“Như chai nước đang đậy kín, nắp chai chưa được mở, dù có rót thế nào thì nước vẫn không thể chảy được vào bên trong chai. Tương tự, khi học sinh còn đang đóng chặt cửa tâm hồn thì các em chẳng thể nào đón nhận hiệu quả những bài học về đạo đức của thầy cô. Chính người thầy phải là người khai tâm, khai trí để các em mở cửa trái tim mà đón nhận những điều tốt đẹp...”- tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, nói.
|
Học sinh chịu ảnh hường rất lớn từ chính tấm gương của các thầy cô giáo - Ảnh: Huy An |
Bài học về lòng yêu thương
Phát hiện trong cặp của cậu con trai lớp Tám tên Nam có con dao Thái Lan, chị Thư (Q. Tân Bình, TP.HCM) thật sự hốt hoảng. Nghe mẹ hỏi lý do mang dao đến trường, cậu bé ngập ngừng: “Con mang theo gọt xoài”. Lẽ ra chị đã tin con, nếu Nam không có cái nhìn lấm lét. Bị mẹ tra gạn, Nam thú nhận: “Con mang dao lên trường dọa bạn”.
Con chị xưa nay vốn là một đứa trẻ ngoan hiền, sống tình cảm và biết yêu thương, giờ sao lại như vậy? Chị Thư run bắn cả người: “Con nghĩ thế nào khi mang dao lên trường dọa bạn?”. Nam bật khóc.
Theo lời Nam, tuần trước, thấy cô bạn thân học cùng từ cấp I lên đến cấp II của mình ngồi buồn thiu trong sân trường, Nam hỏi thăm thì biết cô bạn đang bị cả lớp hùa nhau cô lập. Để giúp bạn, Nam đi tìm M.A., người “cầm đầu” vụ cô lập để “hỏi chuyện”: “Sao bạn lại rủ cả lớp “bo xì” (nghỉ chơi) Anh Quyên? Bạn ấy buồn lắm”. “Mày muốn biết lý do thì tao sẽ cho mày biết”, M.A. chỉ dọa một câu rồi bỏ đi.
Hôm sau, vào giờ ra chơi, khi Nam ra sân đá bóng thì một nhóm 5 nam sinh lớp trên xuống tận lớp tìm Nam, tay vung vẩy dao hù dọa. Về lớp, nghe các bạn kể lại sự việc, Nam hiểu “câu trả lời” của M.A. là vậy.
Những buổi học sau đó, nghe tiếng trống báo giờ ra chơi là Nam tìm chỗ tránh mặt. Cả tuần rồi, Nam đến lớp trong tâm trạng sợ bị “rạch mặt” nên chẳng còn tâm trí cho việc học. Cuối cùng, Nam quyết định mang theo dao đến trường với ý nghĩ “thấy mình có dao, các anh sẽ sợ không dám làm gì”.
Không chấp nhận suy nghĩ nguy hiểm đó tồn tại trong đầu con trai, sáng hôm sau chị Thư cùng con đến trường trình bày rõ sự việc để nhà trường có hướng xử lý, trả lại môi trường lành mạnh cho các em. Chị động viên con thuật lại mọi việc với thầy chủ nhiệm. Nghe xong, thầy chủ nhiệm nhìn Nam bực bội: “Đồ anh hùng rơm. Thân mình không lo, bày đặt lo cho người khác!”.
Câu nói phũ phàng của thầy khiến người mẹ sững sờ. “Những bài học về lòng yêu thương, quan tâm đến người khác mà trường vẫn dạy cho HS và chính chị cũng luôn dạy dỗ con mình, thầy đã bỏ ở đâu?”. Sau đó, Nam và 5 nam sinh lớp trên bị kỷ luật trước toàn trường. Xin mẹ cho chuyển sang học trường khác, Nam chia sẻ: “Ở trên lớp, thầy cứ gọi con là ông Nam này, ông Nam nọ. Con tủi thân lắm”.
Người thầy phải biết khai tâm
Theo tiến sĩ Võ Văn Nam, ở khía cạnh học đường, đây là tình huống mang tính bạo lực về tâm lý, tinh thần. Loại bạo lực này ảnh hưởng nặng nề, dai dẳng, có khi đến suốt đời học sinh (HS). Vì vậy, giáo viên (GV) cần có cách ứng xử đúng để không gây ra những tổn thương tâm lý cho HS.
Anh Quyên bị tổn thương vì các bạn trong lớp rủ nhau nói xấu, cô lập, nghỉ chơi. Nam bị đe dọa từ hành động “cầm dao lam đi tìm” của những nam sinh lớp trên. Trong khi nỗi lo vẫn còn nguyên, em lại chịu thêm áp lực mới từ những lời lẽ nặng nề của GV chủ nhiệm.
Vấn đề đặt ra là tại sao bạo lực học đường cứ xảy ra ngày càng nhiều, tỷ lệ thuận với thời lượng của các môn giáo dục đạo đức HS (giáo dục công dân, kỹ năng sống)?
Một GV có nhiều kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng sống cho HS trung học tại Q.3 chia sẻ: “bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân: thiếu sự quan tâm từ phía gia đình, tác động từ phim ảnh và một phần từ chính môi trường mà trẻ bị tác động nhiều nhất - trường học. Do bạo lực diễn ra ở học đường nên vai trò của người GV rất quan trọng”.
Theo GV này, HS Nam cầm dao vào trường là do mất niềm tin vào người lớn. Niềm tin đó chỉ có thể có được khi mỗi ngày HS luôn nhìn thấy sự quan tâm từ thầy cô của mình. Cho dù các trường có tăng thời lượng giáo dục đạo đức đến bao nhiêu cũng chẳng có kết quả gì nếu người thầy sống, cư xử thiếu tình yêu thương, không tạo được lòng tin cho HS của mình.
Có một sự thật đáng buồn, do xem giáo dục đạo đức là môn phụ nên nhiều thầy cô đã lên lớp với tâm lý chán ngán. Khi thực tế xảy ra việc gì đó thì người thầy cũng không làm đủ trách nhiệm, sợ phiền phức mà bỏ qua việc tháo gỡ dần từng gút mắc của HS.
Cũng theo tiến sĩ Võ Văn Nam, trong tình huống trên, thái độ ứng xử của người GV chủ nhiệm là không đúng vì không phân tích cho HS thấy được việc đem dao để tự vệ là sai; trong khi hành động bênh vực cho bạn mình là đáng hoan nghênh. Chẳng những thế, GV chủ nhiệm còn gây tác động ngược, dập tắt ngọn lửa nhiệt tình, khiến HS mất đi sự tự tin và không thể hiện được tinh thần tương trợ bạn bè mà nhà trường vẫn dạy.
Cách ứng xử đó có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, gieo vào lòng HS tâm trạng bất cần, không quan tâm đến người khác, miễn sao mình an toàn. Hiện tượng HS ngày càng trở nên vô cảm có lỗi không nhỏ từ chính người lớn, cả từ các nhà giáo. Nhà trường - nơi lẽ ra phải giáo dục lòng vị tha, tinh thần sống “vì mọi người”, thì lại ngăn cản sự quan tâm, chia sẻ của HS, khiến sự chia sẻ ngày càng thành “của hiếm”. Đó là một bi kịch!
Nguyên nhân sâu xa của những vụ bạo lực học đường có phần do tác động một cách vô thức từ các thầy cô giáo. Chính GV đã đẩy HS, thay vì phát triển tinh thần theo hướng chân-thiện-mỹ, lại rẽ sang hướng khác. Cũng có những GV tuy nhiệt tình nhưng lại thiếu tri thức phù hợp. Người quản lý giáo dục lẽ ra phải am tường sâu sắc về phát triển nhân cách con người thì lại không nắm bắt được. Sự lơ mơ đó đã tạo lực cản cho sự phát triển nhân cách của HS, khiến HS một mặt co mình lại, mặt khác lại “xù lông” ra để đối phó.
Để chấm dứt bạo lực học đường, trước tiên, hãy nuôi dưỡng trong tâm hồn HS tinh thần vị tha, sống vì người khác, nhằm xóa đi phần nào sự cô độc trong cuộc sống hiện đại. Việc này đòi hỏi những hạt nhân trong ngành giáo dục, đặc biệt là các nhà giáo, phải nhìn thấy và ủng hộ những nhân tố cần được nâng đỡ, vun trồng, hun đúc, để những hạt mầm tốt đẹp ngày càng phát triển, đẩy lùi cái xấu. Hiện nay, chúng ta đang chăm chăm phê bình cái xấu mà quên chăm sóc cái thiện, cái đẹp. Dù các trường vẫn dạy những môn giáo dục công dân, kỹ năng sống cho HS, nhưng thường giáo điều và khô cứng, dạy và học đối phó; trong khi lẽ ra nó phải được cả người dạy và người học đón nhận một cách chân thành.
TS tâm lý Võ Văn Nam
|
Thu Lê