Học trò bây giờ quá ham mê vật chất

12/06/2022 - 09:55

PNO - Tôi quan niệm, suy nghĩ của học sinh cũng giống như một cái cây non, nếu uốn nắn kịp thời vẫn có thể đứng thẳng.

Có những giờ ra chơi, tôi không đến phòng đợi giáo viên mà ở lại lớp để quan sát học sinh. Đôi lúc tôi bắt chuyện cùng nhưng thỉnh thoảng tôi ngồi ở bàn giáo viên lắng nghe những mẩu đối thoại ngắn của các cô cậu học trò. Những câu chuyện không đầu không cuối, không có đề tài cụ thể nhưng giúp tôi hiểu tính nết, suy nghĩ của mỗi học sinh.

muốn giàu thì phải đẹp đã (Ảnh minh họa)
Chăm chút cho ngoại hình là cần thiết nhưng xem nhan sắc là "phương tiện" để làm giàu là không ổn (Ảnh minh họa)

Gần đây, vào giờ giải lao, tôi nghe một nhóm nữ sinh đang bàn luận về chuyện “hot” trên mạng xã hội về một cô ca sĩ. Những câu đối thoại ngắn của các nữ sinh làm tôi chú ý: “Bị chửi te tua mà có tài sản mấy chục tỉ cũng chấp nhận ha”; “Ai nói gì mặc kệ chứ, mình đẹp thì mình có quyền chứ, đâu phải ai cũng đủ nhan sắc để săn được đại gia đâu”, “Đầu tư vào cải thiện nhan sắc là con đường chân ái đó, muốn giàu thì phải đẹp đã”.

Hầu hết học sinh nữ có mặt đều gật đầu đồng ý chứ không ai lên tiếng phản đối khiến tôi giật mình. Tôi lân la tham gia và hỏi xem các em quan tâm đến vấn đề gì trong câu chuyện đó. Hầu như tất cả các em chỉ chú ý đến cách tạo ra cuộc sống giàu sang, thậm chí chuyện lùm xùm chưa có hồi kết về cô ca sĩ làm người thứ ba sở hữu xe hơi và cuộc sống sang chảnh cũng được các em trầm trồ, ngưỡng mộ.

Điều đó cho thấy các khái niệm đạo đức hay lòng tự trọng bị các em xem nhẹ, trong khi tư tưởng nặng về vật chất ăn sâu vào suy nghĩ. Nhiều nữ sinh có sắc vóc không chú ý đến học tập mà chỉ chăm chút chuyện làm đẹp, quay clip để đưa lên mạng để sống ảo.

Trong một buổi sinh hoạt với chủ đề hướng nghiệp, khi tôi đặt câu hỏi về nghề nghiệp được các em lựa chọn trong tương lai với các tiêu chí: "Chọn nghề gì?", "Vì sao lại chọn nghề đó?"... thì hoàn toàn bất ngờ khi nghe câu trả lời từ học sinh.

Chỉ có một vài em có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp theo sở thích, nhu cầu, thế mạnh còn hầu hết đều chung một lựa chọn “chỉ cần kiếm được nhiều tiền”.

Nhiều học sinh nam muốn làm “YouTuber” hay “Tiktoker” để có cơ hội kiếm tiền mà không cần phải học hành vất vả. Chỉ cần quay lại các clip độc, lạ, thu hút nhiều người xem, đạt được nút bạc, nút vàng là tự dưng có tiền.

Có thể thấy, những tấm gương người tốt việc tốt, học giỏi, giàu lòng nhân ái không được học sinh quan tâm bằng những “idol” thường khoe cuộc sống sang chảnh ở trên mạng.

vài em có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp theo sở thích, nhu cầu, thế mạnh (Ảnh minh họa)
Trong lớp tôi dạy, chỉ vài em có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp theo sở thích, nhu cầu, thế mạnh (Ảnh minh họa)

Nếu chỉ qua những giờ học trên lớp, chưa chắc đã nắm bắt hết được suy nghĩ thật sự của các cô cậu học trò mà cần lắng nghe những gì các em trao đổi cùng nhau. Nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường hiện nay chỉ được thực hiện qua môn giáo dục công dân và sinh hoạt ngoại khóa. Nhưng gần như các em không hứng thú với những bài giảng ở trên lớp nên nắm bắt không được nhiều.

Trong khi đó, các “idol” mạng xã hội nói hay làm điều gì, các em lại học theo rất nhanh. Những bài viết tràn lan trên mạng: "Vợ streamer giàu nhất Việt Nam bỏ học từ lớp 10, mạnh dạn tuyên bố: xã hội giờ chỉ cần tiền thôi", "Bỏ học giữa chừng, nữ siêu mẫu tạo cơ ngơi hoành tráng"… càng khiến nhiều em không mặn mà với việc học.

Tôi quan niệm, suy nghĩ của học sinh cũng giống như một cái cây non, nếu uốn nắn kịp thời vẫn có thể đứng thẳng. Thay vì chỉ nói lý thuyết suông nên chọn cách lồng ghép chuyện xã hội vào những bài giảng. Những ví dụ thực tế từ những sự kiện đang được quan tâm luôn đem lại hứng thú cho các em. Định hướng kịp thời về những vấn đề mới đang xảy ra trong đời sống cũng là một cách để giúp học sinh nhận thức đúng đắn.

Hoàng Thanh (Lâm Đồng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI