Học trò từng bị phê 'vòng vòng ngoài lề' lại đậu chuyên văn

20/08/2019 - 20:41

PNO - Ngày biết mình đậu vào lớp chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Ninh Hồng Trúc Anh khóc ngon lành. Còn mẹ em không khỏi ngạc nhiên vì con nhỏ có cái thói quen “vòng vòng ngoài lề” lại có thể đậu chuyên văn.

Kể về cái tính“vòng vòng ngoài lề” ấy của Ninh Hồng Trúc Anh (nay đã là nữ sinh lớp 12), chị Nguyễn Diệu Hiền, mẹ em, cho biết đó là lời phàn nàn của những giáo viên cấp II.

Cụ thể, không thích thể hiện bài viết theo cách mọi người vẫn hay làm, Trúc Anh thích mượn một cái nền khác hay sử dụng những cách so sánh nhiều khi tưởng chẳng liên quan để làm rõ vấn đề mình cần bình luận, phân tích.

Kiểu như, khi giáo viên yêu cầu học sinh phát biểu cảm nghĩ về nhân vật Thúy Kiều, thì phần lớn bài làm, Trúc Anh lại thể hiện lòng thương cảm của mình đối với Thúy Vân. Cuối cùng, thông qua sự so sánh đó, Trúc Anh mới “chốt hạ” một vài câu dành cho nàng Kiều. Bởi cách cảm nhận văn học “chẳng giống ai” nên Trúc Anh hay bị phê... lạc đề.

Riêng Trúc Anh, nước mắt rơi ngày biết tin mình đậu vào chuyên văn chứa đựng nhiều cảm xúc. Đó là giọt nước mắt của tự hào vì em cũng chỉ dự thi trong tâm lý “biết khả năng mình đến đâu”. Bởi suốt những năm cấp hai, hoàn cảnh gia đình khó khăn không cho Trúc Anh điều kiện để đầu tư vào việc luyện thi như các bạn.

Hoc tro tung bi phe 'vong vong ngoai le' lai dau chuyen van
Ninh Hồng Trúc Anh trong giờ học ngoại khóa

Đó cũng là giọt nước mắt của hạnh phúc vì em có thể viết tiếp ước mơ còn đang dang dở của người mẹ nghèo dành nhiều tình yêu cho môn văn đã phải nghỉ học sớm và từ bỏ ước mơ của mình.

Đâu ai biết rằng, trước kỳ thi đó, Trúc Anh dự định thi vào chuyên toán vì em yêu môn toán. Còn việc dự thi môn văn là kết quả của ba lần oẳn tù tì giữa hai mẹ con với thỏa thuận ai thua sẽ làm theo mong đợi của người thắng cuộc. Kết quả, Trúc Anh thua cuộc đến hai lần.

Vậy rồi, cô bé yêu toán “chễm chệ” ngồi trong lớp văn. Được các thầy cô rèn giũa, truyền trao tình yêu văn học, Trúc Anh dần cảm thấy mình trở thành một học sinh chuyên văn thật sự với những cảm xúc đẹp dành cho văn chương.

Nhưng ước mơ làm bác sĩ được định hình từ những ngày còn bé khi chứng kiến mẹ thường xuyên bệnh và yếu hẳn đi nhưng nhà không có điều kiện để đến bệnh viện khám và chữa trị chưa lần nào thay đổi trong suy nghĩ của cô nữ sinh chuyên văn.

Do đó, dù ngồi ở lớp chuyên văn, nhưng Trúc Anh lại chuẩn bị một hướng đi riêng so với các bạn: sẽ thi vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Ngoài việc học tốt môn chuyên bằng tình cảm của mình và mẹ, Trúc Anh dành thời gian cũng như hứng thú, say mê để đầu tư cho ba môn khối B.

Chia sẻ bí quyết của mình, Trúc Anh cho biết: “Khi học, em đặt ra rất nhiều câu hỏi tại sao, tại sao lại như vậy? Và em nhận thấy, những gì có trong sách giáo khoa không đủ giúp mình trả lời những câu hỏi đó. Em phải tìm câu trả lời bằng cách đọc nhiều loại sách khác nhau cũng như tìm hiểu nguồn kiến thức phong phú từ Internet. Đến khi điều cốt lõi nhất được sáng tỏ, mọi vấn đề trở nên đơn giản. Việc học toán, hóa, sinh hay bất kỳ môn nào cũng vậy”.

Ước mơ trở thành bác sĩ, cô nữ sinh chuyên văn vẫn hằng ngày cặm cụi học tập trong căn nhà rộng 23m2 không có chút ánh sáng lọt vào với sự chia sẻ không gian của 12 con người.

Một góc học tập dường như là điều xa xỉ với Trúc Anh. Buổi sáng, khi mẹ đi làm, em bung cái bàn xếp ngay trên chiếc nệm ngủ để làm bài vì căn phòng của hai mẹ con không còn một khoảng trống nào.

Buổi trưa, chiếc bàn ấy có dịp “di động” ra ngạch cửa sát con hẻm để nhường chỗ cho mẹ nghỉ ngơi. Đến tối, góc học tập của Trúc Anh vắt vẻo trên… những chiếc xe máy vì không gian sinh hoạt hầu như đã lấp kín.

Nhưng điều đó không làm khó Trúc Anh, bởi như em nói: “Còn có chỗ để học là một điều may mắn”.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI