Học tích hợp, con tôi trở nên tự tin, năng động

17/06/2016 - 14:01

PNO - Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) là một nhà quản lý giáo dục, đồng thời cũng là một phụ huynh.

Không chỉ tiên phong mang chương trình giảng dạy các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Bộ Giáo dục Anh quốc và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (gọi tắt là chương trình tiếng Anh tích hợp) về triển khai cho học sinh trường mình, cô còn chủ động cho con vào học chương trình này ngay từ đầu.

PV: Cô đăng ký cho con mình học chương trình tích hợp ngay khi chương trình vừa được triển khai thí điểm ở một số ít trường. Lúc đó đang lưng chừng giữa năm học và cháu cũng đang học tại một trung tâm ngoại ngữ bên ngoài. Liệu quyết định này có…mạo hiểm không, thưa cô?

Cô Trần Thúy An: Đúng là tôi chọn cho con mình vào học chương trình tích hợp khi nó vừa được phép thực hiện từ học kỳ II năm học 2014-2015, trước đó, chưa có một trường nào đã thực hiện chương trình để đánh giá mức độ hiệu quả. Tôi quyết định như vậy sau khi đã tìm hiểu khá kỹ càng về chương trình, đối tác thực hiện chương trình và những cơ sở pháp lý để thực hiện chương trình này. Cũng như bao phụ huynh khác tôi biết nhu cầu của phụ huynh cho con theo học chương trình này là rất lớn.

Hoc tich hop, con toi tro nen tu tin, nang dong
Học sinh thích thú được học với giáo viên bản xứ.

PV: Vì sao cô chuyển cháu vào học chương trình tích hợp trong khi cháu vẫn đang được học tiếng Anh tại trung tâm?

Cô Trần Thúy An: Tôi chọn như vậy một phần vì tiện đưa đón con và để con có thêm thời gian buổi tối ở nhà giải trí, sinh hoạt gia đình… Trước đó, con tôi chỉ học chương trình tiếng Anh của Bộ và học thêm Anh văn bên ngoài. Khi học tại trung tâm ngoại ngữ bên ngoài mỗi tuần chỉ gặp giáo viên bản ngữ 1-2 tiết nên khả năng giao tiếp của con cũng còn hạn chế, gặp người nước ngoài thường hay “né” và khá rụt rè khi giao tiếp. Tôi nghĩ với thời lượng 8 tiết/tuần học với người nước ngoài, hết giao tiếp với thầy tiếng Anh đến học với cô giáo dạy khoa học thì giá nào cũng phải tiến bộ về kỹ năng giao tiếp tiếng Anh. Các con được thực hành thường xuyên, làm quen với nhiều giọng khác nhau thế là tự tin hẳn lên khi có thể nghe được người nước ngoài nói và giao tiếp với họ thoải mái.

Những lần đi du lịch hoặc đến nơi có nhiều người nước ngoài, tôi để ý thấy con không cố tình “né” nữa mà quay ra chủ động bắt chuyện với người ngoại quốc, nói khá tự nhiên. Bây giờ cháu có thể đọc hiểu được các quyển truyện tiếng Anh. Khi kiểm tra từ vựng trong sách, tôi biết con không đủ vốn từ để hiểu hết 100% nhưng lại có kỹ năng để hiểu cơ bản nội dung và diễn biến câu chuyện, nghĩa là đã cải thiện được kỹ năng đọc - hiểu… Thấy con tiến bộ nên tôi nghĩ không cần thiết phải cho học thêm bên ngoài nữa.

PV: Phải mất bao lâu các cháu mới tiến bộ như vậy?

Cô Trần Thúy An: Con tôi là “tay ngang”, chưa học qua các chương trình tiếng Anh với người nước ngoài nên ban đầu cháu chỉ có thể học được chừng 5 phần những gì thầy cô dạy. Nhiều học sinh mới cũng đều gặp khó khăn thiếu vốn từ khi vào không gian chỉ nói tiếng Anh. Nhà trường dự giờ, theo dõi học sinh nhận ra điều này nên góp ý với giáo viên và nhân viên phụ trách người Việt, em nào chưa thích nghi được thì sẽ nhờ thầy dạy lại…

Hơn nữa, thầy cô luôn khuyến khích học sinh nói, đặt câu hỏi nhiều nên các em mau chóng thích nghi, tiến bộ. Giờ nhiều em tự tin thuyết trình, thậm chí đặt vấn đề ngược lại với giáo viên… Mỗi năm, các giáo viên và nhân viên phụ trách người Việt họp phụ huynh 2 lần để trao đổi về sự tiến bộ từng đợt của học sinh so với trước đó, trao đổi về thái độ và kết quả học tập của các em. Nhiều phụ huynh cho rằng họ đầu tư khá… đáng đồng tiền.

PV: Nhưng với một chương trình mới đưa vào triển khai chắc chắn vẫn còn những điểm cần hoàn thiện…

Cô Trần Thúy An: Như tôi đã nói, có thể có một số học sinh gặp khó khăn ban đầu về ngôn ngữ vì chương trình hoàn toàn do giáo viên nước ngoài đứng lớp sử dụng tiếng Anh để giảng dạy, giao tiếp nên một số em chưa thích nghi ngay được, cách sắp xếp chương trình theo logic giữa Viet Nam và Anh có những điểm khác nhau… Nhưng những hạn chế nàytheo tôi là tất nhiên khi tích hợp hai chương trình vàkhông phải quá lớn, chỉ cần ban giám hiệu hiểu rõ về những điểm khác biệt cũng như tương đồng, theo sát, góp ý điều chỉnhvà phụ huynh động lòng sẽ khắc phục được. Trên thực tế, so sánh với đầu năm học và kết thúc cuối kỳ, phần lớn những khó khăn này đã được giải quyết và nhìn chung học sinh và phụ huynh rất yên tâm cho con em tiếp tục theo học.

Xin cảm ơn cô!.

Mỹ Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI