Học trò thêm yêu biển đảo quê hương qua học bằng dự án

30/06/2020 - 17:03

PNO - Đó là những sản phẩm, hoạt động nằm trong dự án Phía Đông Tổ quốc ta (Anchor to the East) của thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM).

 

Video: dự án Phía Đông Tổ quốc ta (Anchor to the East) của thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM).

Phía Đông Tổ quốc là gì?

Tất cả được "hiển thị" sinh động qua dự án Phía Đông Tổ quốc ta (Anchor to the East) của thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), được báo cáo vào sáng nay 30/6.

 

Toàn cảnh buổi báo cáo dự án
Toàn cảnh buổi báo cáo dự án Phía Đông Tổ quốc ta (Anchor to the East) của thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM).

Cô Lê Thị Nga, giáo viên địa lý cho biết: "Bọn mình bắt tay thực hiện từ tháng 12/2019 với học sinh 43 lớp thuộc ba khối 10-11-12. Trong đó, có khoảng 150 học sinh trực tiếp tham gia vào các công việc chính như thu thập thông tin làm sa bàn về biển đảo và mã hóa thông tin thành mã QR code dễ dàng tiếp cận thông tin; dọn rác vùng biển và trồng cây; thăm và phỏng vấn các chiến sĩ Hải quân vùng 3, Bảo tàng Hoàng Sa - Trường Sa (Đà Nẵng); làm sản phẩm handmade bằng vật liệu tái chế tuyên truyền bảo vệ môi trường biển; vẽ tranh về chủ quyền biển đảo quê hương…".

Các em học sinh đang xem những tác phẩm được trưng bày tại dự án
Các học sinh đang xem những tác phẩm được trưng bày tại dự án

Học sinh Thanh Vy, lớp 11D2, cho biết: "Chúng em làm dưới sự hướng dẫn của thầy cô ở bốn bộ môn: địa lý, lịch sử, sinh học và giáo dục quốc phòng. Làm rất cực nhưng rất vui. Nhớ nhất là lúc làm việc với các chiến sĩ hải quân ở Đà Nẵng, vô cùng khó tiếp cận vi việc các anh làm liên quan đến bí mật quốc gia. Khi phỏng vấn, các anh liên tục hỏi lý do chọn đề tài này? Phỏng vấn các anh có mục đích gì? Kiểm soát nội dung để tránh làm lộ bí mật... Có nhiều đoạn phỏng vấn rất hay nhưng số hiệu con tàu lỡ lọt vào ống kính đành phải bỏ".

Các em học sinh đang thuyết trình về sa bàn Hoàng Sa - Trường Sa
Các học sinh đang thuyết trình về sa bàn Hoàng Sa - Trường Sa


"Thầy cô để học sinh thực hiện hết mọi việc, chỉ định hướng và hướng dẫn khi cần thiết. Sau dự án, chúng tôi muốn trang bị cho học sinh xác định được vị trí địa lý, toàn vẹn lãnh thổ nước ta, trình bày được các đặc điểm tự nhiên của Biển Đông; đánh giá được ý nghĩa vị trí địa lý và ảnh hưởng của Biển Đông với thiên nhiên, kinh tế - xã hội nước ta. Đặc biệt, học sinh sẽ nắm được chủ quyền của Hoàng Sa - Trường Sa qua các giai đoạn lịch sử, quá trình đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển đảo... để thêm yêu đất nước mình", thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng môn lịch sử, cho hay.

Một số người nhận định các dự án của trường có hơi hướng showbiz và thời thượng. Tuy nhiên, thầy Đăng Du cho rằng, "chúng ta phải hiểu đối tượng chính mà chúng ta muốn tác động đến là học sinh, là giới trẻ. Do đó, trước hết phải chọn cách thể hiện làm sao để lôi cuốn được các em. Đó chỉ là vỏ bọc hình thức để chuyển tải thông điệp. Quan trọng là những kỹ năng, kiến thức, bài học nhận thức và tình cảm các em rút ra được sau những hình thức đó".

Quả thật, trong hai tiếng “biểu diễn” lại là thành quả của nhiều tháng miệt mài tích lũy kiến thức, kỹ năng. Nhiều học sinh lớp 10 đã có thể thông thạo việc mã hóa thông tin bằng QR code để thông tin biển đảo - môi trường dễ dàng tiếp cận đến đại chúng hơn. Có bạn đã có thể làm host điều khiển cả trò đố vui kiến thức biển đảo bằng công nghệ chẳng khác gì gameshow thực thụ. Có bạn tự thiết kế, quay phim, phỏng vấn, làm việc nhóm như những người chuyên nghiệp…

“Và điều quan trọng nhất là chúng em hiểu ở phía Đông đất nước ta là gì”, học sinh Trần Gia Minh nói.

Thầy cô kiểm tra thông tin trên mã QR của các em học sinh
Thầy cô kiểm tra thông tin trên mã QR của các em học sinh

 

Mỗi mã QR đều chứa thông tin liên quan đến địa điểm đó
Mỗi mã QR đều chứa thông tin liên quan đến địa điểm đó

Theo dõi buổi báo cáo dự án của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, ông Mai Phú Thanh, chuyên viên bộ môn địa lý Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá: "Các em rất bản lĩnh, chuyên nghiệp, thiết kế và thực hiện rất bài bản công phu". Ông Thanh cũng khuyến khích các bạn học sinh tiếp tục nỗ lực, không nên dừng lại, nhất là với các dự án khoa học xã hội - vốn không phải là thế mạnh của hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học tại TP.HCM.

Ông Mai Phú Thanh, chuyên viên bộ môn Địa của Sở GD-ĐT TP.HCM
Ông Mai Phú Thanh, chuyên viên bộ môn địa lý Sở GD-ĐT TP.HCM 

"Tôi hy vọng các em sẽ theo đuổi những đề tài kinh tế, xã hội, văn hóa nóng bỏng, thời sự. Nếu làm bằng hai ngôn ngữ thì càng tuyệt vời. Bài học cay đắng hai năm trước, chúng ta không thể tham gia ICEF toàn cầu là vì học sinh làm dự án không đủ khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh. Và tôi tin là các em có thể làm được”, ông Thanh đặt hàng.

Mỹ Hằng - Tam Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI