Học trò các vùng sạt lở đã vững bước đến trường

07/01/2025 - 06:02

PNO - Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những khu tái định cư cho bà con bị bão Yagi tàn phá đã lần lượt hoàn thành, cùng với đó là những điểm trường ở trung tâm.

Bên cạnh cơ sở vật chất, các em luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ tâm lý từ thầy cô, bạn bè và người thân để vững bước đến trường.

"Tái thiết" tinh thần

Học sinh Trường tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh tại điểm trường Làng Nủ - ẢNH: M.T.
Học sinh Trường tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh tại điểm trường Làng Nủ - Ảnh: M.T.

Em Lý Thị Thủy Vân - lớp Ba, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - mới trở về từ bệnh viện sau phẫu thuật u ruột. Hiệu trưởng Đỗ Kim Cương, cô giáo chủ nhiệm Thu Hoài cùng các thầy cô khác đều dành cho em sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt.

Vân mất cả gia đình sau trận sạt lở đất tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc) hồi tháng Chín. Thầy Kim Cương cám cảnh: “Bác ruột của Vân cũng mất vợ con, chỉ còn lại 1 cô con gái. Ông ấy thành gà trống nuôi con và cháu gái. 2 em học 2 trường nên cũng không có nhiều thời gian để gần gũi nhau”.

Thầy nhớ những ngày sau thảm họa, hễ thấy người lạ là Vân bỏ chạy. Hôm đến khu lán tạm của bà con Nậm Tông để đón em và các bạn trong thôn về trường, em nép mình như mèo con gặp nước, cứ lầm lũi bám theo thầy. Cuối tuần ấy, Vân khóc từ sáng đến chiều. Thầy cô, bạn bè hỏi gì em cũng không nói. Tới khi bác ruột đến đón về, em mới òa khóc nói “con nhớ cha, mẹ” làm cô Hoài, thầy Cương không cầm được nước mắt.

Từ đó, cô Hoài vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa như người bạn, người thân, luôn ở bên trò chuyện, động viên cô học trò nhỏ. Cô cũng kêu gọi các bạn trong lớp thường xuyên nói chuyện, kéo bạn tham gia vào các trò chơi. Đến nay, sức khỏe em còn kém, song tinh thần đã khá hơn trước rất nhiều.

2 chị em Triệu Thị Phương - lớp Năm, Trường tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - và Triệu Kim Thành - 5 tuổi, Trường mầm non Ca Thành - cũng mất cả cha, mẹ và nhà cửa vì sạt lở sau bão Yagi. Thành còn nhỏ chưa biết nhiều, vẫn hay khóc đòi cha mẹ. Phương hiểu chuyện hơn, song cũng vì thế mà trầm tính và ít nói.

Suốt cả giờ đồng hồ gặp chúng tôi, Phương đều nhìn xuống, nói nhỏ và trầm. Bà ngoại em kể, đến trường có cô giáo động viên, các bạn vui chơi cùng nên Phương đỡ hơn nhiều rồi, “dạo trước cháu còn không chịu nói chuyện”.

Ông Hoàng Tòn Sao - Chủ tịch UBND xã Ca Thành - cho hay, cuối tháng Mười một, dự án giáo dục và nâng cao sức khỏe tinh thần giáo viên và học sinh được triển khai tại Trường tiểu học Ca Thành. Qua đó, giúp các em “học mà chơi, chơi mà học”, từng bước vượt qua khó khăn.

Nghe ông Hoàng Tòn Sao nhắc đến trường lớp, đôi mắt Phương sáng lên, em khẽ cười khoe: “Ở trường, các cô giáo đều thương và thường hỏi han, trò chuyện với em. Em còn được làm quen với các môn sáng tạo nghệ thuật; có cả chương trình sinh hoạt âm nhạc bản địa, ngoại khóa… Em sẽ cố gắng học tốt để còn làm chỗ dựa cho em trai”.

Sân trường rộn tiếng em thơ

Hoàng Thảo Ngọc - lớp Năm, Trường tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - là học sinh trở lại trường muộn nhất, vì em phải điều trị tích cực suốt 50 ngày tại Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội). Ngày đưa con gái đến trường, chị Hoàng Thị Dịp đứng nhìn con tung tăng giữa sân chơi đùa cùng các bạn mà nước mắt lã chã.

Cô giáo Hoàng Thị Sen nhìn Ngọc và mẹ em ở sân trường mà bật khóc. Cô cho hay, do Ngọc nằm viện khá lâu nên cô cùng các giáo viên đã thay nhau dạy thêm để em đuổi kịp chương trình.

Ngọc chia sẻ, sau những ngày ở viện, được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, em đã ước mơ trở thành bác sĩ. Ngọc nhoẻn miệng cười, nói: “Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có thể chữa bệnh cho mọi người”.

Hoàng Gia Bảo (lớp Hai) - cậu bé Làng Nủ vừa chống chọi với vết thương ở chân, vừa phải chịu đựng nỗi đau mất cả cha và mẹ. Ngày em trở lại trường, các thầy cô đón em bằng cả yêu thương và xót xa không tả xiết.

Thầy Nguyễn Văn Phong - giáo viên chủ nhiệm của em - cho hay, từ cậu bé hoạt bát, thông minh, Bảo trở nên nhút nhát và trầm tính, dù sức học của em vẫn tốt. Hiện Bảo đã bỏ nạng, tập tễnh tự đi lại. Giờ ra chơi, thầy Phong cùng các giáo viên trong trường thay nhau khi thì dạy kiến thức để em theo kịp chương trình, khi chỉ đơn giản là ngồi xuống nói chuyện để em khuây khỏa.

“Quan trọng vẫn là ổn định tâm lý cho các em. Với những học sinh Làng Nủ, nhất là những em mất cha mẹ, thầy cô càng chăm chút, yêu thương, hy vọng có thể bù đắp phần nào tình thân mà các em thiếu hụt” - thầy Phong nói.

Thầy Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS số 1 xã Phúc Khánh - chia sẻ: “Những ngày đầu trở lại trường học, tâm lý nhiều em rất bất ổn. Có những em không thể tập trung vào bài giảng mà cả buổi chỉ khóc vì nhớ người thân. Có em thì bị ám ảnh nặng nề vì những điều mình vừa trải qua.

Chúng tôi buồn đau khi nhiều học sinh đã không còn có cơ hội đến lớp, càng thương hơn những em bị ảnh hưởng tâm lý. Bằng tất cả tình yêu thương của người thầy, thậm chí là người cha, người mẹ; chúng tôi theo sát, ở bên cạnh động viên các em mạnh mẽ, vượt qua đau thương để tiến về phía trước”.

Làng Nủ mới đã khánh thành, đời sống bà con dần ổn định. Tại trung tâm Làng Nủ là điểm trường của Trường tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh và Trường mầm non Phúc Khánh. Mỗi giờ ra chơi, tiếng cười đùa, tíu tít chạy nhảy của bọn trẻ không chỉ rộn rã sân trường mà còn khiến cả Làng Nủ như căng đầy sự sống.

Cô Hoàng Thị Hoa - giáo viên điểm trường Làng Nủ, Trường mầm non Phúc Khánh - cho biết, thời gian đầu, khi trẻ đi học trở lại, các cô giáo rất vất vả để các cháu không hoảng sợ. “Mỗi khi các con hỏi “cô ơi bạn A đâu, bạn B đâu?” là các cô lại thắt lòng, nhiều khi phải quay đi lau nước mắt.

Rồi đến bữa ăn hay lúc vui chơi, các con vẫn để phần đồ ăn và dành đồ chơi cho các bạn. Phải khá lâu sau, các con mới quên thói quen đó. Hiện, các lớp đều đã trở về trạng thái bình thường. Các em có giấc ngủ ngon và cười nói vui vẻ khi đến trường, với chúng tôi đó là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất” - cô Hoa xúc động nói.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI