Học trò vô lễ, “chữa trị” từ đâu?

28/10/2022 - 07:06

PNO - Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng (Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, tình trạng học sinh vô lễ với giáo viên cần được xem xét từ hai phía.

 

Cảnh học sinh vô lễ, trả treo với thầy cô lan truyền trên mạng xã hội ngày càng nhiều - ảnh: tổng hợp
Cảnh học sinh vô lễ, trả treo với thầy cô lan truyền trên mạng xã hội ngày càng nhiều

Mới đây, clip một nữ sinh to tiếng, xưng mày tao với thầy giáo đã được lan truyền trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận. Trên thực tế, tình trạng học sinh vô lễ với giáo viên vẫn thường xảy ra, với nhiều mức độ khác nhau. Theo chuyên gia về giáo dục, để “chữa trị” căn bệnh này cần phải xem xét từ nhiều phía.

Khi phụ huynh quá nuông chiều trẻ 

Nữ giáo viên dạy toán ở một trường THPT của quận 5, TPHCM cho hay, học sinh bốp chát, “trả treo” giáo viên là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Khi bị giáo viên nhắc nhở, có em tỏ vẻ khó chịu ra mặt, trừng mắt với thầy cô. 

Theo cô, chủ trương chung của ngành giáo dục là nghiêm cấm la mắng hoặc dùng các biện pháp nghiêm khắc với học sinh. Giáo viên không được phê bình học sinh trước trường, trước lớp. Vậy trong giờ học, có học sinh không ghi bài hoặc quậy phá, giáo viên nhắc nhở thì tỏ thái độ thách thức, vô lễ; giáo viên sẽ xử lý trường hợp này như thế nào? Do đó, với các trường hợp học sinh vô lễ, đa phần giáo viên lờ đi cho qua chuyện. Và như vậy, các em này sẽ “được nước lấn tới” vì cho rằng thầy cô không dám làm gì mình.

Cô V.T.H.H. - giáo viên lớp Một ở quận 11, TPHCM - cho biết, có tình trạng học sinh tiểu học cãi lại, nói ngang với giáo viên. Khi cô giáo nghiêm khắc nhắc nhở thì học sinh lại về méc (mách) phụ huynh. Điều đáng nói là trong trường hợp như thế, phụ huynh thường bênh con và đổ lỗi cho giáo viên. 

Cô kể, có học sinh về méc mẹ là mình bị cô đánh. Người mẹ liền đùng đùng vào trường tìm hiệu trưởng để tố cô giáo. Thế nhưng, khi hỏi rõ lại thì học sinh này quen với kiểu học ở mẫu giáo, khi ở trong lớp thì muốn nằm là nằm, muốn ngồi là ngồi, khi bị cô nhắc nhở thì cãi lại rồi về nhà nói mình bị cô đánh. Cô V.T.H.H. nhận xét: “Chính kiểu nuông chiều của phụ huynh khiến trẻ nghĩ rằng không ai được quyền nhắc nhở mình, từ đó sẵn sàng phản ứng với thầy cô khi không vừa ý”.

Theo bà Trịnh Thị Bích Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP. Thủ Đức, TPHCM) - kể, có phụ huynh dặn con: “Có gì trong trường thì cứ nói, mẹ xử lý hết”. Cho nên, nhiều em rất ỷ y, không tôn trọng giáo viên. Có một học sinh nữ lén hút thuốc trong trường, thầy cô nhắc nhở thì tỏ thái độ vô lễ. Tuy nhiên, khi nhà trường liên hệ, phản ánh thì phụ huynh không tin, cho rằng con mình ở nhà ngoan lắm.

Bà Bích Hằng kể, vừa qua, có một phụ huynh hằm hằm vào thẳng phòng hiệu trưởng, chất vấn: “Tại sao tôi đã đóng tiền vệ sinh bán trú 26.000 đồng/tháng mà nhà trường vẫn bắt con tôi khi thức dậy phải gấp chiếu lại, lúc ăn xong phải xếp ghế vào?”. Có một số học sinh vi phạm nội quy, nhà trường phạt, bắt nhặt rác ở sân trường và quét lớp cho sạch, liền bị phụ huynh phản ứng vì xót con. Theo bà, sự nuông chiều của phụ huynh tác động không tốt đến thái độ của học sinh đối với giáo viên. 

Phải biết cách cảm hóa học sinh

Học sinh cãi lại thầy cô không còn là chuyện hiếm
Học sinh cãi lại thầy cô không còn là chuyện hiếm

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng (Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, tình trạng học sinh vô lễ với giáo viên cần được xem xét từ hai phía. 

Khi dạy học, giáo viên phải nắm được đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh. Ở độ tuổi học sinh, hệ thần kinh chưa hoàn thiện, khả năng kiềm chế kém dẫn đến nhiều hành động, lời nói mang tính bộc phát. Các em như cái lò xo, đụng vào là bật lên nên trong một số trường hợp, các em có hành động, lời nói xúc phạm giáo viên. Thầy cô không nên từ một vài lần như vậy mà quy kết rằng học sinh vô lễ, vô giáo dục.

Khi thấy học sinh có biểu hiện thiếu kiềm chế, thầy cô nên dừng lại, không nên “đối đầu”. Để làm được điều này, giáo viên phải thường xuyên được bồi dưỡng kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Hiện nay, rất nhiều giáo viên - nhất là giáo viên trẻ - rất lúng túng khi đứng trước các tình huống xung đột với học sinh. Nhiều giáo viên ứng xử theo quan điểm của mình nhưng quan điểm đó có thể phản giáo dục. Có những vụ việc bị đẩy đi quá xa là do giáo viên không kiềm chế được cảm xúc, nên giáo viên cũng phải học kỹ năng kiềm chế cảm xúc.

Học sinh ngày nay nhanh nhạy, được tiếp cận nguồn thông tin tri thức rất đa dạng nên nhận thức tốt hơn thế hệ trước. Do đó, các em không chấp nhận bị áp đặt một chiều. Theo bà Trần Thị Minh Hằng, sai lầm thường gặp là giáo viên sử dụng quyền lực người thầy, người lớn tuổi để áp đặt, đe nẹt học sinh vào khuôn phép thay vì cảm hóa, thuyết phục.

Bằng cách này, giáo viên có thể giữ được trật tự lớp học nhưng không thể đạt được mục tiêu giáo dục, lại có thể khiến học sinh phản ứng, tạo ra những tình huống khó kiểm soát. Học trò càng cá biệt thì giáo viên càng phải giáo dục bằng tình cảm. Ngày nay, ngành giáo dục chủ trương chấp nhận cá tính và năng lực riêng của từng học sinh. 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) - kể, hơn 20 năm trước, khi mới ra trường, ông được giao làm chủ nhiệm lớp bán công gồm những học sinh cá biệt, lưu ban. Sau một thời gian, từ chỗ đứng cuối trường, lớp đã vươn lên đứng đầu trường về thành tích học tập. Kinh nghiệm của ông là, với những học sinh cá biệt, ngỗ nghịch, người thầy phải có lòng bao dung và cần trở thành người bạn của các em. Khi đó, các em sẽ mở lòng chia sẻ, các em sẽ yêu quý và nghe lời thầy cô.

“Tất cả học sinh hay “nổi loạn” đều có những hoàn cảnh rất đặc biệt. Giáo viên cần thấu hiểu điều này. Nếu chúng ta không đồng cảm thì sẽ không bao giờ giáo dục được. Giáo viên có lòng yêu thương, bao dung sẽ cảm hóa được những học sinh ngỗ nghịch. Các biện pháp hà khắc, răn đe chỉ có tác dụng áp chế bên ngoài chứ không giải quyết căn nguyên vấn đề” - ông Huỳnh Thanh Phú nói. 

Minh Linh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Nguyễn Thị Bình 31-03-2023 04:30:22

    Vẫn phải cho giáo viên có quyền được phạt,mới vào nề nếp được. Còn chỉ nói thôi không phải học sinh nào cũng tiếp thu.Cưng chiều quá sau này sẽ hư và là gánh nặng cho gia đình và xã hội

  • danh 28-10-2022 14:25:04

    cứ áp dụng giáo dục như ngay xưa, cang cải cách càng thấy đạo đức đi xuống

  • Minh 28-10-2022 08:45:06

    Gia đình không dạy thì để xã hội dạy, rất nhiều cha mẹ học sinh hiện nay chiều con thái quá, không cần biết con đúng sai thế nào nhưng luôn bênh vực con mình nhưng khi có gì xảy ra lại đổ lỗi cho nhà trường. Không đứa trẻ nào sinh ra là đến trường để nhà trường dạy luôn mà bố mẹ phải dạy ở nhà trước.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI