|
Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động tích cực cũng là cách để các em nâng cao ý thức, tránh xa những cái xấu (trong ảnh: Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, TPHCM chuẩn bị bánh mì thịt tặng người lang thang, khó khăn) - Ảnh: P.T. |
Giáo viên thừa nhận “bị trói tay”
Giữa tháng Tư vừa qua, dư luận và học sinh Trường Hermann Gmeiner (quận Gò Vấp, TPHCM) bức xúc trước việc thầy giám thị yêu cầu 8 nam sinh lột đồ để kiểm tra xem các em có mang theo thuốc lá điện tử trong người hay không. Hiện thầy giám thị đã chính thức xin nghỉ việc vì ý thức được việc làm của mình là chưa đúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà trường.
Bà Võ Thị Lan Hương - Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường - cho biết trước khi nghỉ, thầy đã gặp và xin lỗi học sinh, phụ huynh bởi hành động nóng vội của mình khi xử lý vi phạm của học trò. Quan điểm của trường là xử lý nghiêm, không né tránh trách nhiệm. Tuy vậy, nữ hiệu phó cũng chia sẻ thực tế nhà trường gặp không ít khó khăn trong việc giáo dục các học sinh chưa ngoan, thường xuyên vi phạm nội quy, trong đó có những em đã bị phát hiện nhiều lần mang thuốc lá điện tử vào trường.
Việc làm của thầy giám thị là do nóng vội, thiếu kinh nghiệm trong xử lý, nhưng cũng xuất phát từ việc mong muốn chấn chỉnh các vi phạm của học sinh. Từ sự việc này nhà trường rút kinh nghiệm sâu sắc, có biện pháp tăng cường tập huấn cho giáo viên về cách xử lý tình huống phù hợp với môi trường sư phạm.
Thầy C.T. - giáo viên THCS ở quận 12, TPHCM - nhận xét, rõ ràng ở những trường hợp trên, giáo viên đã có cách hành xử nóng vội, không phù hợp chuẩn mực. Song, điều này cũng xuất phát từ thực tế học sinh đã nhiều lần vi phạm và được nhắc nhở trước đó nhưng không khắc phục. Theo thầy C.T., Luật Giáo dục 2019 và các quy định hiện hành nghiêm cấm giáo viên xúc phạm thân thể, danh dự, tinh thần học sinh. Đồng thời, Thông tư 32 năm 2020 của Bộ GD-ĐT quy định các hình thức xử lý kỷ luật học sinh vi phạm, gồm: nhắc nhở; khiển trách, thông báo với cha mẹ; tạm dừng học tập có thời hạn.
Các quy định này hướng đến mục tiêu kỷ luật tích cực, nhân văn, song gần như không cho giáo viên một quyền nào để ứng xử nghiêm khắc trước các vi phạm của học trò. Thực tế, ngay cả khi học sinh có thái độ hỗn láo thì giáo viên cũng không được to tiếng, không dám phê bình, vì hoàn toàn có thể bị “chụp mũ” là gây tổn thương tinh thần, xúc phạm danh dự. Khi thầy cô tịch thu điện thoại thì bị nói là xâm phạm quyền riêng tư. Thầy cô nhắc nhở học sinh giữa lớp thì các em về mách cha mẹ là thầy cô gây áp lực, lấy đó làm lý do không muốn đi học. Trong khi với nhiều em cá biệt, nếu chỉ nhắc nhở bằng lời nói thì hoàn toàn không có tác dụng.
Kỷ luật tích cực - khó nhưng phải làm
Ông Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TPHCM) - nhận định: hiện nay chúng ta muốn hướng tới giáo dục tích cực, kỷ luật tích cực. Tuy vậy, điều này không dễ dàng với các học sinh cá biệt, đòi hỏi thầy cô phải bao dung, gần gũi, thấu hiểu các em.
Chia sẻ về cách làm ở trường mình, ông Đỗ Minh Hoàng cho hay, không nên cứng nhắc lỗi vi phạm này thì ứng với hình phạt kia mà cần linh động theo từng tình huống.
Chẳng hạn, với học sinh hút thuốc, đánh nhau, theo quy định phải đình chỉ học tập 1 tuần. Nhưng thay vì vậy, trường chỉ đình chỉ 2-3 buổi, nhưng học sinh phải thực hiện 4-5 hành vi nhân ái vào dịp cuối tuần để thay thế. Còn hành vi nhân ái là như thế nào thì trường phải có hướng dẫn, tổ chức cho các em, như làm bánh mì để phát cho người khó khăn, phát quà cho người lang thang cơ nhỡ, đi làm thiện nguyện tại các nhà tình thương, mái ấm... Hành vi nhân ái là một cách tự rèn, để các em thấy được giá trị bản thân.
“Cách đây 2 tuần, có một em phóng xe trong sân trường, đụng bể bồn rửa mặt nhưng chạy luôn. Khi nhà trường mời lên, em liền nhận lỗi. Sau đó, thầy phân tích, xem qua camera, thấy hành vi của em không cố ý, nhưng lỗi là làm bể xong chạy luôn, trong khi đáng lẽ phải báo cáo và xin hướng dẫn cách khắc phục.
Khi hỏi em giờ xử lý như thế nào, học sinh nói sẽ mời phụ huynh vào đền. Như vậy, học sinh biết nhận lỗi, biết ý thức làm hỏng là phải đền, cho nên thay vì kỷ luật nhà trường trao đổi, nhắc nhở. Như vậy, tùy từng tình huống mà thầy cô có cách xử lý, miễn sao mục đích cuối cùng là học sinh nhận ra lỗi và khắc phục, chứ không nên chăm chăm xử phạt” - ông Đỗ Minh Hoàng kể.
Theo ông, đối với các học sinh cá biệt, nếu dùng các biện pháp kỷ luật khắc nghiệt sẽ không thể giáo dục được. Giáo dục tích cực đòi hỏi “mưa dầm thấm đất”, lan tỏa từ từ. Xử phạt một học sinh yêu cầu thầy cô phải rất trăn trở, có “nắn”, có “xoa” chứ không cứng nhắc. Bởi trường học không phải là tòa án, đối với tòa án thì tội này ứng với mức phạt kia, còn trường học là giáo dục, học sinh có con đường khác để khắc phục.
Không nên “chĩa mũi dùi” vào thầy cô Từ thực tế một số giáo viên phản ứng nóng vội trước vi phạm của học sinh, trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng - Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng cần có định hướng, tập huấn cho thầy cô thay vì chăm chăm “lên án” họ. Phóng viên: Chúng ta nói nhiều đến kỷ luật tích cực nhưng không phải ai cũng hiểu đầy đủ. Không ít thầy cô chưa thực sự làm chủ được cảm xúc cũng như hiểu các giới hạn trong việc xử lý vi phạm của học sinh. Bà nghĩ sao về vấn đề này? -Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng: Các quy định hiện nay đã nêu rõ giáo viên không được xúc phạm về thân thể và tinh thần học sinh, kể cả mắng chửi cũng không được. Nhưng làm cách nào để giáo viên biết được các giới hạn hành vi, đòi hỏi lãnh đạo ngành giáo dục và các trường tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giáo viên. Không ít trường hợp sự việc bị đẩy đi quá xa là do giáo viên không kiềm chế được cảm xúc, do đó, thầy cô cũng phải được học kỹ năng kiềm chế cảm xúc. Kỷ luật tích cực bằng lời nói, nhắc nhở có thể hiệu quả với những lỗi sai nhỏ, không cố ý. Song chúng ta không thể sử dụng những giải pháp mềm mỏng với những lỗi sai nghiêm trọng, kéo dài, vì như vậy càng khiến cho hành vi sai phạm đi xa hơn. Với các trường hợp này, giáo viên nên bình tĩnh và đi từ hình thức thấp nhất là trao đổi, nhắc nhở rồi mới đến kỷ luật, trong đó kết hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường. * Thực tế cứ mỗi lần xảy ra những vụ việc tương tự, chúng ta đều thấy dư luận “chĩa mũi dùi” về phía giáo viên. Điều này có thể khiến thầy cô cảm thấy lo sợ và rơi vào trạng thái thờ ơ trước những vi phạm của học sinh? - Thực tế đôi khi dư luận đẩy vị thế của học sinh lên quá cao, cho các em quá nhiều quyền mà không hiểu quyền phải đi đôi với trách nhiệm. Tự do trong khuôn khổ khác với tự do muốn làm gì thì làm. Tự do ở đây là tự do của một học sinh, nghĩa là phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh, đến trường để học tập, tuân theo nội quy trường lớp. Nếu học sinh vi phạm nội quy, giáo viên không được xử lý mà còn bị lên án thì thầy cô sẽ không có công cụ để giáo dục các em. Điều này có thể đẩy thầy cô đến tình trạng dạy cho đủ nghĩa vụ chứ không có trách nhiệm. Vì sợ bị lên án, bị kỷ luật, mất việc mà không ít giáo viên mặc kệ với cái sai của học sinh, về lâu dài sẽ kéo theo những hậu quả khó lường. * Có tình trạng phụ huynh nuông chiều con và phản ứng thái quá trước những biện pháp giáo dục của giáo viên, nhưng khi có việc gì xảy ra lại quay sang đổ lỗi cho thầy cô? - Cần nhìn nhận thầy cô cũng xuất phát từ việc muốn chấn chỉnh học sinh vi phạm mới tìm cách xử phạt. Nếu cha mẹ hiểu biết thì còn phải cảm ơn cô đã trách phạt khi con em mình vi phạm. Phụ huynh gửi gắm “trăm sự nhờ thầy cô” nhưng lại tước đi của thầy cô quyền xử phạt, điều chỉnh học sinh khi vi phạm. Chúng ta phê bình những hành vi thiếu chuẩn mực trong giáo dục, nhưng cũng đừng phản ứng thái quá trước sự nghiêm khắc cứng nhắc của thầy cô. Học sinh ngoài thời gian đến trường còn thời gian ở nhà, ở xã hội. Do đó, trách nhiệm dạy một đứa trẻ không thể đổ cho một mình giáo viên, mà còn của gia đình, xã hội. Học sinh vi phạm, phụ huynh cũng cần thấy trách nhiệm của mình trong đó. Phương Thanh (thực hiện) |
Minh Linh