Theo thông tin từ gia đình, đạo diễn Lê Văn Tĩnh xuất hiện các triệu chứng COVID-19 từ hôm 5/8, sau đó xét nghiệm cho kết quả dương tính. Vợ và con gái của ông cũng mắc COVID-19. Hiện, gia đình đang lo thủ tục để hỏa táng cố đạo diễn. Dự kiến, lễ viếng và tưởng niệm cố đạo diễn sẽ được tổ chức vào dịp chung thất (49 ngày) hoặc bách nhật (100 ngày). Sau đó, tro cốt của ông sẽ được đưa về quê nhà (Phan Rang, Ninh Thuận) thủy táng.
Đạo diễn Lê Văn Tĩnh là bậc thầy của sân khấu miền Nam. Ông từng đào tạo, làm đạo diễn cho nhiều nghệ sĩ danh tiếng hiện tại như: NSND Hồng Vân, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Minh Nhí...
|
Đạo diễn Lê Văn Tĩnh |
Ông qua đời để lại niềm xót thương trong lòng học trò, đồng nghiệp. NSƯT Mỹ Uyên cho biết chị không theo học trường lớp với đạo diễn Lê Văn Tĩnh nhưng học ông được nhiều kinh nghiệm khi cùng làm việc. Những năm 2000, khi nghệ sĩ Mỹ Uyên về Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, chị đóng chính trong vở Ngôi sao tình yêu do ông làm đạo diễn. Sân khấu, lối vào khán phòng đều được biến hóa thành hình ảnh ngôi sao, khiến chị vô cùng ấn tượng.
Đây cũng là những bước đầu tiên để nữ nghệ sĩ học cách ứng biến, làm mới cho sân khấu thể nghiệm, mang đến diện mạo mới mẻ cho sân khấu. Ngoài ra, cả hai cũng hợp tác trong một số vở khi nghệ sĩ Mỹ Uyên còn hoạt động ở đoàn kịch TPHCM và nhiều vở phát trên truyền hình.
Chị vẫn nhớ dáng người nhỏ nhắn của ông, luôn bị những đồng nghiệp cùng thế hệ hoặc những học trò tương đối lớn tuổi trêu đùa. Mỗi lần như thế, NSƯT Mỹ Uyên và nhiều đồng nghiệp chỉ biết bẽn lẽn cười theo. “Thầy nhẹ nhàng, dễ chịu, không lớn tiếng với học trò. Vai diễn nào, với bất kỳ ai, thầy đều hướng dẫn rất tận tình. Có những lúc học trò bận chạy show, năn nỉ thầy ngừng dạy, thầy cũng nhẹ nhàng đồng ý, sau đó lưu ý thật kỹ để hôm sau tiếp tục phân tích, mổ xẻ cho cặn kẽ”, chị tâm sự.
Ông sống cũng khá giản dị. Dẫu là thầy của nhiều nghệ sĩ danh tiếng nhưng ông chưa được tôn vinh với bất kỳ danh hiệu nào, trong cả lĩnh vực giáo dục lẫn nghệ thuật. NSƯT Mỹ Uyên và nhiều đồng nghiệp thấy tiếc. Nhưng sinh thời, ông luôn nói với học trò rằng không xem nặng vấn đề này, bởi đời ông được sống với nghề, sân khấu là đã hạnh phúc.
|
Nghệ sĩ Mỹ Uyên học nhiều kinh nghiệm sân khấu từ đạo diễn Lê Văn Tĩnh |
Nghệ sĩ Mỹ Uyên tiếc khi chưa thể thực hiện được một mong muốn của cố đạo diễn. Ông từng đưa cho chị một kịch bản mang tên Sân khấu và cuộc đời, được viết tay hoàn toàn vì ông không biết đánh máy. Sau khi đọc xong NSƯT Mỹ Uyên khá xúc động vì chị thấy hình ảnh của mình trong đó. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, do dịch bệnh nên chị chưa thể triển khai, cộng với việc đây là kịch bản văn học nên cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, tính thời điểm ra mắt thích hợp.
“Điều mong mỏi lớn nhất của tôi hiện tại là dịch bệnh sẽ qua đi, cuộc sống sớm ổn định trở lại. Tôi sẽ cố gắng thực hiện kịch bản này”, chị nói.
Nghệ sĩ Trung Dân ấn tượng với chất dân giã, Nam bộ đặc trưng trong từng tiếng cười mà đạo diễn Lê Văn Tĩnh trao gửi đến khán giả. Mọi thứ khi vào tay vị đạo diễn đều như một bông hoa đầy hương sắc. Ông nói sự ra đi của đạo diễn Lê Văn Tĩnh là mất mát quá lớn của sân khấu phía Nam.
“Thầy tạo dựng phong cách mới cho đưa chất trào phúng vào những vở kịch, náo kịch, hài kịch dân gian. Thầy Lê Văn Tĩnh vô cùng duyên dáng, nói chuyện sâu sắc, tài năng của thầy bộc lộ rõ nhất khi thầy đứng trên bục giảng, đứng trên sân khấu dàn dựng cho chúng tôi. Thầy rất yêu thương học trò”, nghệ sĩ Trung Dân nói.
|
Nghệ sĩ Trung Dân thương tài năng lẫn cách sống của người thầy, đặc biệt luôn sống hết mình, bảo vệ, tạo cơ hội cho học trò |
Với riêng nghệ sĩ Trung Dân, kinh nghiệm diễn xuất, dàn dựng lẫn chất Nam bộ ông có đều phần lớn học từ đạo diễn Lê Văn Tĩnh. Thuở còn chương trình Trong nhà ngoài phố, đạo diễn Lê Văn Tĩnh từng đấu tranh để nghệ sĩ Trung Dân có được vai diễn trong vở Quán cà phê bồ đà, Ba quậy rồi đến sân khấu.
Sau đó, cả hai gắn bó trong khoảng 7 năm, khi thực hiện chương trình Trên bờ dưới ruộng của đài truyền hình Bình Dương. Nghệ sĩ Trung Dân viết kịch bản, diễn xuất, còn đạo diễn Lê Văn Tĩnh dàn dựng. Cuộc sống của người nông dân được khắc họa thân thương, gần gũi và hóm hỉnh.
Trong quá trình làm việc chung, biết được nhiều câu chuyện xoay quanh cuộc đời ông, nghệ sĩ Trung Dân học được bài học về sự cẩn trọng và lòng vị tha. Nam nghệ sĩ nhớ một lần cố tình trêu chọc thầy, khiến ông tức giận ra về, không may gặp sự cố khi đi xe khiến phần gót chân bị thương khá nặng. “Ban đầu, thầy nhìn tôi với ánh mắt hình viên đạn, nhưng sau đó lại vui vẻ. Tôi thấy có lỗi với thầy vô cùng”, nam nghệ sĩ nhớ lại.
Nghệ sĩ Trung Dân cũng ấn tượng với lối sống rất thật của ông, không đãi bôi, đơn giản.
NSƯT Trịnh Kim Chi đau xót trước sự ra đi đột ngột của đạo diễn Lê Văn Tĩnh. Chị cũng học ở ông nhiều kinh nghiệm ở sân khấu. Lúc NSƯT Trịnh Kim Chi dựng vở Rặng trâm bầu, có dịp diễn gần nhà ông ở quận 8, ông đều nhờ người dìu đến xem. Ông vào hậu trường, khuyên chị cố gắng bám trụ với sân khấu.
Nữ nghệ sĩ mong mỏi vợ và con gái ông sẽ bình an.
|
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi chụp ảnh lưu niệm với đạo diễn khi ông đến xem vở diễn, ủng hộ tinh thần chị |
Nghệ sĩ Quốc Thuận cho biết anh nhớ mãi những kỷ niệm với đạo diễn Lê Văn Tĩnh khi còn phụ thầy nhắc tuồng, đóng kịch truyền hình... Anh nói ông luôn tìm cách tạo điều kiện cho anh đi làm khi mới ra trường. Mãi sau này ông vẫn nhắc Quốc Thuận nếu có làm gì cũng phải nhớ tạo cơ hội cho người trẻ.
Nữ diễn viên Hồng Trang làm việc lần đầu với đạo diễn Lê Văn Tĩnh trong vở Thầy thuốc biết bay tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, làm quần chúng nhóm múa. Hồng Trang ấn tượng với dáng người nhỏ nhắn của ông, luôn mặc áo khoác có nhiều túi, lúc nào cùng tươi cười, nhiệt tình chỉ bảo học trò.
Diễn viên Gia Bảo cho biết anh từng tập nhiều vở kịch cùng đạo diễn Lê Văn Tĩnh nhưng nhớ nhất là vở Quả bom điếc trên Sân khấu kịch Sài Gòn của nghệ sĩ Phước Sang. Nam diễn viên thương tiếc trước sự ra đi của đạo diễn gạo cội.
Diễn viên Anh Đức nói anh may mắn được làm việc cùng ông lúc còn là diễn viên quần chúng ở Sân khấu kịch Sài Gòn. Anh thương ông bởi sự hiền lành, nhẹ nhàng nên luôn bị học trò, đồng nghiệp trêu ghẹo lúc tập vở. Nam diễn viên bàng hoàng khi nghe tin ông ra đi.
Đạo diễn Lê Văn Tĩnh sinh năm 1936, tại Phan Rang, Ninh Thuận. Thời trẻ, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1944, ông theo cha vào chiến khu. Năm 17 tuổi, ông tập kết ra Bắc. Sau đó, ông được phân công về đoàn văn công quân khu 5 nhờ có khiếu nghệ thuật. Ông được cử đi nước ngoài tu nghiệp về ngành đạo diễn. Ông về nước, quản lý các đoàn như: Bông Hồng, Phước Chung…
Năm 1979, ông được mời về giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM). Ông viết nhiều kịch bản sân khấu, cải lương như: Quẫn, Hôn lễ đảo chim, Lý ngư vọng nguyệt, Di hận chiến tranh, Cái bóng, Người con gái Sài Gòn, Bản tình ca quê mẹ…
|
Nhóm Phóng viên