Bạn Chu Lương Trí (sinh năm 1991) hiện nay đang theo học thạc sĩ tại Nhật chia sẻ tới độc giả những kinh nghiệm quý báu của một du học sinh thạc sĩ tại đất nước mặt trời mọc.
"Tôi tốt nghiệp trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Khoa Sinh Học. Hiện nay, tôi đang học tập và nghiên cứu tại khoa Nông nghiệp, trường đại học Miyazaki, Nhật Bản. Đây là một trường nằm ở phía Đông Nam của nước Nhật. Thông thường, khóa học Thạc sĩ ở Nhật Bản kéo dài trong hai năm. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cảm thấy kiến thức và trải nghiệm cuộc sống của mình chưa đủ để cho những bước đi trong tương lai nên đã quyết định đi học thạc sĩ.
Để chuẩn bị cho quá trình học tập tại một đất nước mới, tôi phải dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu trường, tìm thầy hướng dẫn và sau đó là xây dựng kế hoạch nghiên cứu, học tập cho khóa học sao cho phù hợp. Tiếp đó là chuẩn bị hồ sơ, ôn lại kiến thức Tiếng Anh và chuẩn bị cho kì thi đầu vào của trường.
Khi bắt đầu học tập tại đây, tôi vấp phải khá nhiều khó khăn mà có lẽ bất cứ một du học sinh nào cũng có thể gặp phải. Khó khăn đầu tiên là về ngôn ngữ, khả năng tiếng Anh của tôi khá tốt nhưng rất ít người Nhật có thể sử dụng tiếng Anh, trong khi đó, khả năng tiếng Nhật của tôi còn hạn chế. Chính vì thế việc thường xuyên gặp cản trở trong giao tiếp khiến tôi hay bị stress.
Khó khăn thứ hai, đó là cường độ làm việc ở Nhật Bản. Họ làm việc chăm chỉ, nghiêm túc và có trách nhiệm. Khi sống và làm việc với họ, bản thân sẽ phải thích ứng theo. Một ngày làm việc 12 đến 14 tiếng là chuyện thường tình ở Nhật Bản. Thời gian đầu chưa thích ứng kịp, tôi cũng khá mệt mỏi.
|
Bạn Trí chia sẻ niềm tự hào khi mặc trang phục dân tộc trình diễn trong buổi festival của thành phố mình theo học. |
Theo tôi thấy, chính vì áp lực như vậy nên ngay cả với người Nhật, họ cũng nhiều khi quá tải và bị trầm cảm. Rất nhiều trường hợp phải bỏ học giữa chừng, tự tử hay mắc bệnh về thần kinh ở Nhật Bản… Đó là mảng tối mà không phải ai cũng biết về Nhật Bản.
Hiện tại, tôi học về khoa học kĩ thuật, vậy nên ngoài việc hoàn thành các môn học trên giảng đường, tôi còn tham gia vào nghiên cứu, làm đề tài khoa học cùng với giáo sư hướng dẫn tại phòng thí nghiệm.
Khóa học của tôi có khung là 30 tín chỉ, trong đó bao gồm 20 tín chỉ là các môn học lý thuyết, 10 tín chỉ là luận văn tốt nghiệp. Nhìn chung, các khóa học ở những trường khác cũng tương tự như vậy. Dựa vào đó có thể thấy, yêu cầu để tốt nghiệp thạc sĩ không quá khó.
Đa số sinh viên sẽ hoàn thành hết khung chương trình trong 1 năm đầu tiên. Cái khó là thời gian còn lại được dồn vào nghiên cứu, thực hành thí nghiệm mà kết quả là các công trình khoa học, các bài báo khoa học được công bố. Một số sinh viên không có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu, chỉ cần tấm bằng thạc sĩ thì sẽ có nhiều thời gian rảnh để đi làm thêm, tăng thu nhập đáng kể.
Học phí tại trường của tôi theo học được tính theo kì, mỗi kì khoảng 50 triệu đồng Việt Nam. Tuy nhiên, do đi học bằng học bổng toàn phần tôi được miễn học phí. Về sinh hoạt thì tôi ở kí túc xá của trường với mức thuê khoảng 5 triệu đồng Việt Nam một tháng, đã bao gồm điện nước. Cộng thêm khoảng 4 đến 5 triệu tiền ăn uống, sinh hoạt. Như vậy, tổng cộng một tháng hết khoảng 10 triệu cho một du học sinh. Có một điều rất khác biệt với Việt Nam, ở Nhật, sinh viên thường không biết đến nấu ăn là gì, họ thường ăn ở canteen, chính vì thế, thời gian sẽ tiết kiệm hơn.
Tuy nhiên, chi phí tiền ăn ở này sẽ có sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực đô thị lớn như Tokyo, Kyoto với các khu vực tỉnh lẻ. Ở các thành phố lớn, tiền thuê nhà rất đắt và xa vị trí trung tâm, xa trường học, nên phải cộng thêm chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng không hề rẻ một chút nào.
Thường sẽ gần gấp đôi so với ở tỉnh lẻ, khoảng 20 triệu một tháng. Bù lại, ở các thành phố lớn, tìm công việc làm thêm rất dễ dàng với mức lương khoảng 150 đến 200 ngàn đồng Việt Nam một giờ, hoặc cao hơn, tùy thuộc vào khả năng tiếng Nhật tốt đến đâu. Chính vì thế, việc chi trả cho các khoản chi tiêu là rất thoải mái.
|
Ngôi trường mà bạn Trí đang theo học. |
Còn với tôi, do theo guồng công việc nghiên cứu và học tập ở trường đã tốn rất nhiều thời gian, thường khoảng 12 tiếng một ngày nên tôi không có thời gian để đi làm thêm. Học bổng của tôi cũng đủ trang trải cho việc sinh sống và học tập nên tôi cũng chưa có ý định đi làm. Nếu muốn đi làm thêm, du học sinh hay tu nghiệp sinh, sinh viên trường Nhật ngữ… cần phải xin một giấy phép được đi làm thêm và được phép làm không quá 28 tiếng một tuần.
Theo tôi thấy, Nhật Bản là nước có môi trường làm việc khắc nghiệt nhất thế giới, và môi trường đó cũng rèn luyện ra những người lao động xuất sắc nhất thế giới. Họ trung thành với ông chủ, làm việc say mê và không đòi hỏi lợi ích. Họ luôn đặt ưu tiên công việc lên hàng đầu, gia đình, bạn bè vẫn phải xếp sau. Nhưng bù lại, họ trả lương rất xứng đáng. Một người có việc làm, dù công việc có mức lương thấp nhất cũng có thể nuôi sống được cả gia đình. Vậy nên, đối với họ, được làm việc, được lao động là rất hạnh phúc và vinh dự.
Sau khi học xong thạc sĩ hay tiến sĩ, không chỉ ở Nhật mà ở các nước khác, cơ hội phát triển sẽ tốt hơn nhiều. Tôi có thể kể một vài lợi thế sau khi học xong mà có thể nhìn thấy được ngay, ví dụ như được ưu tiên tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước, được làm giảng viên các trường đại học, cao đẳng hay làm việc trong các công ty, tập đoàn của nước đang hoạt động ở VN chẳng hạn…"
Độc giả Chu Lương Trí