Học trò trầm cảm kéo dài, nguy cơ tự tử cao

21/09/2017 - 10:30

PNO - Mới đây, H. - học sinh lớp 9 một trường THCS tại quận 1, TP.HCM đã nhảy lầu tự tử. Được biết, H. là thành viên đội tuyển tiếng Anh của trường, trước khi sự việc xảy ra em bị điểm 3 môn tiếng Anh...

Nguyễn Thị Tuyết Xuân - nguyên Trưởng phòng tham vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM): Trầm cảm kéo dài, nguy cơ tự tử cao

Truyền thông có nêu tâm trạng bi quan của H. đã xảy ra từ cuối năm lớp 8 và em đã tâm sự với giáo viên chủ nhiệm (GVCN) của mình. Vậy H.  đã tâm sự với cô giáo chủ nhiệm điều gì?

Và nếu đúng vậy thì điểm 3 môn tiếng Anh có thể chỉ là “giọt nước tràn ly”, chưa thể kết luận tác hại của thi thố mà có thể có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến hành động thảm thương của em.

Hoc tro tram cam keo dai, nguy co tu tu cao

Trường hợp này, theo tôi, có rất nhiều khả năng khác nhau. Thứ nhất, có thể do xáo trộn trong gia đình (mâu thuẫn giữa cha mẹ hoặc giữa cha mẹ với con). Thứ hai, do tình cảm cá nhân, phát hiện vấn đề liên quan đến giới tính và gặp phải phản ứng của cha mẹ. Thứ ba, kết quả của một quá trình chịu áp lực do việc học hành. Thứ tư, cũng có khả năng H. gặp bất công trong đội tuyển.

Nhưng khả năng này thấp, vì nếu có, cha mẹ H. đã khiếu nại với nhà trường… Có rất nhiều tình huống có thể đã xảy ra với H. mà chúng ta mãi mãi không biết rõ được. H. không phải quá nhạy cảm mà đó là hậu quả của trạng thái trầm cảm kéo dài.

Nhân thể, có một việc rất cần phụ huynh thực hiện, đó là phải liên hệ và báo ngay với GVCN khi con mình đang trị liệu tâm lý trầm cảm. Phụ huynh nhờ GVCN báo lại với các giáo viên bộ môn để cảm thông và hỗ trợ em trong thời gian điều trị này.

Như thế sẽ giúp tránh được trường hợp như em H. khi bị điểm 3 tiếng Anh, môn mà em là HS đội tuyển. Dĩ nhiên, GVCN và giáo viên bộ môn cần tuyệt đối tôn trọng sự riêng tư của em và gia đình để giữ kín thông tin này.

Tôi đã từng gặp trường hợp HS đang trị liệu tâm lý phải uống thuốc nên sáng nào vào lớp cũng thường xuyên ngủ gà ngủ gật. Nếu giáo viên không biết, sẽ dễ hiểu lầm và làm tổn thương thêm. Xin phụ huynh đừng suy nghĩ sai lầm để bảo vệ con, sợ người ta có định kiến về con (bệnh tâm thần) mà giấu kín, không cho người có trách nhiệm biết về tình trạng sức khỏe tinh thần của con.

Hoc tro tram cam keo dai, nguy co tu tu cao

Cuối cùng, khi nhà trường có phòng tham vấn, với chuyên viên tận tâm, có thể sẽ giúp trẻ giải tỏa khi quá căng thẳng. Chính họ cũng giúp cha mẹ biết cách phát hiện dấu hiệu bất thường ở con và có biện pháp. Các dấu hiệu bất thường này nếu chú ý hoặc được cảnh báo sẽ giúp cứu vãn, ngăn chặn được hành vi tiêu cực.

Cha mẹ, nhà trường phải hết sức cẩn thận với dấu hiệu trầm cảm vì đó là trạng thái tâm lý có nguy cơ tự tử cao. 

Trương Văn Tuấn (Bến Tre): Hãy thay đổi suy nghĩ, hành động để kịp thời giúp đỡ các em!

Tôi là một giáo viên. Giờ ra chơi, tôi có thói quen đứng trên lầu quan sát học sinh mình chơi đùa dưới sân, bằng cách đó tôi có thể phần nào hiểu tâm tính học trò, giúp tôi “giám sát” tâm lý các em. Nếu H. là học sinh của tôi, nhất định em sẽ có một dấu hiệu bất thường nào đó để tôi nhận ra. Và tôi tự hỏi, nếu trong số học trò hiện tại của tôi có một em như H., tôi sẽ làm gì?

Trên thực tế, có nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng trong thời gian dài, khiến các em thay đổi thói quen hằng ngày của mình. Tuy nhiên, điều đáng buồn là không phải ai cũng nắm bắt được, hoặc đã nhận ra nhưng không quyết tâm can thiệp. 

Sau cái chết của H., tôi đọc được những lời trách móc nền giáo dục Việt Nam, trách gia đình, thầy cô, bạn bè… đã vô tâm. Cũng đúng. Dù hiện tại chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân khiến H. tự sát, nhưng nếu người lớn chúng ta thực sự quan tâm thì chuyện xấu đã có thể tránh được.

Nhưng trách… nhau để làm gì, khi người trong cuộc (gia đình, thầy cô, bạn bè… của H.) đã và đang tự dày vò mình. Thiết nghĩ, điều quan trọng là ngay từ bây giờ người lớn chúng ta hãy thay đổi suy nghĩ, hành động kịp thời giúp đỡ các em để không còn có thêm những trường hợp đau lòng như H.

Quốc Ngọc (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI