“Buồn ghê luôn. Sau biết bao khó khăn mới đưa được bé L., 9 tuổi, đến trường. Nhớ những ngày đầu tiên đi học, đọc được tên mình, con bé mừng khoe khắp nơi. Vậy mà mới học được vài tháng, mẹ của bé (một đối tượng nghiện ma túy) lại viện đủ lý do để không cho bé đi học nữa. Cũng vì lý do không có tiền mà cậu bé Thạch M., con của một tội phạm, cũng bỏ học mấy ngày rồi…” - chị Tô Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.Cầu Ông Lãnh (Q.1, TP.HCM) - kể lại câu chuyện mà đứng ngồi không yên.
Lắng nghe, chia sẻ và trách nhiệm
Dù buồn nhưng chị Linh và các chị hội viên chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Bởi hơn ai hết, các chị thấu hiểu từng hoàn cảnh mà mình đang giúp đỡ. 23 đứa trẻ là 23 cảnh đời bi thương, không đứa nào có giấy khai sinh. Cách đây mới vài tuần, chị Huỳnh Thị Hiếu - chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 2, P.Cầu Ông Lãnh - đã tất tả ngược xuôi để hoàn tất thủ tục khai sinh cho con của một phụ nữ vướng vào ma túy. Nhờ chị Hiếu làm nhịp cầu, một nhà hảo tâm đã chi trả toàn bộ viện phí giúp đứa bé làm chứng sinh và khai sinh thuận lợi.
|
Chị Tô Thị Mỹ Linh trao tặng xe đạp cho các học sinh hiếu học của P.Cầu Ông Lãnh, Q.1. |
Suốt ba năm qua, từ khi thực hiện mô hình “Lắng nghe, chia sẻ và trách nhiệm”, các cán bộ, hội viên của P.Cầu Ông Lãnh đã cùng nhau rà soát và nắm bắt từng hoàn cảnh phụ nữ, trẻ em, người già khó khăn, neo đơn, bệnh tật… trên địa bàn. Sau khi nắm bắt rõ từng hoàn cảnh, các chị phân công nhau tìm cách giúp đỡ. Kết quả là nhiều đứa trẻ đã được làm khai sinh, được vào học tại các lớp học tình thương. Nhiều học sinh hiếu học còn được trao xe đạp, tặng học bổng. Các phụ nữ lầm lỡ, phạm tội cũng được Hội tiếp cận, cảm hóa. Nhiều phụ nữ bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè được chuyển đổi ngành nghề để dần ổn định cuộc sống.
Tất bật với những phận đời bất hạnh và bị ví như những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng các cán bộ, hội viên P.Cầu Ông Lãnh vẫn thấy vui vì những thành quả đạt được. “Chúng tôi làm việc không vì thành tích, nên hầu như ở từng chi tổ hội không ai giấu mà ngược lại đã mạnh dạn điểm mặt chỉ tên để cùng nhau tháo gỡ. Nhờ tinh thần trách nhiệm đó mà Hội tạo được niềm tin từ hội viên và cộng đồng. Ai có việc khó gì cũng tìm đến Hội. Người muốn làm việc thiện, việc tốt cũng nhờ Hội làm nhịp cầu” - chị Mỹ Linh chia sẻ.
.
|
Các điều dưỡng bệnh viện huyện Nhà Bè chuẩn bị trao bữa ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân |
Một buổi sáng tháng 4/2019, hết ca trực đêm, chị Đặng Thị Ngọc Thắm - Điều dưỡng trưởng khoa Nhi Bệnh viện huyện Nhà Bè - vội vàng xuống sảnh và xắn tay áo để cùng làm từ thiện. Hơn 20 phút sau, chị Thắm cùng với các đồng nghiệp đã chuẩn bị xong mọi thứ và bắt đầu trao những suất ăn dinh dưỡng cho các bệnh nhân và thân nhân. Cùng lúc, chị Đặng Thị Tuyết - Điều dưỡng trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - cũng nhanh chân đưa 50 suất ăn lên khoa Thận nhân tạo và trao đến từng giường bệnh.
Chị Phạm Thị Hồng Loan - Chủ tịch Hội Phụ nữ bệnh viện, cho biết, bữa ăn dinh dưỡng được Hội Phụ nữ bệnh viện phối hợp cùng các tình nguyện viên, nhà hảo tâm thực hiện từ cuối năm 2016. Nhận thấy công việc này cũng gần với mục tiêu công việc của các điều dưỡng, y tá, cán bộ nhân viên bệnh viện nên chúng tôi đã bàn bạc thống nhất nâng chất, tổ chức lại cho khoa học hơn. Từ năm 2018 đến nay, bếp ăn được duy trì hằng tháng với 100 suất ăn/lần.
Mạnh lên nhờ "dân vận khéo"
Hơn hai năm qua, khoảng 14-17g thứ Năm và thứ Sáu tuần cuối tháng, một góc vỉa hè trước UBND P.10, Q.3 trở nên náo nhiệt với một sạp quần áo, vật dụng mang tên “Trao yêu thương: tặng vật dụng, quần áo - ai cần đến lấy” được phát không cho những người có nhu cầu. Mọi thứ quần áo và vật dụng tại sạp được gom góp từ các cư dân trên địa bàn phường. Đây là sáng kiến của Hội LHPN P.10 với “đầu tàu” là nữ chủ tịch Hội Nguyễn Tống Ý Nhi.
Nói về sạp quần áo - vật dụng, chị Ý Nhi hồ hởi: “Nhiều gia đình, cá nhân đơn vị có thói quen thay đổi quần áo, vật dụng sinh hoạt sau một thời gian sử dụng. Trong khi nhiều gia đình khó khăn không có điều kiện mua sắm. Hội đứng ra vận động lập sạp với phương châm “cũ người, mới ta”. Quần áo sau khi nhận sẽ được giặt sạch, ủi phẳng, phân loại. Chúng tôi phân công mỗi chi hội phụ nữ phụ trách việc nhận và trao một tháng”.
|
Mô hình “Trao yêu thương” cho và nhận vật dụng, quần áo cũ của Hội LHPN P.10, Q.3 |
Qua hơn hai năm thực hiện, Hội Phụ nữ P.10 đã vận động được 11.350kg quần áo, hỗ trợ cho 1.589 lượt người dân trong địa bàn phường, những người có hoàn cảnh khó khăn như bán vé số, mua ve chai, lái xe ba gác và gửi tặng cho Hội Phụ nữ H.Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), P.Vĩnh Lạc (TP.Rạch giá) và H.Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre)...
Đây chỉ là một trong rất nhiều sáng kiến trong việc học tập và làm theo Bác. Thực tế, trong hai năm qua, chị Nguyễn Tống Ý Nhi đã đưa ra nhiều mô hình, cách làm hay để đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động Hội gắn với những việc làm thiết thực, phù hợp điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ...
P.Phú Thuận (Q.7, TP.HCM) có đến 8.000 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Nhờ đa dạng các loại hình tập hợp nên tỷ lệ hội viên của phường chiếm đến 52% (4.200 chị). “Đây là con số không quá cao, nhưng so với tình hình chung, địa bàn gồm nhiều khu dân cư, khu nhà cao cấp, thì việc tập hợp, thu hút và giữ chân các chị tham gia các hoạt động không chút dễ dàng” - chị Huỳnh Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội LHPN Q.7 - nhìn nhận.
Để có thành quả đó, suốt ba năm qua, với vai trò “đầu tàu”, chị Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội LHPN P.Phú Thuận - đã nhiều phen chật vật tìm hướng đi. Cuối cùng, chị và Ban Thường vụ Hội Phụ nữ phường đã vạch phương châm táo bạo: chuyên tâm làm “dân vận”, lấy công sức, trí tuệ của các trí thức địa phương làm đòn bẩy cho hoạt động Hội. Để làm được điều này, chi hội các khu phố đã rà soát từng nhà để tìm các nữ trí thức, đảng viên, cán bộ về hưu và gõ cửa mời gọi tham gia cùng Hội.
Sau gần một năm vận động, hàng trăm nữ trí thức, trong đó có nhiều người từng giữ nhiều chức vụ cao như cô Lê Tú Cẩm, cô Nguyễn Kiệt Phượng cùng nhiều kỹ sư, luật sư, bác sĩ, giáo viên… về hưu đã trở thành “quân sư” của Hội Phụ nữ phường. Nhờ đó, phường đã tổ chức được nhiều sân chơi cho hội viên như hội thi hát ru dân ca hò vè, hội thi trang phục truyền thống cộng đồng, hội thi trang phục ba miền… Sau các hội thi, 3/4 chi hội khu phố của phường còn lập được đội văn nghệ, mỗi đội có hơn 10 thành viên sinh hoạt định kỳ hằng tuần, hằng tháng.
Cũng nhờ sáng kiến từ lực lượng “quân sư” này mà Hội LHPN phường vận động và thành lập mô hình tổ phụ nữ tự quản kênh rạch, bảo vệ môi trường; tổ phụ nữ vận động người buôn bán không lấn chiếm lòng lề đường, góp phần bảo vệ mỹ quan đô thị; nhóm phụ nữ từ thiện, chung tay hỗ trợ phương tiện làm ăn, trợ vốn, trao quà cho phụ nữ nghèo, tặng học bổng, xe đạp cho trẻ em hiếu học.
Tuyên dương 57 tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo Bác
Sau ba năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều tập thể, cơ sở Hội đã thật sự chuyển mình, đánh dấu bước trưởng thành, sau. Hội LHPN các cấp tại TP.HCM đã có 1.498 cá nhân điển hình và 792 tập thể được tuyên dương, trong đó có 114 tập thể và 133 cá nhân điển hình cấp thành phố.
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sáng hôm qua, 21/5, Ban Thường vụ Hội LHPN Thành phố và Đảng ủy cơ quan Thành Hội đã biểu dương 57 tập thể, cá nhân là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ Chí Minh được Thành ủy, Đảng ủy Khối và Hội LHPN Thành phố tuyên dương.
|
Hạnh Chi - Hoài An