Học trò tự tử: Sẽ còn nữa nếu chúng ta không thay đổi

03/04/2022 - 13:11

PNO - Cái chết của nam sinh tại Hà Nội không phải là vụ việc đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là vụ cuối cùng, nếu chúng ta không thay đổi.

Những đứa trẻ đã và sẽ rời bỏ chúng ta khi chúng bị lãng quên
Những đứa trẻ đã và sẽ rời bỏ chúng ta khi chúng bị lãng quên

Vụ nam sinh L.N.N.M. ở Hà Nội nhảy lầu tự sát không phải là lần đầu xảy ra ở nước ta. Trước M., đã có rất nhiều sinh viên, học sinh nhảy lầu, nhảy sông tự sát. Thậm chí ở phía Nam, có một trường đại học nổi tiếng không phải vì thành tích học tập, nghiên cứu khoa học mà vì là địa điểm nhiều người chọn đến để tự sát.

Vụ nhảy lầu của L.N.N.M. gây chấn động vì em đã chọn tự kết liễu sinh mạng ngay trước mặt cha mình, với đoạn clip từ camera an ninh ghi lại gần như toàn bộ quá trình, diễn biến tâm lý, phản ứng của những người liên quan và có cả thư tuyệt mệnh.

Trong đêm 1/4, rất nhiều người đã bày tỏ cảm giác sốc, sợ hãi, phẫn nộ, tiếc thương… Nhiều người đã rơi nước mắt. Nhiều người đã không thể dỗ giấc ngủ. Tất cả đều là phản ứng bình thường của bất cứ ai đã trót xem đoạn clip đầy ám ảnh ấy.

Và, như bao lần, người ta bắt đầu nói về sự “dại dột” của đứa trẻ vị thành niên, về áp lực học hành, về kỳ vọng và sự áp đặt của cha mẹ, về sự nguy hiểm của chứng trầm cảm (đặc biệt là sau thời gian giãn cách xã hội với những sang chấn tâm lý mà đến nay chúng ta vẫn chưa thể thống kê, nhận diện đầy đủ). Và, như bao lần, người ta trách móc gia đình, trường học, xã hội; người ta nhắc nhau hãy dành sự quan tâm cho con em mình, kẻo quá muộn.

Tất cả đều đúng. Trước cái chết của một con người là biết bao yếu tố, sự kiện, người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan; như trong trường hợp của M. thì hẳn cha mẹ em sẽ khó mà sống an ổn trong phần đời còn lại.

Nhưng, hình như vẫn có điều gì đó không đúng. Cái chết của M. không phải là vụ tự tử duy nhất, càng không phải vụ đầu tiên. Chỉ một ngày trước cái chết của M., ngày 31/3, nữ sinh N.K.V., lớp 8, ở Bắc Ninh đã treo cổ tự tử tại nhà. Trước đó gần 10 ngày, nữ sinh N.K.L. cũng rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội, tử vong. Lùi lại một tháng trước đó là vụ nam sinh năm nhất chết trên sông Sài Gòn với 10kg đá trong ba-lô. Nhiều, nhiều lắm những vụ việc tương tự, ở khắp các tỉnh thành.

Trong tất cả những vụ tự tử nổi cộm ấy, người ta đều nói về sự “dại dột”, về áp lực, stress… rồi cũng đổ lỗi cho gia đình, trường học, xã hội. Các chuyên gia, nhà giáo dục lên tiếng, rồi người ta nhắc nhau hãy dành sự quan tâm cho con em mình, kẻo quá muộn… Và, những đứa trẻ vẫn tiếp tục chọn từ bỏ thế giới, từ bỏ cuộc sống này. Đây là điều tôi không hề muốn, nhưng phải đau lòng mà nói rằng, cái chết của nam sinh L.N.N.M. chắc chắc không phải là cái chết cuối cùng.

Ngày mai, chúng ta sẽ lại lao vào cuộc mưu sinh, không còn thời gian chú ý đến cảm xúc của trẻ; các giáo viên/trường học sẽ lại phải cố gắng đảm bảo tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp để đánh giá, xếp loại cuối năm và phụ huynh sẽ lại phải rèn con để chúng đừng thua bạn kém bè trong một xã hội ai cũng phải từng ngày nỗ lực. Chúng ta sẽ quên M., quên V., quên L. và những đứa trẻ đã quyết định rời bỏ chúng ta. Ta sẽ lại viện ra những lý do như thương yêu, quan tâm, lo lắng, mong con thành đạt… để tiếp tục sống như ta đã sống và hành xử như ta đã hành xử. Nói như trong thư tuyệt mệnh của M. - những điều ta “sẽ hoặc đã làm”.

Những cái chết sẽ tiếp tục nếu chúng ta không dừng lại, nhìn nhận, thay đổi. Trẻ sẽ tiếp tục chết nếu ta lãng quên những gì đã xảy ra và đó chính là lúc “quá muộn” mà hôm nay, hôm qua chúng ta nhắc nhau, mỗi khi có một đứa trẻ quyên sinh. Cuộc sống không có nút Undo hay Ctrl + Z. Nếu ta không sửa được xã hội, trường học thì tự sửa mình đi và phải sửa ngay bây giờ, ngay hôm nay.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI