Phòng, chống dịch thì không thể lơ là một phút giây!
Từ ngày 26/5 đến 2/6, TPHCM đã lấy mẫu xét nghiệm truy vết SARS-CoV-2 trên 299.157 người liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Tính đến cuối ngày 2/6, bên cạnh việc phát hiện 266 trường hợp nhiễm mới, 108.266 mẫu có kết quả âm tính thì vẫn còn trên 186.00 mẫu đang chờ kết quả… Để có những con số nói trên thì rất nhiều y, bác sĩ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và nhân viên khoa vi sinh ở các bệnh viện đang phải khẩn trương làm việc ngày đêm.
Đây không phải là lần đầu tiên, mà từ rất lâu, mỗi khi thành phố xảy ra dịch bệnh thì các y, bác sĩ ở HCDC lại cùng với ngành y tế thành phố làm việc với một tinh thần hết sức trách nhiệm, khẩn trương, thậm chí căng thẳng. Trong những ngày giáp tết Nguyên đán vừa qua, khi con hẻm 245 Nguyễn Trãi, P. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TPHCM bị phong tỏa, hơn 2.000 người dân ở khu Mả Lạng rối bời, hoang mang, lo lắng, cuộc sống bị xáo trộn, các y, bác sĩ của HCDC đã trở thành những chiến sĩ chống dịch tại nơi này.
|
Các y, bác sĩ HCDC ngày đêm tất bật cùng thành phố trong công tác phòng, chống COVID-19 |
Bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc HCDC, động viên anh em: phòng, chống dịch thì không thể lơ là dù một phút giây! HCDC có vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch của thành phố nên tinh thần ấy phải luôn thường trực nơi các y, bác sĩ của đơn vị. Từ góc độ chuyên môn, HCDC đã tham mưu Sở Y tế ban hành các văn bản triển khai các chỉ thị, thông tư, quyết định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế… để công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi triển khai được phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa bàn.
Để phòng, chống dịch được hiệu quả, HCDC đã thành lập 2 đội cơ động, 4 nhóm công tác, 6 đội giám sát nhằm đáp ứng các công tác chuyên môn, truyền thông, thông tin, cung ứng hậu cần và kiểm tra giám sát, hỗ trợ cho các tuyến. Cùng với đó, đơn vị còn tổ chức tập huấn chuyên môn cho lãnh đạo các trung tâm y tế và phòng y tế để xây dựng, tổ chức các đội cơ động của thành phố và quận, huyện. Chính nhờ mô hình điều tra, xử lý ca bệnh theo chuỗi, HCDC đã góp phần hiệu quả trong việc truy vết, cách ly ca tiếp xúc, ngăn chặn không để bùng phát các ổ dịch lớn trong cộng đồng. Từ những nỗ lực này, HCDC đã vinh dự được trao giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam lần I về kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 tại TPHCM năm 2020, Huân chương Lao động hạng Ba và là một trong những tập thể vinh dự được tuyên dương là tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM năm 2021.
Hiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên dẫu được rất nhiều thành tích về công tác phòng, chống dịch, thế nhưng những y bác sĩ ở HCDC vẫn ngày đêm miệt mài nơi phòng nghiên cứu, tỉ mẩn với từng mẫu dịch tễ. Tập thể HCDC luôn tâm niệm rằng, thi đua yêu nước, học tập và làm theo Bác Hồ ở HCDC đồng nghĩa thi đua hoàn thành nhiệm vụ, thi đua nghiên cứu và sáng tạo, là hành trình tri thức chưa bao giờ ngưng nghỉ.
Linh hoạt với hoàn cảnh để làm việc tốt
Tháng 4/2020, khi cả thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội lần đầu tiên, cũng là lúc trang “Bách hóa online” của Hội LHPN P.13, Q.6, TPHCM hoạt động sôi nổi. Trang Facebook của Hội Phụ nữ phường trước đây chủ yếu giới thiệu các hoạt động, phong trào thi đua của Hội cùng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thì từ nay có thêm tính năng giới thiệu sản phẩm - mua bán - kinh doanh với mục đích giúp những chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được kết nối với người tiêu dùng.
Hoạt động vừa giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phụ nữ khởi nghiệp - khởi sự kinh doanh trên địa bàn phường không bị gián đoạn việc sản xuất, kinh doanh, vừa giúp cán bộ, hội viên dù ở nhà vẫn mua được các sản phẩm, thực phẩm an toàn, chi phí phải chăng. Người bán chỉ cần rao hàng trên trang Facebook với hình ảnh và giá cả đầy đủ, còn người mua chỉ cần bình luận dưới sản phẩm cần mua sẽ có người tư vấn và mang sản phẩm tới tận nhà.
Với cách làm này, cùng với các hội thi được tổ chức trên mạng, Hội LHPN P.13, Q.6 đã kết nối được chị em hội viên phụ nữ trong mùa dịch bệnh để cùng nhau thảo luận tìm cách tăng nguồn kinh phí cho hoạt động Hội, vận động Mạnh Thường Quân tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, trợ giúp người khó khăn. Nhờ đó, hoạt động Hội vẫn tiếp tục được duy trì. Nhiều chị em cảm thấy thích thú khi được làm quen với công nghệ, từ đó xóa đi quan niệm sinh hoạt Hội là phải họp hành.
Không chỉ ở P.13 mà khắp nơi trên địa bàn Q.6, chị em đã cùng nhau làm tấm chắn giọt bắn, may khẩu trang, đan tai giả, vận động tiền quà để trao cho những hoàn cảnh khó khăn. Hội LHPN P.9 tổ chức “đi chợ giúp” bà con và giới thiệu đến bà con nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng. Quận hội cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội đồng Đội của quận tổ chức hội thi “Em vui rèn luyện” thu hút từ 3.000-5.000 lượt trẻ em tham gia mỗi tuần trong thời gian xã hội thực hiện giãn cách.
Bà Lương Thanh Trúc, Chủ tịch Hội LHPN Q.6, cho biết: “Trong học tập và làm theo Bác, chúng tôi luôn chú ý phát huy tối đa tính sáng tạo của cán bộ hội viên và đặc biệt động viên tinh thần đoàn kết của các tập thể. Do tình hình dịch bệnh, nhiều hoạt động và phong trào của Hội đã phải tạm ngưng hoặc phải thay đổi hình thức tổ chức. Cũng có nhiều cơ sở Hội còn lúng túng khi dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch hoạt động. Nhưng nhờ chủ động, linh hoạt trong cách làm, đặc biệt là mạnh dạn thay đổi nội dung và phương thức hoạt động nên chúng tôi đã làm được, làm tốt và hoàn thành nhiệm vụ”.
Và năm 2020, một lần nữa - lần thứ ba, tập thể Hội LHPN Q.6 đạt danh hiệu ngọn cờ đầu trong hoạt động Hội và phong trào phụ nữ.
Lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng
|
Bà Nguyễn Thị Xu lần đầu tiên được hỗ trợ sửa chữa điện tại nhà |
Một ngày giữa tháng Năm, căn nhà nhỏ vốn neo người của bà Nguyễn Thị Xu (ở đường số 6, khu phố 4, P.Tam Phú, TP.Thủ Đức, TPHCM) trở nên rộn ràng. Các công nhân trẻ của ngành điện đến mắc nối lại dây điện, bóng đèn, thay tôn, chống dột… cho bà Xu.
Chỉ trong một buổi sáng, căn nhà tình thương vốn xập xệ, xuống cấp của người phụ nữ neo đơn đã sạch sẽ, khang trang trở lại. Đặc biệt, hệ thống điện từ dây đến bóng đèn được thay mới hoàn toàn, sáng trưng. Nhận căn nhà, bà Xu xúc động: “Mấy nay thành phố bắt đầu vào mùa mưa, đêm tôi không ngủ được vì lo. Mái nhà thì dột, dây điện đã cũ, kéo mắc lung tung, tôi sợ chạm chập điện thì chết. Từ nay thì tôi yên tâm ngủ ngon rồi”.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Xu chỉ là một trong hơn 6.600 căn nhà thuộc công trình “Nguồn sáng an toàn, văn minh, tiết kiệm vì an sinh xã hội” mà Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực TPHCM triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay. Đây cũng là chặng đường mà tuổi trẻ ngành điện kiên trì triển khai việc học tập và làm theo lời Bác. Các đoàn viên thanh niên trong ngành đã đăng ký học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể hằng ngày, xác định là hành trình không ngưng nghỉ.
Ông Phạm Quốc Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực thành phố - cho biết, các bạn đoàn viên thanh niên luôn đảm nhận thực hiện các khâu, phần việc khó trong lao động sản xuất. Nhiều bạn là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học, tác giả các sáng kiến, ý tưởng cải cách thủ tục có giá trị. Ngay trong những ngày này, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chính các bạn đoàn viên thanh niên đang nỗ lực vận động từng khách hàng cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng của ngành điện, hướng dẫn người dân sử dụng tối đa các dịch vụ trực tuyến thay cho tiếp xúc trực tiếp, để phòng, chống dịch hiệu quả. Ông khẳng định: “Chúng tôi luôn tự hào và tin tưởng vào lớp trẻ của tổng công ty”.
Nghi Anh
|
Hạnh Chi - Hiếu Nguyễn