Học sinh về quê tránh dịch: Không lo lỡ nhịp đến trường

08/09/2021 - 15:39

PNO - Hàng ngàn học sinh ở các tỉnh, thành phía Nam theo cha mẹ về miền Trung tránh dịch, bước vào năm học mới không ít khó khăn, nhưng các địa phương cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em vào học.

Bỏ bớt thủ tục rườm rà

Không để con em ở xa về nhập học muộn. Đó là quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nghệ An, khi địa phương này có đến 1.800 học sinh (HS) vừa từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Số HS này có hai nhóm đối tượng, một là HS chỉ học tạm thời trong thời gian phải tránh dịch và hai là HS xác định ở lại học lâu dài. Dù là đối tượng nào thì sở cũng chỉ đạo các trường ưu tiên cho các em nhập học theo đúng kế hoạch năm học và tạo mọi thuận lợi để đảm bảo quyền được học của các em.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc sở, nói: “Nếu HS về quê ở hẳn thì sẽ làm thủ tục chuyển trường. Nhưng thời điểm này dịch đang phức tạp, phụ huynh không thể đi lại nên chúng tôi chỉ đạo các trường tiếp nhận HS vào học bình thường. Sau khi thống kê, chúng tôi sẽ gửi văn bản đến các địa phương HS đang theo học để xác nhận. Sau này, nếu HS mong muốn quay trở lại trường cũ thì chúng tôi sẽ gửi kết quả học tập vào, còn không thì sẽ chuyển hồ sơ về”.

Học sinh ở TP.HCM về quê ở Quảng Ngãi  đang học trực tuyến - ẢNH: THANH VẠN
Bé Phan Trần Đại Khải, lớp 4/5, Trường THCS Đức Trí Đà Nẵng đang học online

Hiện, tại Nghệ An, dạy học trực tuyến là chủ đạo. Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD-ĐT H.Kỳ Sơn, cho biết với đặc thù là huyện biên giới, đời sống người dân còn khó khăn nên việc dạy học online rất khó. Qua khảo sát, toàn huyện chỉ có trên 25% HS ở một số xã trung tâm có đủ điện, internet, và thiết bị để học online. “Sau khi khảo sát, trường nào có đủ điều kiện chúng tôi sẽ cho học online, điểm trường nào không thể thì buộc phải tổ chức dạy học bình thường, nhưng các lớp học sẽ được chia thành hai ca sáng và chiều để đảm bảo không quá 20 HS/lớp. Riêng trường bán trú, khi vào học, tất cả sẽ được xét nghiệm COVID-19; sau khi vào học, toàn bộ giáo viên và HS không được ra ngoài”, ông Thiết nói.

Đứng trước chủ trương này, nhiều phụ huynh cho biết dù hết sức khó khăn về kinh phí để mua thiết bị cho con học online nhưng sẽ cố gắng xoay xở để con không gián đoạn việc học. Anh Nguyễn Khánh Phượng, trú tại H.Yên Thành, kể vợ chồng anh chạy xe máy chở theo hai con từ tỉnh Bình Dương về quê tránh dịch từ tháng trước. Bỏ về vì thất nghiệp kéo dài, chuyến hồi hương này cũng đã “vét” hết tiền tích cóp của gia đình suốt năm qua. Nhưng giờ khó mấy anh cũng phải cho con học; nếu con học online thì đành phải lắp đặt internet, tìm mua máy tính cũ, rẻ cho hai con thay phiên học.

Tại tỉnh Quảng Nam, ngành giáo dục chỉ đạo các trường tuyệt đối không chờ đầy đủ hồ sơ mới cho HS nhập học, mà cứ để HS theo học theo đúng chương trình ở trường cũ. Những hồ sơ cần thiết có thể bổ sung sau. Địa phương này ghi nhận có hơn 100 HS các cấp về từ TP.HCM. Chị V.T.Th. (xã Tam Đại, H.Phú Ninh) chia sẻ: “Tôi có đứa con năm nay vào lớp Hai. Con theo vợ chồng tôi về quê tránh dịch. Giờ không biết khi nào TP.HCM hết dịch, và vợ chồng tôi cũng chưa chắc sẽ quay trở lại nên đã nộp đơn cho con học tại địa phương”.

Gỡ nút thắt lo âu

Dịch và học online, mới lộ ra những khoảng trống mà tên gọi của nó là gánh nặng nhân lên lũy thừa ở nhiều gia đình HS về quê tránh dịch, và họ cùng nhà trường, địa phương vượt qua thách thức, để các em không đứt quãng việc học. 

Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, hiện có khoảng 20 HS về từ vùng dịch phía Nam đăng ký nhập học. Ngoài ra, còn có thêm nhiều trường hợp đặc biệt, đó là HS đang cách ly tập trung. Với những trường hợp này, ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Quảng Ngãi, cho hay: “Các em vẫn có thể tham gia học trực tuyến. HS tiểu học khi đi cách ly tập trung tại khu cách ly, thường sẽ có phụ huynh đi kèm. Nếu có thiết bị thông minh, phụ huynh có thể kèm cặp các em học ngay tại khu cách ly”. HS từ vùng dịch về tỉnh, nếu có nguyện vọng xin nhập học sẽ được giải quyết nhận vào trường ngay. Trường hợp các em về tỉnh nhưng tiếp tục học online theo chương trình tại các tỉnh vùng dịch thì tiếp tục học cho đến khi được học tập trung vẫn được nhận vào trường.

Học trực tuyến, đâu phải gia đình nào cũng có thiết bị. Em Trần Đình Bảo Duy, 12 tuổi, sống tại TP.Thủ Đức về thăm quê cùng gia đình hồi tháng Năm thì bị kẹt lại ở thị trấn Phú Lộc, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nên gia đình xin cho em vào học tại Trường THCS thị trấn Phú Lộc. Ông Trần Đình Hoa, bác ruột của em, lo lắng: “Ngoài việc nhiều gia đình không có đủ thiết bị cho con học trực tuyến thì hình thức dạy học này còn có thể làm các cháu mất tập trung, giáo viên khó quản lý, việc giám sát chất lượng học không đảm bảo”. 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Huế được kiểm tra thân nhiệt trước lúc vào trường - ẢNH: THUẬN HÓA
Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Huế được kiểm tra thân nhiệt trước lúc vào trường - ẢNH: THUẬN HÓA

Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng GD-ĐT H.Phú Lộc, cho hay: “Tất cả HS đều sẽ được nhập học đúng tiến độ và hỗ trợ thuận lợi nhất, thậm chí nếu HS những gia đình đó gặp khó khăn, thì nộp danh sách lên để chúng tôi có học bổng trợ giúp”. Còn H.Phú Vang có 228 HS trở về từ vùng dịch phía Nam, trong đó độ tuổi mầm non là 200 HS, khối tiểu học và THCS là 28 HS.

Ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng GD-ĐT H.Phú Vang, nói: “Những HS trở về từ vùng dịch, nếu chưa có điện thoại thông minh, máy tính, chúng tôi liên hệ hội cha mẹ HS các lớp lập nhóm Zalo riêng để phụ huynh đưa các cháu đến nhà bạn học, hoặc gửi bài giảng giáo viên qua ứng dụng Zalo, Gmail để phụ huynh tải bài tập xuống cho con học tại nhà. Bà con từ vùng dịch trở về quê còn muôn vàn khó khăn, trách nhiệm người làm thầy chúng tôi xác định sẽ luôn động viên các cháu học tốt”.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 1.000 HS các bậc học theo cha mẹ về quê tránh dịch. Vậy, nếu sau này các em muốn quay lại trường cũ thì sao?  Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông tin: Sở và các trường sẽ xác nhận kết quả đã học tập, tuyệt đối không gây khó khăn cho HS và phụ huynh khi có nhu cầu. 
Cũng không lo thiếu tài liệu, sách giáo khoa, thiết bị học trực tuyến với 313 HS Hà Tĩnh về từ vùng dịch, vốn đa phần khó khăn, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết chính quyền và nhà trường sẽ vận động việc cho mượn, mua, tặng thiết bị; tổ chức học theo các nhóm bạn và áp dụng mô hình “đôi bạn cùng tiến”. 

Đà Nẵng, hơn 2.000 học sinh đang ở các tỉnh, thành
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết: Hiện có hơn 2.000 HS Đà Nẵng đang ở các tỉnh, thành phố khác; trong đó có 692 em không đủ điều kiện học trực tuyến phải gửi học tạm ở 34 địa phương khác. Đối với trường hợp này, sở chỉ đạo các trường rà soát, lập danh sách những HS của trường mình hiện đang cư trú tại các địa phương ngoài TP.Đà Nẵng, liên lạc với HS để xác nhận thông tin HS của trường mình có đủ điều kiện học trực tuyến hay không để giúp đỡ. Sở cũng có công văn gửi các tỉnh, thành về việc phối hợp tiếp nhận, tạo điều kiện linh hoạt cho HS học tại nơi cư trú. 

HS và giáo viên Đà Nẵng ở bên ngoài, nếu có thể về địa phương được, sở sẽ đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ. Đối với  HS các địa phương đang bị kẹt lại Đà Nẵng, sở sẽ tạo điều kiện tối đa cho các em học tập.

Quảng Ngãi tìm mọi cách để tất cả học sinh đều được học 
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Ngọc Thái, cho hay: Vấn đề nan giải của ngành giáo dục tỉnh hiện nay là nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người đồng bào dân tộc thiểu số không mua được thiết bị thông minh, laptop, không có kết nối wifi… Để khắc phục tình trạng này, các trường xây dựng kế hoạch chia nhỏ lớp. Trên địa bàn một thôn, xã, HS có điều kiện thì học trực tuyến. Còn HS nào không có điều kiện thì tạo thành các nhóm nhỏ để học chung với nhau. Trường hợp không thể học online, giáo viên sẽ gửi bài tập cho HS làm bài ở nhà, sau đó thu lại để đánh giá. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngành giáo dục sẽ tổ chức dạy bổ sung, hệ thống hóa kiến thức cho HS tránh tình trạng hẫng hụt kiến thức. Những nơi quá khó khăn như xã Trà Sơn, Trà Phong (H.Trà Bồng), nhà trường sẽ dạy học trực tuyến trên ti vi. 

Thầy Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Phong (H.Trà Bồng), cho biết thêm: Nếu gia đình HS không có ti vi, điện thoại thì giáo viên sẽ ghép HS học với bạn cùng lớp hoặc cùng khối gần nhà. Trường hợp ở gần không có bạn học cùng lớp hoặc cùng khối thì giáo viên phát phiếu bài tập cho HS làm ở nhà có sự hướng dẫn của phụ huynh. Sau khi tình hình dịch bệnh giảm thì nhà trường tổ chức học tập trung.

Nhóm phóng viên miền Trung
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI