Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Thầm lặng giữa đời thường

19/05/2014 - 11:31

PNO - PN - Trong buổi lễ biểu dương 138 tập thể, 221 cá nhân thực hiện tốt học và làm theo Bác 2013-2014 ngày 17/5 do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức, không thấy họ bước lên bục giao lưu, nhưng những gì họ đóng góp, hy sinh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Chi -  Người gieo niềm tin

Hoc tap va lam theo tam guong dao duc Ho Chi Minh: Tham lang giua doi thuong

Chúng tôi tìm gặp cô giáo Nguyễn Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh, Q.12, một ngày sau lễ tuyên dương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cô Kim Chi sinh năm 1967 trong một gia đình thuần nông ở xã Thạnh Lộc, huyện Hóc Môn (nay là Q.12). Cô kể: “Những năm đầu đất nước mới giải phóng, ba má tôi xung phong ra xã dạy lớp xóa mù chữ cho người dân trong vùng. Có lẽ vì thấy ba má làm việc hay nên sau này trong nhà có đến sáu anh chị em cùng theo nghề giáo”. Năm 1990, cô Kim Chi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. 16 năm dạy văn khối 9, cô được đồng nghiệp và lãnh đạo tin cậy đề bạt giữ chức Hiệu phó Trường THCS Phan Bội Châu, Q.12. Ba năm ở cương vị này, cô Kim Chi đã có rất nhiều sáng kiến cho công tác quản lý giáo dục. Chính vì vậy, lãnh đạo ngành và UBND quận đã nhất trí điều chuyển cô Chi về trường Nguyễn An Ninh làm hiệu trưởng. Thách thức với cô vì đây là trường THCS lớn nhất Q.12, luôn được phụ huynh, giáo viên lẫn lãnh đạo quận chú ý.

Không chỉ miệt mài với công việc, cô Chi còn là một trong hai giáo viên đầu tiên của trường hoàn tất bậc cao học, là cá nhân duy nhất của trường được vinh dự nhận Huân chương lao động hạng Ba, đưa trường Nguyễn An Ninh đạt danh hiệu trường THCS chuẩn quốc gia đầu tiên của quận vào năm 2012.

Theo đánh giá của nhiều đồng nghiệp, điểm thuyết phục nhất của cô Chi chính là lối sống “đắc nhân tâm”. Cô Lê Thị Phượng, giáo viên môn công nghệ của trường kể: “Cô Chi có một trí nhớ tuyệt vời. Cô nhớ hầu hết về cuộc sống riêng tư, về những tố chất, hoàn cảnh của từng giáo viên, của con em giáo viên, của học sinh giỏi lẫn học trò cá biệt để kịp an ủi, động viên, chia sẻ lúc cần. Một lời an ủi kịp lúc của cô Chi gieo vào lòng chúng tôi biết bao niềm tin, hy vọng”. Hỏi cô sao làm được điều đó, cô cười chỉ chúng tôi tấm bảng, mà không, đó là hai cánh cửa tủ đựng hồ sơ chi chít những dòng ghi chú ngay sau bàn làm việc của cô. Trên đó, ghi chi tiết bao nhiêu giáo viên có con năm nay học lớp 9, lớp 12, giáo viên nào đang điều trị bệnh, cha mẹ của giáo viên nào đang đau ốm, thậm chí là cả những dòng nắn nót về những em học trò tóc tai chưa đẹp… Cô nói: “Có lẽ tôi sống một mình nên có thời gian nghĩ cho nhiều người khác hơn một chút”.

Bác sĩ Kiều Ngọc Minh: Luôn xem bệnh nhân là người nhà

Hoc tap va lam theo tam guong dao duc Ho Chi Minh: Tham lang giua doi thuong

Dù là chủ nhật nhưng bác sĩ Kiều Ngọc Minh vẫn túc trực ở Bệnh viện (BV) Quận 2. Sau hai giờ chờ đợi, tôi mới biết anh đang theo dõi và hội chẩn cùng các bác sĩ Khoa Sản về một ca bệnh khó. Bệnh nhân là một sản phụ 26 tuổi bị tiền sản giật, vừa phải mổ bắt con tối hôm qua.

Nghe hỏi về bằng khen “Thực hiện tốt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh khiêm tốn: “Anh em trong BV chọn, chứ tôi thấy còn nhiều việc chưa làm được”. Nhưng thực tế, bác sĩ Minh đã cống hiến nhiều ý tưởng, sáng kiến cho BV. Anh đã tham mưu cho ban giám đốc chỉ đạo, hướng dẫn lập kế hoạch phát triển các khoa, tổ chức giám sát các hoạt động chuyên môn và đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh. Anh chia sẻ: “Sau hai năm thay đổi toàn diện, BV Quận 2 vừa trở thành BV hạng hai và đã có khoa vệ tinh của BV Ung Bướu, BV Nhi Đồng 2”. Anh hy vọng: “Tôi đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020, BV Quận 2 sẽ trở thành BV hạng 1.

Dù là trưởng phòng kế hoạch tổng hợp nhưng bác sĩ Kiều Ngọc Minh theo chuyên khoa gây mê hồi sức nên hầu hết những ca bệnh khó, anh đều được ban giám đốc phân công hội chẩn với các bác sĩ. Hầu hết thời gian của anh là ở BV. Anh băn khoăn: “Với một người làm nghề y thì phải nâng cao khả năng thực hành y đức. Lấy y đức làm kim chỉ nam và sức mạnh khoa học công nghệ làm nền tảng cho sức mạnh của BV. Để nâng cao khả năng thực hành y đức cũng không khó, nếu người bác sĩ biết đặt người bệnh vào vị trí là người nhà của mình”.

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm - “Sống phải có trách nhiệm”

Hoc tap va lam theo tam guong dao duc Ho Chi Minh: Tham lang giua doi thuong

Vừa trở về từ Phú Quốc sau chương trình Tự hào biển đảo Việt Nam diễn ra tối 17/5, Võ Minh Lâm - Quán quân Chuông vàng vọng cổ 2006 đã bắt tay ngay cho đêm biểu diễn mừng sinh nhật Bác tối 19/5.

Rất có duyên với những bài ca về Bác Hồ, về người lính, Võ Minh Lâm còn là một trong số ít những nghệ sĩ trẻ của sân khấu cải lương luôn có mặt trong nhiều chương trình biểu diễn phục vụ cộng đồng. Đặc biệt hơn, từ năm 2012 đến nay, Võ Minh Lâm đã có đến bốn chuyến đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ đảo Trường Sa, trong đó có hai chuyến đi chỉ cách nhau hơn mười ngày vào cuối tháng Ba và giữa tháng Tư năm nay. Nhận tin mình được UBND TP.HCM tặng bằng khen thực hiện tốt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013-2014, Võ Minh Lâm không giấu được niềm tự hào. Ngày diễn ra lễ trao bằng khen (17/5) cũng là ngày chương trình Tự hào biển đảo Việt Nam tổ chức tại Phú Quốc, Lâm chọn ra đảo.

Lâm chia sẻ: “Tôi đã thay đổi, đã “lớn lên” rất nhiều sau những lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sa. Lần đầu tiên ra Trường Sa năm 2012, tôi háo hức với niềm vui sẽ được ngắm nhìn cảnh đẹp mê hồn của biển đảo như những gì tôi được biết, nhưng những gì tôi thấy lại hoàn toàn khác biệt. Trường Sa đón tôi bằng cái nắng cháy thịt da, bằng điều kiện sống còn thiếu thốn nhiều thứ của những người lính đảo. Tôi ngạc nhiên và xúc động đến sững sờ trước sự hy sinh và sức chịu đựng phi thường của những người lính nơi đây, trong đó có cả những còn rất trẻ, trẻ hơn tôi khá nhiều. Tôi chợt nhận ra cuộc sống này còn biết bao nhiêu điều ý nghĩa, nào phải chỉ có những giá trị vật chất hay những con đường để tìm đến sự nổi tiếng… Tôi cũng biết yêu quý, trân trọng hơn từng phút, từng giây mình đang sống”.

Những điều đó khiến Võ Minh Lâm “ghiền” được ra đảo,”ghiền” những chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội. Không ít lần anh chấp nhận bỏ show diễn ở thành phố để được đi phục vụ. Võ Minh Lâm mạnh mẽ khẳng định: “ Với tôi bây giờ, điều quan trọng nhất là phải biết sống có trách nhiệm với chính mình và với cuộc sống quanh mình. Khát khao được vươn lên trong nghề nghiệp không phải chỉ là danh hiệu phải đạt được hay tìm cách có được nhiều fan hâm mộ mà là phải biết tự hỏi mình có thể sẽ làm được gì cho cuộc sống, cho những khán giả đã dành tình cảm cho mình”.

 Hạnh Chi - Văn Thanh - Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI