Học sinh xúc cơm ăn cơm giữa sân trường, trên đường: Ám ảnh điểm số đến mức trầm cảm

15/12/2016 - 15:06

PNO - "Có trường hợp, các em bị ám ảnh điểm số đến mức căng thẳng và rối loạn cảm xúc, hành vi trong trạng thái cao độ với các biểu hiện như la hét, gào khóc".

Những bức ảnh học sinh đứng ăn vội vã trước cổng trường hay 2 em nhỏ lưng đeo cặp sách, ngồi sau trên xe máy đang phóng xúc cơm ăn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, phản ánh một thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.

Học sinh hay là những con robot chuyên nghiệp?

Trước câu chuyện này, trao đổi với PV, chuyên gia Tâm lý Phạm Hiền cho biết, bản thân bà không quá ngạc nhiên trước những hình ảnh như vậy. Đó cũng chính là nỗi buồn, sự trăn trở đến loay hoay của bà trong nhiều năm nay vì những áp lực ghê gớm mà các em học sinh đang phải chịu đựng từng ngày, từng giờ.

Hoc sinh xuc com an com giua san truong, tren duong: Am anh diem so den muc tram cam
Học sinh vừa đi đường vừa xúc cơm ăn.

Theo vị chuyên gia, việc nhiều phụ huynh đang cố dồn ép cho con cái học hành như hiện nay có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của các em học sinh. Với những sự kỳ vọng của cha mẹ hoặc thậm chí với sự kỳ vọng của chính các em học sinh đang khiến cho các em trở thành một robot chuyên nghiệp trong thời hiện đại.

''Ngủ dậy là nghĩ đến học, trong giờ học nghĩ đến giờ học thêm tiếp theo, trong giờ học thêm lại nghĩ đến làm bài tập về nhà buổi tối, thậm chí trong lúc ngủ cũng mơ thấy việc học tập... đã khiến cho các con luôn trong trạng thái tâm lý bất an vì lo lắng hoặc trong trạng thái lì lợm, chống đối, bất cần, buông bỏ.

Việc cha mẹ thúc giục, thầy cô thúc giục đã vô hình tạo cho các em học sinh một lối suy nghĩ rằng "Việc học là của thầy cô, cha mẹ, và con là người đi học hộ cho họ'', hoặc ''Học là nghĩa vụ của mình và phải gồng mình lên để đạt được thành tích''.

Dù là trạng thái tâm lý nào cũng sẽ khiến tính cách các con đi chệch hướng và bản thân các con mất đi sự vô tư, hồn nhiên và sáng tạo. Cứ thế lâu dần sẽ không còn sự hứng thú, nhiệt huyết, đam mê học tập. Thậm chí nó còn khiến các con cảm thấy việc học, và phải học là gánh nặng", bà Hiền cảnh báo.

Những con số biết nói

Vị chuyên gia Tâm lý tiết lộ, khoảng 3% đến 5% các em học sinh trong dự án test (kiểm tra- PV) tâm lý miễn phí của bà đang trong trạng thái trầm cảm nhẹ. Thậm chí có em bị trầm cảm nặng, phải dùng thuốc và điều trị lâu dài.

''Có trường hợp, các em bị ám ảnh điểm số đến mức căng thẳng và rối loạn cảm xúc, hành vi trong trạng thái cao độ với các biểu hiện như la hét, gào khóc, lặp lại các câu nói như: "Con sẽ chứng minh cho mẹ thấy con sẽ được điểm 10, mẹ cần con đạt điểm 10 đúng không.

Có em thì bị ám ảnh đi học thêm mà luôn trong trạng thái bực bội, khó chịu, miệng lẩm bẩm: "Lại bắt đi học thêm hả, con không đi học đâu, không bao giờ đâu'' hoặc ám ảnh vì thua bạn bè nên tức tối ''sao con có thể kém điểm hơn bạn ấy chứ, cô chấm sai, con sẽ bắt cô chấm lại...''.

Hoc sinh xuc com an com giua san truong, tren duong: Am anh diem so den muc tram cam
Đứng ở cổng trường xúc cơm ăn để... kịp học ca 3.

Tất cả những áp lực học hành dồn nén lại luôn khiến các con không thể kiểm soát được cảm xúc mà dẫn đến lúc buồn sâu, lúc lại cứ la hét để khẳng định mình... Điều này cũng khiến gia đình rối loạn, bất an theo con.

Khoảng 30% đến 40% các em học sinh trong tình trạng chống đối, bất cần, buông bỏ, không thích học, không muốn học... thậm chí sợ học", bà Hiền nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho rằng, cha mẹ cần biết từng giai đoạn độ tuổi nên đầu tư cho con học gì, phát triển gì, để không phải học quá nhiều môn học khiến con không thể kịp hấp thụ và phải di chuyển đi lại quá nhiều ảnh hưởng đến thời gian học chính của các con.

''Không nên bắt con phải phụ thuộc vào tư duy của người khác mà hãy để con được tự nghiên cứu, tìm tòi học tập thông qua kiến thức của bản thân.

Kỳ vọng để tạo động lực cho con là tốt nhưng kỳ vọng để tạo áp lực cho con thì không nên. Bởi não bộ của con cũng cần có thời gian để được nghỉ ngơi thì mới tái tạo thêm được năng lượng, tư duy của con cũng cần lắng xuống để nhận thức được các vấn đề theo chiều sâu và chắt lọc'', vị chuyên gia chia sẻ.

Hà My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI