Học sinh Việt Nam giải "ma trận" của kỹ sư Google

26/03/2013 - 08:11

PNO - Kỹ sư phần mềm của Google rất ngạc nhiên khi các em học sinh cấp tiểu học ở Việt Nam có thể giải câu đố khó ở cấp độ tuyển dụng nhân sự của Google.

 Hoc sinh Viet Nam giai

Các em học sinh tiểu học Trường Bế Văn Đàn (Đà Nẵng) đang cùng học lập trình trong tiết học vi tính - Ảnh: Neil Fraser

"Không nghi ngờ gì về việc hơn nửa học sinh lớp 11 có thể vượt qua tiến trình tuyển dụng của Google", kỹ sư phần mềm Google Neil Fraser nhận định trên blog của mình trong chuyến du lịch đến Việt Nam và thăm Trường tiểu học Bế Văn Đàn (Đà Nẵng).

Neil Fraser lần lượt đến nhiều lớp, từ lớp 2 đến lớp 11 để tham dự tiết giảng dạy về khoa học máy tính. Anh đã rất ấn tượng về khả năng của các em với máy tính.

Trên blog của mình, Neil Fraser viết một bài rất dài kể chi tiết về những gì "gây sốc" cho anh tại các lớp học vi tính ở Trường tiểu học Bế Văn Đàn.
Ở lớp 3, các học sinh tiểu học đang được giảng dạy cách sử dụng Windows. Chưa hết, bọn trẻ còn biết cách soạn thảo văn bản thông qua phần mềm Microsoft Word có giao diện sử dụng "bằng tiếng Anh", anh viết.

Mức độ ấn tượng của Neil Fraser tăng lên khi anh đến với một buổi học của khối lớp 4. Các em đang lập trình với Logo, một ngôn ngữ lập trình máy tính dạng mô hình được sử dụng trong hệ thống giảng dạy. Đối với khối lớp 5, các em biết tạo ra các vòng lặp (cấu trúc lập trình lặp lại một thuật toán - PV) và các hàm gọi vòng lặp (câu lệnh cho máy tính hiểu và thực thi vòng lặp - PV).

Hoc sinh Viet Nam giai

Một bài tập lập trình mô tả với Logo - Nguồn: Blog Neil Fraser

Theo Fraser, điều này rất đáng kinh ngạc vì vượt xa mức độ kỹ năng và chương trình giảng dạy được cung cấp ở nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ. Anh tiếp tục bị sốc khi chứng kiến tốc độ giải thuật rất nhanh của các em khi lập trình.

Để kích thích sự đam mê môn này với các em, Neil Fraser tạo ra một phần mềm nhỏ và cũng là trò chơi hướng dẫn lập trình vòng lặp mang tên Blockly Maze. Bài toán đưa ra trong Blockly Maze là một mê cung dạng "ma trận" với các bức tường đan chéo nhau, các em lớp 11 cần giải đố có bao nhiêu góc khuất và đo kích cỡ của góc lớn nhất, một tập tin dữ liệu máy tính kèm theo.

Hoc sinh Viet Nam giai

Câu hỏi đặt ra trong bài toán "mê cung" của Neil Fraser - Nguồn: Blog Neil Fraser

Hoc sinh Viet Nam giai

Phần mềm Blockly Maze được Neil Fraser dành thời gian trong kỳ nghỉ tại Việt Nam viết ra, hướng dẫn các em làm quen và hiểu hơn về vòng lặp trong lập trình - Ảnh: Neil Fraser

Khi trở về Mỹ, Fraser đã hỏi một kỹ sư cấp cao tại Google về độ khó của bài toán anh đưa ra cho các em học sinh Việt Nam, so với câu hỏi trong tiến trình phỏng vấn rất khó khăn tại Google.

"Không biết mục đích câu hỏi của tôi, ông ấy cho rằng đây là một trong ba câu hỏi thuộc nhóm khó nhất", Fraser viết.

Trở lại với các em học sinh lớp 11, chỉ 5% các em không thể giải, điều ấn tượng là chỉ trong 45 phút "hầu hết các em đã hoàn thành" giải thuật và triển khai trong Pascal, và "một số ít các em" khác cần thêm 5 phút để hoàn thành nó.

Do đó, anh nhấn mạnh nhận định của mình "Không nghi ngờ gì về việc hơn nửa học sinh lớp 11 có thể vượt qua tiến trình tuyển dụng của Google".

"Tôi bước vào lớp trung học để chuẩn bị trợ giúp các em bất cứ điều gì tôi có thể. Tuy nhiên, thay vì nhà trường biết thêm từ kinh nghiệm của tôi, tôi lại là người học được nhiều điều từ họ. Nhà trường đã cho thấy cách giảng dạy môn khoa học máy tính nên được thực hiện. Hãy bắt đầu với tất cả mọi người từ khi còn trẻ, và cung cấp cho những ai đam mê một căn phòng không giới hạn để phát triển" - trích blog Neil Fraser.


Trang công nghệ The Next Web nhận định thật khó để biết trước những câu hỏi mà Google đưa ra khi tuyển dụng và các ứng viên phải vượt qua các bài thi khác. Đây mới là cái nhìn đối với một lớp có thể có kỹ năng thấp hơn hoặc cao hơn so với các em cùng trang lứa tại Việt Nam.

The Next Web cũng bày tỏ sự ấn tượng về "hệ thống giáo dục Việt Nam đang sản sinh ra các lập trình viên ở cấp độ thế giới với rất ít tài nguyên, cơ sở vật chất".

Neil Fraser cũng đồng ý kiến sau khi trò chuyện với các giáo viên tại trường, "phần mềm" là nguồn tài nguyên còn thiếu do chi phí đắt đỏ. Song song với việc tặng trường phần mềm do mình viết ra, Neil Fraser còn tặng thêm chi phí một năm để mời thêm một giáo viên giảng dạy vi tính "để các học sinh trong trường đều biết đến khoa học máy tính".

Hoc sinh Viet Nam giai

Anh Neil Fraser cùng các em học sinh tiểu học Trường Bế Văn Đàn (Đà Nẵng) và giáo viên - Ảnh: Blog Neil Fraser

Theo TTO
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI