. Fan truyện tranh còn có thể hài lòng hơn thế khi nhóm sáng tác đã có cách thể hiện sáng tạo hấp dẫn.
Hài hước nhưng không kém xúc động với những chi tiết đời thường trong cuộc sống của các tuyển thủ khi còn nhỏ; gần gũi và nhân văn; nhẹ nhàng nhưng đủ sức hút là những điều độc giả có thể cảm nhận được ở tập đầu tiên. Nếu tập một nói nhiều về Công Phong (Công Phượng) thì tập hai sẽ dành đất cho Tuấn Thanh (Tuấn Anh). Hai gương mặt cầu thủ mới cũng sẽ xuất hiện: Đông Trần, Xuân Trung. Đặc biệt nhân vật Délia - con gái huấn luyện viên Guillaume Graechen cũng được hư cấu để làm mềm câu chuyện và là nhân vật mang đến những tình huống dở khóc dở cười cho các tuyển thủ.
Tập một nói về ước mơ và quá trình thi tuyển của những gương mặt nhí đam mê sân cỏ, tập hai sẽ “vén bức màn bí mật” về đời sống "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" của các cầu thủ nhí trong Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.
“Nhiều độc giả nhận xét tập một bị nghiêng về văn học quá, chúng tôi đã rút kinh nghiệm thể hiện cả phần thoại lẫn minh họa với tiết tấu nhanh gọn hơn. Dự định ban đầu bộ truyện sẽ có 19 tập, nhưng chúng tôi sẽ hoàn thành đợt một với 10 tập thử nghiệm, sau đó sẽ tiếp tục phần hai” - trưởng nhóm Long Huỳnh cho biết. Anh cũng tiết lộ thêm, sẽ tiếp tục thực hiện bộ truyện tranh cho lứa tuổi nhi đồng.
“Đối tượng của truyện tranh rất đông đảo, tính sơ thôi đã có trên 15 triệu độc giả tiềm năng, nếu đảm bảo được chất lượng và phát huy thế mạnh phát hành khắp cả nước, tôi cho rằng thị phần của truyện tranh không hề nhỏ”. Khởi đầu lạc quan của Học viện bóng đá đã mở ra một giấc mơ mới cho truyện tranh Việt ở thời điểm này.
TIỂU QUYÊN
Lan tỏa từ nhiệt huyết trẻ
Trước khi bắt tay cùng thực hiện bộ truyện tranh Học viện bóng đá, bộ ba Long Huỳnh - Bá Diệp - Bách Lê chưa ai biết ai. Họ chỉ có chung niềm đam mê bóng đá và những sở trường phù hợp với truyện tranh. Cả ba đã có chuyến thực tế tại Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, tìm hiểu quá trình học tập, đời sống sinh hoạt và góp nhặt những câu chuyện cuộc đời của các tuyển thủ U19 qua báo chí. Trên nền thông tin đa chiều đó, cả nhóm đã cùng tạo nên câu chuyện sống động cho Học viện bóng đá, kết hợp giữa cuộc sống thật và hư cấu, chuyển tải vừa vặn cuộc đời, duyên may cũng như sự lựa chọn của từng thành viên khi đến với học viện bóng đá Arsenal JMG cho đến khi tỏa sáng…
“Để có được một tập truyện hoàn chỉnh, chúng tôi khá vất vả ở khâu thảo luận, nhiều khi kịch bản chưa đúng ý Bá Diệp phải viết lại, xong rồi mail cho Bách Lê vẽ. Tình trạng ban đầu gần như thoại đi đằng thoại hình đi đằng hình, nhóm luôn phải thảo luận kết nối thường xuyên, chấp nhận sửa tới sửa lui để có được kết quả tốt nhất” - nhóm trưởng Long Huỳnh chia sẻ. Tập đầu tiên hoàn thành, đọc những chi tiết xúc động về tuổi thơ của Công Phong cùng những nét vẽ trau chuốt của Bách Lê, Long Huỳnh bảo anh đã bật khóc, khóc vì xúc động lẫn mừng vui trước thành quả chung của cả nhóm. Những bản truyện đầu tiên đã được chuyển tặng đến các tuyển thủ . “Hiện tại nhóm đã hoàn thành đến tập bốn, cường độ làm việc cũng vô cùng áp lực, cả về thời gian lẫn dư luận, kỳ vọng của bạn đọc. Chúng tôi từ tự tin chuyển sang… lo lắng vì không được phép làm dở, tập sau càng phải hay hơn tập trước. Thật sự là cả một thử thách” - Long Huỳnh bộc bạch.
Học viện bóng đá đang nhận được ý kiến nhiều chiều, nhưng cho dù thế nào thì đó cũng là thành công của truyện tranh Việt. Bộ truyện đầu tiên về đề tài bóng đá này cũng có ý nghĩa để đời cho các tuyển thủ U19 Việt Nam.