Học trường 'tinh hoa', áp lực và căng thẳng

12/07/2017 - 12:10

PNO - Chính những áp lực duy trì thành tích, thấy mình yếu kém khi tồn tại trong những ngôi trường "tinh hoa" sẽ giết chết sự sáng tạo, đam mê và niềm vui học tập của một đứa trẻ.

Tôi từng là học sinh (HS)của trường Hà Nội Amsterdam. Thế nhưng khi lớn lên tôi mới nhận thấy rất ít phụ huynh (PH) thấy được cái lợi lớn của việc học trường bình thường, đó là HS giỏi ở trường bình thường sẽ tự tin hơn rất nhiều so với HS giỏi ở trường “tinh hoa”.

Trong xã hội học có một khái niệm rất nổi tiếng là “relative deprivation” (sự thiếu hụt có tính tương đối). Theo đó, một HS sẽ đánh giá mình giỏi hay không khi đối chiếu mình với những bạn học cùng lớp. Một HS học lớp chuyên sẽ đánh giá năng lực của mình với những bạn cùng học lớp chuyên, chứ không phải với những bạn cùng tuổi mình.

Hiện tượng này được nhà tâm lý học Herbert Marsh gọi là “hiệu ứng cá lớn trong ao nhỏ”. Có nghĩa là sự tự đánh giá của HS về chính mình có quan hệ tỷ lệ nghịch với sự nổi tiếng của trường. Những HS giỏi có thể (cảm thấy) rất bình thường tại một môi trường toàn những HS xuất sắc, và ngược lại, bạn sẽ thấy mình rất giỏi nếu bạn ở trong một môi trường “bình thường”.

Hoc truong 'tinh hoa', ap luc va cang thang
Dù áp lực, cha mẹ vẫn cố "đẩy" con vào trường tinh hoa bằng mọi cách

Việc “cảm thấy về mình” thế nào so với những người khác quyết định đáng kể đến động lực học tập, phấn đấu trong cuộc sống của con người. Bạn sẽ cảm thấy nản lòng và chán nếu mình luôn cảm thấy thấp kém so với bạn cùng trang lứa và có thể đứng cuối lớp ở môi trường mình học, trong khi đáng ra bạn đã trở thành HS đầu lớp tại một môi trường có những HS học vừa phải.

Lúc ấy động lực học ở bạn sẽ mất đi và nhường chỗ cho áp lực và căng thẳng. Nhiều khi chính những áp lực ấy sẽ giết chết sự sáng tạo, đam mê và niềm vui học tập của một đứa trẻ. Người ta ước tính rằng chỉ có khoảng 30% những HS đứng đầu khóa học sẽ thực sự thành công, số 30% cuối cùng thường sẽ cảm thấy mình yếu kém so với bạn cùng lớp và do đó có áp lực nặng nề lên chính mình.

Hồi còn học ở trường Ams, mặc dù đứng trong "top" của lớp, nhưng bản thân tôi cũng luôn cảm thấy áp lực phấn đấu và nỗi sợ thất bại. Khi mà kỳ vọng của rất nhiều người đặt lên vai mình, từ bạn bè, cha mẹ và chính mình, khi mà cuộc sống của đứa trẻ chỉ xoay quanh học mà không còn điều gì khác lớn hơn, điều này có thể làm sụp đổ một đứa trẻ.

Việc bằng mọi giá đẩy con mình vào một ngôi trường toàn những người xuất sắc với hy vọng và niềm tự hào lớn lao, nhiều PH đã vô tình biến con mình trở thành “tầm thường” hay thậm chí “ngu ngốc” và tước đoạt đi của trẻ ước mơ lớn. Đáng ra trẻ có thể trở thành kỹ sư/ nhà khoa học/ chính trị gia, thì lại trở thành một người tuyệt vọng, mất niềm tin vào chính mình.

Nếu lựa chọn, tôi sẽ cho con mình một môi trường vừa phải mà cháu có thể trở thành một HS đứng đầu lớp (một cách toàn diện), thay vì khuyến khích hay ép cháu vào một môi trường đầy áp lực và toàn những HS quá xuất sắc. Con tôi sẽ có một sự tự tin cần thiết để tạo động lực lớn trong học tập và cuộc sống sau này. 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI