Học sinh vừa đi đường vừa xúc cơm ăn ngay trên xe máy: Lời thật của phụ huynh

22/11/2016 - 11:30

PNO - "Học hành kiểu nhiều cha mẹ đang áp dụng không biết sẽ giúp trẻ tiến bộ đến đâu nhưng rõ ràng tình trạng sức khỏe của chúng đang xuống dốc không phanh, thậm chí nhiều cháu còn bị tự kỷ, bị ám ảnh".

Đoạn clip ngắn của anh Chu Chí Khanh (trú tại TP HCM) đăng tải, ghi lại hình ảnh một người đàn ông điều khiển xe máy chở phía sau 2 em học sinh vừa đi, vừa xúc cơm ăn vội trên đường thu hút sự chú ý của nhiều người trước tình trạng "ăn - học" của các em học sinh hiện nay.

Xem đoạn clip trên, nhiều người đã không giấu nổi cảm xúc xót thương, lo lắng.

Tâm sự "đau lòng" của các em học sinh

Chia sẻ với PV về những áp lực học đang phải "gồng mình" đi qua, nhiều em học sinh, sinh viên đã không giấu nổi cảm xúc, tâm sự thật câu chuyện của chính  mình:

"Ngày nào cũng vậy, mẹ của em luôn hỏi em rằng tại sao con lại luôn hoàn thành bài tập về nhà xong muộn đến thế? Hay vì con học chưa đúng khoa học? Nhưng thực sự mẹ em không hề biết rằng từ trước đến giờ em đã mệt mỏi như thế nào? Học thêm đủ các thể loại môn. Em đã nói với mẹ rằng em đã hiểu bài trên lớp, thế nhưng tối đến vẫn phải đạp xe đi học thêm. Bố mẹ thử đặt vị trí vào em, đã làm hành chính rồi, tối lại còn tăng ca làm thêm nữa, chắc hẳn bố mẹ sẽ rất mệt, vậy tại sao không nghĩ đến con?

Có nhiều hôm đi học về, đầu óc bơ phờ nhưng chẳng ai nhận ra em đang rất mệt. Mẹ hỏi có hiểu bài không? Còn em thì càng ngày càng cáu gắt, bẳn bó thậm chí còn không muốn giao tiếp với bố mẹ. Nói ra vẫn không thể nào diễn tả hết những cảm xúc trong lòng của em", đó là chia sẻ đầy mệt mỏi và bức xúc của bạn N.H.N (học sinh lớp 11).

Đồng quan điểm, Hồng N. (học sinh lớp 9) bày tỏ: "Vì em mới học lớp 9, mà hôm nào em cũng phải học suốt cả tuần với thời gian biểu dày đặc, tối 11h mới tắt đèn đi ngủ, sáng 4h30 đã phải dậy đến trường. Chính những điều đó đẽ khiến em "ngất lịm" mỗi khi lên lớp. Trước đây, ai cũng bảo em vui vẻ dễ gần nhưng giờ thì bản tính ấy cũng qua đi, lúc nào cũng cáu gắt và muốn thu bé lại một mình", Hồng N. chia sẻ.

Bạn Nguyễn H. vẫn chưa hết nỗi ám ảnh thời THPT của mình, H. chia sẻ: "Lớp 12, tinh thần em sa sút kinh khủng khi gia đình kỳ vọng vào em rất nhiều mà em học lại không nổi bật. Gia đình không có điều kiện, em lực học không tốt vậy vào đại học, cao đẳng thì ích gì, em muốn đi học nghề nhưng không ai cho.

Cuối cùng em vẫn thi trượt đại học. Những tưởng là những ngày tháng ngồi ôn luyện áp lực qua đi, nhưng chính ngày biết tin trượt đại học, bố mẹ mới vỡ mộng, rồi áp lực khác lại đè lên em khi luôn phải chứng kiến một thời gian dài bố mẹ lúc nào cũng cáu bẳn mệt mỏi vì phải chấp nhận sự thật em không đỗ đại học. Cho đến thời điểm hiện tại, khi em đã học nghề, công việc làm thêm ổn định hơn, tâm lý bố mẹ mới thoải mái hơn phần nào, thế nhưng, thỉnh thoảng bố mẹ vẫn xuýt xoa, cậu con là hàng xóm học đại học... Em cảm thấy rất buồn nhưng cũng thương bố mẹ, chỉ vì em không học được như bố mẹ mong đợi".

Hoc sinh vua di duong vua xuc com an ngay tren xe may: Loi that cua phu huynh
Hình ảnh minh họa.

Lời thật phụ huynh

Nhìn nhận câu chuyện ngoài xã hội lại giống với câu chuyện đang diễn ra trong gia đình mình, chị Quỳnh Mai chia sẻ: "Anh một hộp, em một hộp, đến bữa ăn là vội vàng đến thế,... chuyện cứ như xa xôi mà giật mình nhận ra con tôi cũng thế. Cháu đang học lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia nên bắt buộc phải ôn, phải luyện.

Về đến nhà, vứt cặp đấy, chưa kịp uống nước, thay quần áo đã phải lao đầu vào bàn vì gia sư đã đến rồi. Từ thứ 2 đến thứ 6 lịch học đã kín hết rồi. Bắt đầu từ 7h sáng đến 9h tối. Nhiều khi xót con, nhưng không còn cách nào khác. Vì không học thì sẽ thua kém bạn bè mất, tương lai sẽ mù mịt mất", chị Mai buồn.

Ông Vũ Xuân Dương (Hà Nội) bình luận: "Từng xem đoạn clip 2 cháu bé vừa đi vừa ăn, cũng như từng đọc những tâm sự đau lòng của các cháu về việc bị nhồi nhét học tập, tôi càng thấy thương con cháu mình hơn.

Con cháu tôi cũng sáng đi học, chiều đi học, tối lại đi học thêm. Ăn vội ăn vàng vài miếng cơm, thậm chí nuốt còn không trôi đã phải chạy vội vào góc học tập hay lăn bò ra làm bài về nhà. Không biết học xong rồi sẽ làm gì, khi mà không ít sinh viên, cử nhân ra trường không có việc để làm, cảm thấy vô cùng xót xa, lo lắng".

Nhìn nhận ở góc độ khác, chị Thu Trinh (Hà Nội) cho rằng đã đến lúc các bậc phụ huynh cần nhìn nhận và cân đối lại việc học hành của con em mình: "Hãy để bọn trẻ được phát triển tự nhiên, đừng nhồi ép, tạo áp lực vô hình nặng nề cho chúng thêm nữa, cha mẹ đừng cho con chạy đua thành tích nữa.

Học hành kiểu nhiều cha mẹ đang áp dụng không biết sẽ giúp trẻ tiến bộ đến đâu nhưng rõ ràng tình trạng sức khỏe của chúng đang xuống dốc không phanh, thậm chí nhiều cháu còn bị tự kỷ, bị ám ảnh. Tôi nghĩ chúng ta nên ngồi lại xem mức độ quan trọng và sự cân đối giữa các yếu tố thể chất, trí tuệ, tâm hồn thoải mái với thiên nhiên, những điều xung quanh, để con được phát triển một cách toàn diện nhất", chị Trinh nhấn mạnh.

Thanh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI