Học trực tuyến không phải là phương án tạm thời

10/12/2021 - 08:29

PNO - Với việc xuất hiện của biến chủng mới Omicron, nhiều nơi trên thế giới đang “siết” nhiều hoạt động, trong đó có giáo dục trực tiếp. Về lâu dài, hình thức học trực tuyến (online) có thể sẽ không phải là giải pháp tạm thời nữa, mà có khả năng trở thành loại hình giáo dục phổ biến, kể cả khi hết dịch.

Đừng xem học online chỉ là giải pháp tình thế

Kể từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, trường học tại nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu chuyển sang dạy và học trực tuyến để phòng, chống dịch. Từ đó đến nay, hình thức học này được triển khai nhiều lần khi trường học tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch.

Học sinh học trực tuyến vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao
Học sinh học trực tuyến vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao

Nhưng thực tế là chúng ta vẫn triển khai dạy học online với tâm thế như một giải pháp tình thế, học tạm chờ ngày mở cửa trường. Mỗi đợt như thế, nhà quản lý lại trăn trở và khó khăn trong việc quyết định khi nào mở lại cửa trường học? Phụ huynh thì nơm nớp lựa chọn học trực tiếp hay trực tuyến sẽ an toàn và hiệu quả? Cả người dạy và người học đều có chung tâm lý có thể học trực tiếp thì trực tuyến sẽ kết thúc sứ mệnh; trong khi thế giới lại khác, họ xác định học trực tuyến là phương pháp học của tương lai, kể cả không cần “cái cớ” dịch bệnh.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng: Rất khó để chuyển học online trở thành chính thức bởi quan niệm học online là để chống dịch. Nền tảng giáo dục của chúng ta không phát triển dựa trên công nghệ mà phát triển theo hướng truyền thống, vì thế trẻ không được học để làm chủ công nghệ ngay từ đầu.

Chương trình giáo dục và các quy định giảng dạy liên quan cũng xây dựng theo lối truyền thống, việc dạy online hiện nay cũng chỉ là chắp vá lấy chương trình trực tiếp lên dạy trực tuyến mà thôi. Hiện nay, các thầy cô chỉ dạy nội dung trọng tâm, cốt lõi theo hướng dẫn để chờ ngày học trực tiếp củng cố kiến thức cho học sinh. 

Còn tiến sĩ Vũ Thế Dũng, sáng lập và điều hành Trường học trực tuyến Thinking School, cho biết: Học online có nhiều lợi ích. Như khi có một chương trình rất tốt, đội ngũ giáo viên tốt nhất cho ra những bài giảng, học liệu “xịn” nhất thì học sinh ở vùng sâu vùng xa đều có thể tiếp cận được, lúc đó có thể chuẩn hóa giáo dục từ Lào Cai đến Cà Mau cũng không có sự khác nhau.

Năm 2020 bắt đầu có dịch, ngành giáo dục triển khai việc dạy online là giải pháp tình thế, song tôi khuyên sở là nên biến đây thành cơ hội để phát triển chất lượng dạy và học trực tuyến kể cả khi hết dịch. Thực tế là hiện nay, chúng ta vẫn cứ lúng túng trong việc quyết định cho đi học lại như thế nào. Trong khi đó, có nhiều môn học dạy online vẫn hiệu quả thì tại sao không duy trì để giảm thời lượng lên lớp. Thời gian lên lớp chỉ để tương tác thực sự và dạy những môn học nhất thiết phải lên lớp như thể dục, năng khiếu…

“Theo tôi, phương án tốt nhất không phải là dạy 100% online rồi nghĩ tới dạy 100% offline như hiện nay mà nên kết hợp hai hình thức này để bổ trợ cho nhau phát triển chất lượng, học hiệu quả hơn” tiến sĩ Dũng nói. Bản thân việc ra đời của trường học trực tuyến Thinking School là một minh chứng rất rõ cho sự khuyết thiếu trong luật.

Để thành lập trường online, ông phải qua Thụy Sĩ để xin phép thành lập, để kiểm định trường và chương trình đào tạo, liên hệ Tổ chức Kiểm định quốc tế FIBAA. Hệ thống luật giáo dục hiện nay vẫn đang xây dựng dựa trên giả thuyết là học sinh sẽ đến học tại trường. Cụ thể là thành lập một trường học thì cần đảm bảo cần có bao nhiêu héc-ta đất, quy định về học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất... Nhưng khi chuyển sang trường học online thì mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Trường dạy online là một thực thể mới hoàn toàn, thay đổi giả thuyết truyền thống của giáo dục. 

Phải đến tháng 4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, chính thức cho phép dạy học trực tuyến cũng có thể thay thế dạy học trực tiếp bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo chương trình. Thông tư cho phép các trường sử dụng hình thức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp trên lớp, hoặc thay thế dạy học trực tiếp bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề…

Dạy học trực tuyến hiệu quả: Không khó nhưng cần thời gian

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, muốn hình thức dạy trực tuyến không còn tạm bợ thì bắt buộc phải thay đổi từ cấp vĩ mô. Đầu tiên, phải xây dựng lại cấu trúc chương trình giáo dục. Điều chỉnh phương thức kiểm tra đánh giá người học, để nhà trường quyết định các kỳ kiểm tra trong năm học, địa phương được quyết định các kỳ thi cuối cấp chứ không phụ thuộc vào kỳ thi “hai trong một” của Bộ Giáo dục và Đào tạo như hiện nay. Các chính sách về đãi ngộ và bồi dưỡng chuyên môn cho người thầy cũng phải phù hợp với lao động mới chứ không thể theo cách cũ tốn kém mà không hiệu quả…

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7), đánh giá: Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến là phù hợp mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục; tạo động lực để thầy cô chủ động xây dựng kho dữ liệu dạy học, các hình thức dạy học, kiểm tra - đánh giá trực tuyến, từng bước nâng cao kỹ thuật dạy học trực tuyến nhằm đảm bảo mục tiêu và chất lượng dạy học theo hình thức này.

Việc chuyển đổi số từ dạy trực tiếp sang trực tuyến sẽ giúp học sinh phát triển năng lực công nghệ thông tin, giúp học sinh có thể chủ động và sáng tạo, nâng cao năng lực tự học, có nhiều cơ hội tiếp cận các phương pháp học tập mới. Để hình thức dạy học trực tuyến đạt hiệu quả phải cần thêm thời gian để cả thầy và trò phải thực sự chủ động trong hoạt động dạy và học. 

Cụ thể, thầy Phạm Lê Thanh đề xuất: “Tổ bộ môn cần rà soát lại các khâu tổ chức dạy học trực tuyến sau những đợt dịch vừa qua có đảm bảo các mục tiêu và quy định trong thông tư. Các bước lựa chọn hình thức, phần mềm tương tác trực tuyến của thầy và trò, cách thức giao nhiệm vụ học tập, nội dung bài học, phần mềm thí nghiệm mô phỏng, bài giảng đa phương tiện, hình thức kiểm tra đánh giá trực tuyến, các minh chứng cụ thể… có phù hợp chưa. Từ đó, xây dựng và chuẩn hóa quy trình dạy học trực tuyến sao cho đồng bộ và đạt chất lượng quy mô tổ bộ môn, cấp trường học... 

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng cần nghiên cứu những quy định hiện hành về an toàn thông tin mạng Internet, Luật An ninh mạng, quy định về dữ liệu để có thể lựa chọn các phần mềm phù hợp, hạn chế hacker, đảm bảo xây dựng không gian an toàn cho các lớp học trực tuyến. Giáo viên và học sinh cần có những buổi tập huấn để có thể rèn luyện thao tác tương tác trực tuyến… 

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng cho rằng, dịch COVID-19 chỉ là cái cớ, thực tế trên thế giới, học online là xu hướng dù không có dịch, bởi nó hiệu quả, bỏ độc quyền giáo dục, bỏ chuyện chỉ có một bộ sách giáo khoa, một cách học cho mọi người... Xã hội hiện đại là đa dạng hóa nhu cầu của mọi người. 

Hiện nay, các trường đang dạy online theo hình thức livestream rất chán, đó là bậc thấp nhất trong việc dạy online. Ở bậc hai, giáo viên hoặc trường phải có hệ thống học liệu, hệ thống e-learning để người học có thể tham khảo mọi lúc mọi nơi. Người học có thể học bất cứ lúc nào. Lúc này, các lớp học có thể giảm thời gian lên lớp, giờ lên lớp là tương tác thực sự để mở rộng vấn đề, kiến thức.

Ở bậc ba, khi hệ thống dữ liệu học tập được nâng cấp lên bước đầy đủ và được cập nhật liên tục, hệ thống LMS (learning management system) sẽ giúp việc quản lý chất lượng dạy và học tốt hơn mà nhiều khi hình thức offline không thể làm tốt bằng (thí dụ như mặt bằng giáo viên không đồng đều). Nếu thực sự kết hợp tốt được hai hình thức online và offline thì không chỉ thay đổi được chất lượng dạy và học mà còn quản trị giáo dục trên phạm vi rộng tốt hơn. Khi đó có thể chuẩn hóa học sinh trên mọi địa phương.

Phát biểu tại buổi tập huấn trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho các trường tại TPHCM, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn chưa ổn định. Thành phố đã đề ra những biện pháp, giải pháp kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh theo hướng thích ứng linh hoạt, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và học sinh.

Thời điểm này, học sinh đến trường là hết sức cần thiết. Việc học trực tuyến kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh. Khi học sinh đi học trực tiếp, ngành y tế và ngành giáo dục không chủ quan. Các em cũng có cơ hội rèn giũa kỹ năng phòng, chống dịch, trở thành thói quen, phản xạ; giáo dục học sinh kỹ năng, hành vi có lợi cho sức khỏe, hình thành thế hệ tương lai có nhiều kỹ năng bảo vệ sức khỏe.


Tiêu Hà
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI