Học sinh xăm mình, không lường được hậu quả

24/04/2021 - 06:52

PNO - Nhiều học sinh đua theo trào lưu xăm hình lên cơ thể mà không lường hết được các nguy cơ đối với sức khỏe, tâm lý và định hướng nghề nghiệp của mình. Việc xóa hình xăm lại không hề đơn giản, vừa tốn kém tiền bạc, thời gian, vừa mất thẩm mỹ…

 

Không ít học sinh bồng bột xăm hình, để rồi sau đó phải hối hận
Không ít học sinh bồng bột xăm hình, để rồi sau đó phải hối hận

Nhiễm lao da do dụng cụ “bẩn”

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - cho biết mỗi tuần, khoa này tiếp nhận ít nhất mười học sinh đến giải quyết hậu quả của việc xăm hình. Điều đáng nói là, có em được mẹ đưa tới bệnh viện khi đang học lớp Sáu. 

Gần đây nhất, bác sĩ Vân Thanh ghi nhận ba trường hợp phải gánh chịu hậu quả sau khi xăm hình. Nặng nề nhất là trường hợp của nữ sinh P.K.T., đang học lớp Bảy ở Q.Tân Bình, TPHCM. T. trốn giờ học ngoại khóa, theo bạn tới một tiệm xăm gần trường để xăm bông hoa màu đỏ ở bắp chân. Sau khi xăm, cô bé luôn mặc quần dài để giấu gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, được chừng một tháng chỗ xăm hình nổi cục gồ lên và xuất hiện lỗ rò, xì mủ ra ngoài. Sợ cha mẹ biết chuyện, T. tự ra tiệm mua thuốc kháng sinh uống mấy tháng nhưng tình trạng không thuyên giảm.

Cảm thấy quá đau và bất an, T. đành kể cho mẹ và được mẹ đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ ghi nhận, vùng da xăm hình bị hoại tử, áp xe. Bác sĩ cho làm xét nghiệm vi khuẩn đặc hiệu thì phát hiện T. bị lao da, nghi bị lây nhiễm trong quá trình xăm do dụng cụ không được vô trùng. T. phải uống thuốc đặc trị suốt ba tháng trời. Sau khi lành lại, vùng da xăm hình bị sẹo sâu, gây co kéo khiến bắp chân T. biến dạng, mất thẩm mỹ.

Khổ sở xóa xăm

Nhiều bạn học sinh sinh viên đến Bệnh viện Da liễu TPHCM để xóa xăm
Nhiều bạn học sinh sinh viên đến Bệnh viện Da liễu TPHCM để xóa xăm

Do còn nhỏ tuổi, học sinh chưa đủ khả năng để tiên lượng về ảnh hưởng của hành vi xăm hình với bản thân sau này. Một số em nghĩ đơn giản rằng, xăm hình lên cơ thể nhằm đánh dấu một kỷ niệm đáng nhớ, nhưng sau đó lại chật vật tìm cách xóa hình xăm và chịu thêm nhiều đau đớn, tốn kém. Câu chuyện của nữ sinh lớp Tám N.N.T.D. (Q.11, TPHCM) không chỉ khiến cha mẹ mà cả bác sĩ cũng cảm thấy đau lòng. 

Để lưu giữ kỷ niệm, D. lén gia đình đi xăm tên bạn trai học cùng lớp lên ngực. Bình thường, D. giấu hình xăm rất kỹ nên gia đình và mọi người không nhìn thấy. Đến khi cậu bạn chở D. và xảy ra tai nạn, D. bị chấn thương nặng phải nhập viện cấp cứu, xử lý các vết thương, hình xăm bị lộ ra, cha mẹ bé mới biết. Thời gian D. nằm viện, bạn trai sợ quá, trốn bặt. Sau đó, D. và bạn trai chia tay, cô bé cảm thấy ghét cậu bạn đó nên tìm mọi cách để xóa hình xăm. 

D. tự tới một cơ sở tư nhân để đốt hình xăm, nhưng càng xóa lại càng xấu, nguyên vùng ngực bị một mảng sẹo lồi. Lúc này, mẹ bé phải đưa con gái tới Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để xử lý hậu quả. Theo bác sĩ Vân Thanh, để tạo hình xăm nghệ thuật, các nghệ nhân dùng đủ thứ màu chứ không chỉ một màu xanh sậm nên không thể xóa được phần màu trên ngực D. Bác sĩ phải yêu cầu D. liên hệ với cơ sở xăm hình để hỏi họ dùng mực gì. Cơ sở xăm hình gửi cho D. hình chụp chai mực không có nhãn hiệu rõ ràng, được bán trên mạng. Dùng mực xăm kém chất lượng, về lâu dài, có thể bị rối loạn hệ miễn dịch. D. đi xăm tên bạn trai lên ngực chỉ tốn 500.000 đồng nhưng phải đi lại nhiều lần để xóa xăm, mỗi lần tốn vài triệu đồng.

Một trường hợp đáng tiếc khác là nam sinh lớp 12 Đ.M.T.T. (Q.3, TPHCM), được mẹ đưa tới bệnh viện xóa hình xăm ở vùng bắp tay, vai, gáy để thi tuyển vào ngành công an. Khi xăm hình, T. không hề biết việc này sẽ ảnh hưởng tới nghề nghiệp trong tương lai, cậu chỉ xăm hình vì bắt chước một thần tượng âm nhạc. Phát hiện hình xăm rải rác trên người con trai, mẹ T. khẩn khoản xin bác sĩ xóa hết hình xăm cho con trước thời hạn khám sức khỏe vào ngành. Theo bác sĩ Vân Thanh, với thời hạn chưa tới hai tháng, bác sĩ không thể xóa hình xăm kịp. Ngoài ra, dù cố xóa, những vết sẹo do quá trình xóa xăm tạo ra vẫn lộ rõ. 

Bác sĩ Vân Thanh cũng cảnh báo, tuy hiện nay, các tiệm xăm hình đã dùng kim mới cho mỗi khách hàng nhưng đầu giữ kim vẫn là đầu cũ, vẫn có nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm qua đường máu.

Một trường hợp thất bại khi xóa xăm
Một trường hợp thất bại khi xóa xăm

 

Bắt chước thần tượng

Liên quan tới trào lưu xăm hình ở học sinh, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du (Q.10, TPHCM) - cho biết hầu hết học sinh xăm hình là do bắt chước thần tượng. Nhà trường nghiêm cấm học sinh xăm hình nhưng vẫn có trường hợp lén lút xăm và che giấu hình xăm. Thầy Phú từng vô tình phát hiện hình xăm trên bắp tay một nam sinh lớp 12. Nhà trường đã nhắc nhở và yêu cầu nam sinh này phải che hình xăm vì không phù hợp với môi trường học đường. 

Thầy Phú cho rằng, truyền thông nên cân nhắc khi đăng hình ảnh, lời nói của những người nổi tiếng, bởi chúng gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới trẻ, nhất là với trẻ vị thành niên. 

Thanh Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI