Học STEM là phải vui

28/10/2017 - 08:22

PNO - STEM viết tắt từ các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học).

Với tốc độ phát triển và lan tỏa của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện tại, STEM được ví như chìa khóa chiến lược để một quốc gia giành lợi thế trong cuộc đua công nghệ, tri thức, cạnh tranh kinh tế.

STEM đang len lỏi vào mọi khía cạnh cuộc sống chứ không còn là những môn học hàn lâm xa vời nữa, trao cho người giáo viên (GV) một công cụ để khơi gợi tình yêu các môn khoa học trong những đứa trẻ còn đang lạ lẫm với các định lý khô khan. Trên thế giới, STEM là ngành học mà các nhà hoạch định chính sách giáo dục buộc phải nhắm đến và nhìn nhận là ngành học chiến lược cho giáo dục nước nhà. 

Hoc STEM la phai vui
Giờ học STEM với chiếc xe đồ chơi trong lớp của thầy Tang Man-hon

Ở Hồng Kông (Trung Quốc), STEM là khái niệm mới, đang được các GV phát triển cho học sinh (HS) của mình. Nhiều chương trình theo nhau ra đời như thiết kế robot, viết code… được giới thiệu đến HS mọi cấp. Thế nhưng, chưa ai đo được độ hứng thú cũng như tính hiệu quả của những chương trình đó có thật sự được như mong muốn không.

Thầy Tang Man-hon, Trường tiểu học SHK St. Peter, xem việc học nhóm ngành STEM không chỉ gói gọn trong việc học cách chế tạo những con robot; không gian và công cụ học tập cũng không nhất thiết chỉ là máy tính và dây điện. Giờ lên lớp STEM của thầy Tang Man-hon có cả máy bay giấy, những chiếc xe hơi đồ chơi đủ màu sắc…

Thầy cho rằng, việc học STEM phải vui và thực tiễn với tất cả HS, đang trong độ tuổi tìm tòi, khám phá; bất kể nam hay nữ. Thầy Tang Man-hon chọn đi theo hướng sáng tạo vì muốn mọi người nhìn nhận đúng đắn hơn đối với các môn học STEM. Ở bất cứ đâu trên thế giới, khi STEM trở thành từ khóa “hot” thì tất yếu là các nhà sản xuất ăn theo tung ra thị trường vô số bộ dụng cụ học STEM.

Tuy nhiên, tất cả chỉ xoay quanh những bộ kit có sẵn, thật sự không gợi mở được cho óc tư duy của trẻ. Những người thầy khác biệt nhau ở chỗ đã truyền động lực và cảm hứng học STEM cho HS như thế nào. 

Ví dụ, chiếc máy bay giấy đơn giản có thể trở thành giáo cụ dạy cho HS hiểu về lực cản không khí và mối liên hệ giữa hình dáng cánh máy bay với tốc độ bay, độ cao, độ ổn định. Hoặc, với chiếc xe đồ chơi có động cơ mini, HS có thể tham gia một mô hình đường đua và được nghe thầy Tang Man-hon giải thích về phanh, lốp xe, vòng quay bánh xe, vô lăng…

Đó là lúc các em được học lý thuyết cơ học kết hợp kiến thức khoa học một cách sinh động chứ không phải “học chay” trên sách giáo khoa. Trong giờ học về điện, thầy Tang Man-hon cũng tận dụng những chiếc xe đó để giúp HS tìm hiểu về sơ đồ mạch điện, sự vận hành của các bộ phận khi được cấp điện... 

STEM có trở nên hấp dẫn hay không chính là nhờ cách dẫn dắt của người thầy. Học các môn ngành STEM dứt khoát phải vui, nếu không, đó chỉ là lý thuyết chết!

Thiên Anh
(theo Hong Kong Economic Journal)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI