Học… thuê

17/04/2015 - 09:49

PNO - PN - Ngay từ bậc tiểu học, nhiều đứa trẻ đã được học… thuê từ cách dạy của người lớn. Muốn con học bài, làm bài tốt, hay vì con cái lơ là trong việc học, ông bà, cha mẹ thường ‘treo giải’ cho con em mình.

edf40wrjww2tblPage:Content

Có thể đó là những cái bánh, cái kẹo, lớn hơn là vài ngàn đồng, vài chục ngàn đồng, lớn hơn nữa là những món quà có giá trị về vật chất.

Và nhất là với những đứa trẻ lười học, người lớn thường hứa thế này, hẹn thế kia để cho con em mình học hành đàng hoàng hơn. Và cứ thế, người lớn đã gieo cho con trẻ thói quen xấu: học…thuê.

Hoc… thue

Nguồn ảnh: suckhoetoiyeu.com.

Cũng từ đó, rất nhiều đứa trẻ lớn theo hành trang kiến thức của mình gắn với những món quà được “trả công” từ ông bà, cha mẹ, người thân.

Nhiều bậc phụ huynh quan niệm sai lầm, rằng muốn con học tốt thì cần “treo giải thưởng”. Hôm nay con được điểm 9 cho năm ngàn, ngày mai con được điểm 10 cho mười ngàn… Như thế, họ đã vô tình gieo cho con quan niệm lệch lạc trong quá trình học tập.

Đó là việc học thuê ở mức độ nhỏ.

Những thầy cô gắn bó với sự nghiệp trồng người, nhất là giáo viên chủ nhiệm ở bậc THPT, chắc chắn trong đời mình, ít nhất thầy cô cũng đối diện đôi ba trường hợp học sinh “học thuê”. Những trường hợp này đa phần rơi vào con nhà giàu, cha mẹ kiếm tiền nhiều nhưng thời gian gần gũi, quan tâm con cái có phần hạn chế.

Việc học thuê này ở mức độ cao hơn và nghiêm trọng hơn. Vì lúc này độ tuổi các em đã lớn khôn hơn, thêm vào đó, việc học thuê đã được “ươm mầm” từ nhỏ nên các em đòi hỏi cao hơn, nhiều hơn và tinh vi hơn.

Đối diện với những em học thuê, giáo viên khá vất vả để dạy các em nên người. Khi học sinh không chép bài, không chịu học bài, không tập trung trong giờ học, việc giáo viên nhắc nhở, dạy dỗ, la rầy… đối với các em, chẳng có nghĩa lí gì.

Khi được hỏi vì “sao em không chịu học, đi học như vậy thì chẳng có kết quả gì”, giáo viên sẽ nhận được những câu trả lời: “Em có thích học đâu”, “Tại bố mẹ em ép em đi học chứ em không thích”, “Thầy gọi điện nói với ba mẹ em ấy”, “Em không học sau này em cũng giàu. Em sẽ nối nghiệp ba em”, “Ba mẹ em học thấp nhưng kiếm nhiều tiền”… Đủ những câu trả lời “rất thật” của các em.

Những câu trả lời ấy đã vô tình làm tổn thương những người thầy đêm ngày trăn trở với sự nghệp trồng người.

Hoc… thue

Nguồn ảnh: internet.

Không thể trách các em được. Chính bậc sinh thành đã gieo cho con em mình lối suy nghĩ, lối sống như thế. Nhiều gia đình sợ con bỏ học sẽ theo bè kết phái, sợ con mình hư hỏng nên đã thuê con đến trường. Con học được chữ gì thì học, không học được cũng chẳng sao, miễn sao ngày hai buổi đến trường để cha mẹ yên tâm làm việc.

Và điều đó đã gieo vào cho con cái sự ỷ lại, sống chỉ biết bản thân. Những học trò như vậy được xem là cá biệt.

Cũng có những trường hợp gia đình thuê con học bằng cách sau khi tốt nghiệp THPT đã đưa con du học nước ngoài. Đây cũng là một hình thức thuê con đi du học. Họ thuê con đi du học không phải vì để con mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức mà vì nhiều lí do tế nhị khó nói ra.

Mặc dù vậy, một số học trò học thuê ấy được học những ngôi trường danh tiếng, các em được dạy tận tình, chu đáo, thầy cô hết mực yêu thương, tận tụy với học trò, “mưa dầm thấm lâu” nên các em đã nhận thức ra được giá trị đích thực của việc học, từ đó phấn đấu trong học tập, rèn luyện nhân cách để trở thành những học trò tiên tiến của trường.

Nhiều phụ huynh cũng vô cùng ngạc nhiên trước sự thay đổi của con cái nên gọi điện cho nhà trường để cảm ơn. Từ những học trò “học thuê”, thầy cô đã dạy cho các em ý thức được việc học và trở thành trò ngoan - giỏi, đó là niềm hạnh phúc vô bờ của thầy cô trong sự nghiệp trồng người.

Là một phụ huynh, đồng thời cũng là một người thầy, tôi luôn dạy con cái và học trò giá trị đích thực của cuộc sống: trí tuệ và tâm hồn. Có lần đứa con trai đang học lớp 2 hỏi tôi: “Nếu con đạt kết quả học sinh giỏi, cha tặng con cái gì?”. Tôi trả lời: “Con đạt loại giỏi là lẽ đương nhiên, đó là chuyện bình thường trong việc học của con nên cha không tặng gì hết”. Trả lời như vậy không có nghĩa là cứng nhắc. Sau đó, tôi tâm sự cho con hiểu về việc học của mình và dạy cho con bài học tự giác, rèn luyện bản thân từ nhỏ.

“Học thuê” sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường cho tương lai của con trẻ, cho các bậc phụ huynh và cả xã hội nữa. Chính vì thế, ngay từ khi con cái con nhỏ, các bậc phụ huynh cần dạy cho con cái ý thức về việc học, về bản thân. Động viên, khuyến khích con cái học tập, quan tâm chia sẻ cùng con cái trong học tập là điều rất cấn thiết.

Đừng nghĩ thuê con cái này, cho con cái kia để con học tốt chỉ là những chuyện nhỏ. Quan niệm sai lầm ấy sẽ dẫn đến những hệ lụy không tốt trong tương lai.

THÁI HOÀNG (TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI